Sự thật về "người ngư phủ trở về sau bão Chanchu"

Thứ Tư, 16/08/2006, 08:37
Không ra khơi câu mực trên chiếc tàu mang số hiệu ĐNa 90053 nhưng anh Hương đã "đi đâu đó" sau khi cơn bão Chanchu tan. Ở nhà, vợ anh Hương nghĩ chồng mình theo tàu câu mực và bị thiệt mạng nên đã đến UBND xã Quế Ninh báo tin.

Gần một tuần qua, dư luận vẫn không ngớt xôn xao chuyện một ngư dân quê ở Quảng Nam bị xem là mất tích trong bão Chanchu bỗng đột ngột trở về. Và, câu chuyện kể về con người đơn độc vật lộn với tử thần từng giây, từng phút giữa trùng khơi trong 13 ngày trời đã được nhiều tờ báo miêu tả như một bi tráng của lòng quả cảm…

Nhưng, sự thật như thế nào? Sáng 15/8, ông Phạm Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, dẫn chúng tôi đến nhà chị Lê Thị Huệ (40 tuổi), là chủ nhân chiếc tàu xấu số ĐNa 90053 đã bị bão Chanchu đánh chìm tại vùng vịnh đảo Đông Sa. Đây là chiếc tàu mà theo lời kể của ngư dân Nguyễn Văn Hương, trú ở thôn 3, xã Quế Ninh, huyện Quế Sơn (Quảng Nam), là anh đã có mặt trên tàu khi xuất bến, song vì "đi chui" nên không có tên trong danh sách thuyền viên.

Con tàu ĐNa 90053 bị chìm, trong số 22 thuyền viên đi trên tàu thiệt mạng có chồng chị Huệ là anh Nguyễn Út Thanh, chỉ riêng Hương may mắn bám được chùm can nhựa cột vào người và trôi lênh đênh suốt 13 ngày trời ròng rã trên biển cho đến khi được một tàu câu sỏi (cá mú, cá hồng) của ngư dân tên là Hai ở Bình Định cứu sống…

"Chuyện ông Hương kể đăng trên các báo nghe lâm ly như phim, nhưng gặp được chị Huệ thì mới biết lòng người thật khó dò…" - trên đường đi, ông Hoàng chỉ nói với chúng tôi như vậy.

Tiếp chúng tôi, chị Lê Thị Huệ ngậm ngùi: "Lúc đầu, nghe tin anh Hương là ngư dân đi cùng tàu với chồng tôi thoát chết trở về, tôi mừng lắm. Nhưng, khi đọc nhiều bài đăng trên các báo, tôi ngờ ngợ là mình bị mắc lừa…".

Kể lại chuyện đi biển với các nhà báo, anh Hương cho rằng, anh đi theo anh Bảy Xưa, tên thật là Lê Văn Linh, ở Quế Phú, Quế Sơn, ra Đà Nẵng "đi chui" ra khơi câu mực cùng 22 thuyền viên, trong đó có chồng chị Huệ và tàu ĐNa 90053 xuất bến vào ngày 11/5.

Nhưng, chị Huệ thì nhớ như in cái ngày mà cùng lúc 4 con tàu do vợ chồng chị đứng tên chủ sở hữu rời bến cá Thuận Phước, gần cảng sông Hàn, là ngày 24/3 âm lịch, tức ngày 21/4 dương lịch. Chị Huệ cũng nhớ chính xác số thuyền viên ra khơi câu mực trên 4 con tàu của mình. “Tôi đã gặp tất cả thuyền viên trên 4 tàu câu mực và mua bảo hiểm cho họ ra khơi, song không có người nào giống hình ảnh anh Hương đã đăng trên các báo cả…" - chị Huệ nói chắc như đinh đóng cột.

Bởi vì, theo lời chị Huệ, vào chiều 21/4, chị đã có mặt trên tàu ĐNa 90053 bên chồng là anh Nguyễn Út Thanh cho đến khi tàu nổ máy rời bến mới bước lên bờ…

Trong danh sách 32 ngư dân đi tàu ĐNa 90053 bị tử nạn đã được UBND phường Thanh Khê Đông cùng các cơ quan chức năng và Đồn Biên phòng 248, Thanh Khê (Đà Nẵng) xác định cũng không có tên anh Nguyễn Văn Hương. Vậy anh Hương đi tàu nào? Vì sao có tên trong danh sách ngư dân của tỉnh Quảng Nam bị mất tích trong bão Chanchu?…

Chị Lê Thị Huệ buồn buồn kể tiếp: Vào tối 12/8, chị nhận được cú điện thoại, giọng người đàn ông bên kia đầu dây nói: "Tui sống sót trở về từ bão Chanchu, định bụng dẫn vợ ra thắp hương cho anh Thanh chồng chị mà chưa đi được…". Chị Huệ hỏi lại: "Anh là ai?" thì người đàn ông cho biết, tên là Hương ở Quế Sơn.

Thực tế ở Quế Sơn có chú Bảy, tên thật là Lê Văn Bảy, chồng của đứa cháu gái gọi tôi bằng cô ruột. Bảy là ngư dân câu mực đi trên tàu của chồng tôi và đã chết. Hôm Bảy ra nhà tôi đi biển cũng chẳng dẫn theo người nào cả. Vì vậy, khi anh Hương xưng tên, tôi bèn kiểm chứng lại thông tin nên hỏi: "Anh bảo đi mực trên tàu của chồng tôi thì có nhớ tàu xuất bến ngày nào không?". Phía đầu dây bên kia, anh Hương trả lời: "Bị bão biển vùi dập nên quên hết rồi!".

Nghe anh Hương trả lời như thế tôi mất hết hy vọng, vì trên các báo đã đăng, anh Hương kể tàu xuất bến ngày 11/5, nên dập máy…". Cháu gái chị Huệ là chị Lê Thị Tam, còn gọi là Tĩnh, ở Quế Sơn cho hay: Khi xảy ra bão Chanchu, chị Nguyễn Thị Nương, vợ anh Hương nghĩ chồng mình ra Đà Nẵng đi theo tàu câu mực và bị thiệt mạng nên đã đến UBND xã Quế Ninh báo tin.

Từ đó, anh Hương có tên trong danh sách ngư dân mất tích và gia đình lập bàn thờ, rồi các đoàn thể, các nhà hảo tâm đến cứu trợ số tiền khoảng 50 triệu đồng. Đến khi anh Hương đột ngột trở về, chị Nương tâm sự với chị Tam xin số điện thoại nhà chị Huệ để anh Hương điện ra nhờ xác nhận có đi tàu câu mực với anh Nguyễn Út Thanh…

Chị Huệ còn nói rằng, sau khi nghe điện thoại của anh Hương, chị sợ sáng chủ nhật anh ra nhà nên đã đến báo cáo sự việc với ông Hồ Văn Mên, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông và nhờ ông Mên đến tiếp. Nhưng, chờ đợi không thấy anh Hương ra, ông Mên đã để lại 2 số điện thoại để chị Huệ có thể nhanh chóng báo cáo sự việc khi gặp anh Hương…

Như vậy, có thể khẳng định, ngư dân Nguyễn Văn Hương không ra khơi câu mực trên chiếc tàu mang số hiệu ĐNa 90053 do vợ chồng anh Nguyễn Út Thanh và chị Lê Thị Huệ làm chủ, đã bị chìm trong bão Chanchu tại vùng vịnh Đông Sa, nhưng đi tàu đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển phía Nam, hoặc cũng có thể đi làm ở đâu đó mà chỉ có anh Hương mới biết được.

Đến khi xảy ra bão Chanchu, nghe tin các gia đình ngư dân có người tử nạn được các tổ chức, cá nhân quyên góp hỗ trợ tiền nên anh Hương... làm thinh, để rồi dẫn đến chuyện "bé cái nhầm"? Và, vì phóng lao nên phải theo lao nên anh Hương dựng nên câu chuyện vật lộn với thần chết trong 13 ngày đêm trên biển cả?...

Long Vân
.
.
.