Sau một năm triển khai mô hình cải thiện ATTP thức ăn đường phố tại Hà Nội:

Sự thật có như báo cáo?

Chủ Nhật, 06/04/2014, 10:16
Thức ăn đường phố luôn là vấn đề đáng quan tâm ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bởi nhu cầu sử dụng loại hình này rất lớn. Công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố luôn cần được quan tâm đặc biệt.
>> Chống thực phẩm bẩn: Cần sự vào cuộc của nhiều ngành

Ngày 4/4, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức Hội thảo triển khai thực hiện đề án mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại một số phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015 trong đó tổng kết việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố năm 2013. Ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có 5.345 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại 577 xã, phường, thị trấn.

Qua 1 năm triển khai thực hiện mô hình cải thiện an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại Hà Nội, khảo sát cho thấy, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm là 74,4%. Cơ sở đạt các tiêu chí chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm là 1.283 cơ sở, chiếm tỉ lệ 39,7%.

Tuy nhiên, trong năm 2013, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng đã đình chỉ 3 cơ sở vi phạm, hủy sản phẩm là 4,8kg giò và bánh cuốn tại 2 cơ sở, phê bình tại chỗ 999 cơ sở, phê bình trên loa đài 148 cơ sở.

Ông Lê Đức Thọ cũng nhấn mạnh, các cơ sở thức ăn đường phố thường thay đổi địa điểm vị trí nên khó quản lý, tổ chức khám sức khỏe cho người chế biến, người kinh doanh thức ăn đường phố còn nhiều hạn chế trong nhận thức về các quy định pháp luật an toàn thực phẩm…

Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, nếu căn cứ số liệu của cơ quan chức năng đưa ra với thực tế, dễ dàng nhận thấy đó là khoảng cách khá xa vời. Đi dọc nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội dễ nhận thấy tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở bày bán thức ăn đường phố vẫn đang trong tình trạng đáng báo động. Tại một quầy kinh doanh đồ ăn sáng trên phố Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, theo quan sát của chúng tôi, quầy hàng này án ngữ ngay bên cạnh đường đi với đủ các phương tiện ôtô, xe máy khá bụi bặm. Thức ăn để chế biến bao gồm có thịt bò sống, thịt lợn chín đặt cạnh nhau rất mất vệ sinh cũng không có gì che chắn. Phố Phủ Doãn, Hà Nội, một loạt các quầy bán cơm bụi cạnh cổng Bệnh viện Việt Đức vào giờ trưa bày la liệt hai bên đường. Tất cả các hàng ăn này đều là hàng bán rong nên không đủ tiêu chí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố. Tại cổng nhiều bệnh viện khác như Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương…tình trạng hàng rong kinh doanh ăn uống mất vệ sinh cũng là hình ảnh thường thấy.

Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng cho thấy vi phạm các tiêu chí về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở này như phải có khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn, đồ uống đảm bảo vệ sinh, chống bụi bẩn, mưa nắng, ruồi nhặng, côn trùng gây hại; người bán hàng phải sử dụng găng tay dùng 1 lần, hàng hóa phải có hó đơn chứng từ đảm bảo nguồn gốc xuất xứ… vẫn thường xuyên xảy ra. Mùa hè đang đến gần, nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm, công khai thông tin các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông. Đừng để xảy ra các vụ ngộ độc, tiêu chảy… mới vào cuộc

Nguyễn Hương
.
.
.