Sự thật chuyện “một người dân mua 120 tấn lúa để làm việc thiện”

Chủ Nhật, 02/01/2011, 16:10
Truyền đạo trái phép, ông Lê Văn Mẫm (ở Tiền Giang) và con gái đã bị xử phạt hành chính. Chuyện liên quan đến hành vi của ông Mẫm có lẽ cũng chìm vào quá khứ nếu như không có một số tờ báo cố tình cho độc giả hiểu sai bản chất của sự việc, nhất là chuyện ông Mẫm đem cả trăm tấn thóc cứu trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ...

Cách nay gần 2 tháng, nhiều tờ báo thông tin về "nghĩa cử đáng khâm phục" của ông Lê Văn Mẫm, ở ấp Kinh Trên, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Các tờ báo này viết, dù gia cảnh khó khăn, vợ phải lam lũ thức khuya, dậy sớm bán rau cải ngoài chợ, con lại bị bệnh ngặt nghèo vậy mà ông Mẫm đã làm cho nhiều người kinh ngạc sau khi quyết định ủng hộ đồng bào bị thiên tai ở miền Trung và dân nghèo tại địa phương 120 tấn lúa, trị giá khoảng 600 triệu đồng. Nhiều người thật sự động lòng, thậm chí ví ông Mẫm như một "thánh sống" khi đọc được thông tin "… số lúa này do chính ông mua của bà con xung quanh. Ai muốn mua lại giá gấp đôi ông cũng không bán. Ông đã ăn gạo ngang, gạo dạt, tức gạo được xay xát từ lớp lúa nằm sát đất, bị ẩm mốc, để dành phần gạo trắng, chất lượng tốt cho bà con miền Trung".

PV Chuyên đề ANTG đã vào cuộc tìm hiểu và bất ngờ trước một sự thật…

Trước khi ông Lê Văn Mẫm được một số tờ báo ca tụng tít tận... trời xanh vì "nghĩa cử cao đẹp đến bất ngờ", nhiều người dân Tiền Giang, nhất là vùng quê Bình Ân chẳng lạ gì tên tuổi của ông. Ông Mẫm sinh năm 1950, trong một gia đình có 8 anh chị em. Năm 23 tuổi, ông Mẫm đi lính không quân, thuộc Sư đoàn 5 của  chính quyền Sài Gòn (đóng quân ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất). Chỉ được một năm sau đó, người ta thấy binh nhì Lê Văn Mẫm trở về  địa phương làm ruộng cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Hơn 35 năm qua, cũng như nhiều người dân Bình Ân, ông Mẫm vẫn quen sống với công việc của một nông gia.

Vợ chồng ông Mẫm có 3 người con, 1 gái 2 trai. Con gái lớn Lê Thị Thanh Thủy, còn gọi là Sương (SN 1975). Cách nay gần 10 năm, Sương bị suy thận. Bị bệnh như thế nhưng khoảng một năm nay người dân Bình Ân râm ran về khả năng "thần bí" của Sương. "Ăn theo" con gái mình, ông Mẫm cũng bỗng dưng trở thành người "siêu phàm"...

Nhà ông Mẫm được cất với quy cách một trệt một lầu. Hồ sơ của đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, mỗi khi có người đến nhà, "thầy" Sương cho người cất giấu giày, dép rồi đóng cửa, canh gác... công an một cách cẩn thận. Khi mọi người vào phòng, "thầy" Sương đề nghị họ vào tư thế quỳ, chắp tay khẩn niệm. Rồi "thầy" Sương lần lượt sờ đầu từng người, sau đó cho họ uống nước lạnh hoặc ngậm hoa vạn thọ. "Thầy" Sương còn căn dặn mọi người phải ăn chay trường, đặc biệt tuyệt đối không được cưới vợ, lấy chồng, không được uống rượu bia. "Thầy" Sương tự đặt pháp danh cho các "con đạo" gắn với chữ lót là Hồng Minh (nếu là nam) và Hồng Ngọc (nếu là nữ). Có người thắc mắc với cách đặt pháp danh này, "thầy" Sương giải thích là do chính bản thân chị ta từng bị bệnh thận rất nặng nhưng nhờ ông Hồng Lam, Hồng Lữ nào đó... nhập vào cho hết bệnh. Không chỉ có vậy, ông "Hồng Lam, Hồng Lữ" này còn cho chị ta khả năng độ mạng, cứu bá tánh.

Vào các ngày rằm, ba mươi hàng tháng, căn phòng trên lầu một của nhà ông Mẫm đông nghịt người. Có những gia đình đến 3 thế hệ, hơn 10 người cũng lặn lội đến nhà ông Mẫm, xin được nhận làm con đạo.

Sau mỗi lần cho mọi người cảm nhận mình đã bị "thầy nhập", Sương bắt đầu rao giảng. Do là người của cõi âm nên lời của "thầy" Sương nói ra rất khó nghe, phải cần đến phiên dịch. Và phiên dịch này không ai khác chính là ông Mẫm. Ông Mẫm cũng được "thầy" Sương đặt cho pháp danh là Hồng Tứ Quang. Không phải chỉ chép lia, chép lịa ra cuốn sổ nhỏ mỗi khi "thầy" Sương nói lí nhí rồi phiên dịch, ông Mẫm còn giúp... "thầy" giải thích, phân tích, diễn giải nghĩa cho các con đạo hiểu thêm.

Lực lượng kiểm tra phối hợp lập biên bản hành vi vi phạm của cha con ông Mẫm.

Thông qua "phiên dịch" Lê Văn Mẫm, "thầy" Sương nói rằng trong kỳ 3 (tam kỳ) này, nhân loại sẽ gặp nhiều thiên tai như thời tiết khắc nghiệt, sụp đất, nước biển dâng cao... Do vậy, muốn được tồn tại, mọi người phải làm việc thiện, tích đức để được phước. Mà để làm được điều này, phải nghe lời "thầy" Sương dạy: Làm công quả cho ông Lê Văn Mẫm bằng việc góp công, góp của xây dựng hồ nước, góp ngọc (lúa) vào kho lúa. Để tiện cho con đạo theo kịp bài giảng của "thầy" Sương, ông Mẫm đã biên soạn, in ấn 60 quyển tài liệu với tên gọi là Huỳnh Đình Chiếu pháp - Vô tự Chơn kinh, tán phát cho mọi người.

Ban đầu, "thầy" Sương kết nạp con đạo vào các ngày thứ năm, thứ bảy và chủ nhật. Nhưng được một thời gian, "thầy Sương đổi lại là vào ngày chủ nhật và ngày rằm, ngày ba mươi. "Thầy" Sương đã “cầu thầy” về rất nhiều lần và các lần ấy đều hoàn toàn bí mật, nhưng thường là vào lúc 2-3 giờ sáng. Ba anh em ruột (Phạm Công Minh, Phạm Thái Hòa và Phạm Văn Đạt) cho rằng, đã tận mắt chứng kiến "thầy về" vào lúc nửa đêm nên đã tuyên truyền cật lực với nhiều người rằng: Giờ tận thế sắp đến nơi rồi. Đừng làm gì nữa. Hãy cho con nghỉ học. Ai có ngân (tiền) hãy đem đổi lấy hạt ngọc... Sau này, trường học cũng không còn...

Rồi những ngày sau đó, nhiều vùng quê của Gò Công Đông, xuất hiện tin đồn là sắp đến ngày Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM sẽ sụp đất. Lúc ấy, nước biển sẽ dâng cao, ngập khắp nơi, nhất là vùng biển Gò Công... Cả thế giới sẽ chết gần hết. Vài trăm người còn sống sót sẽ tụ tập lại nhà của cha con ông Mẫm để được bề trên che chở. Tuy được sống nhưng những người này sẽ chịu đói khổ ít nhất đến năm 2016. Sau đó, sẽ có "Tiên" xuống "trần" để tạo lập lại đời mới. Và những người này sẽ sống đến... 1.000 tuổi. Họ sẽ lập gia đình ở tuổi 100 v.v...

Trở lại chuyện làm theo lời của "thầy" Sương để chuẩn bị cho “ngày tận thế", nhiều con đạo đã khẩn trương góp tiền, mua vật tư, thuê mướn thêm nhân công đến nhà cha con ông Mẫm gấp rút xây một dãy hồ lớn gồm 4 cái. Chưa cảm thấy hài lòng, họ tiếp tục xây thêm nhiều hồ khác có sức chức khoảng 200m3 nước/hồ. Rồi họ mua bao nilon loại lớn để trữ nước trong ao, mua máy phát điện, mua khá nhiều thùng phi để chứa muối hột. Họ còn mua nước tương, diêm quẹt, dầu lửa, cối xay lúa...

Đầu năm 2010, sau khi xây xong kho lúa, các con đạo đã mua và trữ trên 100 tấn lúa (chưa kể số lượng lớn đã gửi nơi khác); trong số này, anh em ông Đạt, Minh và Hòa đã góp khoảng 30 tấn. Rồi các con đạo cũng chạy lăng xăng khắp làng, khắp xóm để thu gom vỏ bưởi, lá xả, lá cây ngũ trảo mang tới nhà ông Mẫm trữ "để sau này xông mùi thối của xác người chết do tận thế". Mỗi ngày, có từ 20 đến 30 người đến nhà ông Mẫm làm công quả với nhiều công việc khác nhau. Và nơi đây trở thành địa điểm gây mất an ninh trật tự nhất vùng quê Bình Ân.

Không phải chỉ truyền đạo trái phép, dù không có giấy phép hành nghề nhưng ông Mẫm đã trực tiếp chữa bệnh viêm mũi cho một số người bằng cách thổi muối vào... lỗ mũi của người bệnh. Cha con ông còn kêu gọi mọi người hãy uống dầu dừa để phòng bệnh đột qụy  Tại nhà mình, ông Mẫm để bình dầu dừa hễ có ai đến nhà ông làm công quả thì uống một muỗng...

Không thể để diễn biến tình hình ngày càng xấu đi, ngày 28/5/2010, lực lượng Công an đã kiểm tra hành chính nhà ông Mẫm. Hôm đó, ngoài ông Mẫm và "thầy" Sương, còn có 49 người từ nhiều địa phương khác đến. Qua làm việc, ông Mẫm cùng nhiều người khác thừa nhận đã đến đây để nghe truyền đạo "vô vi" do con gái ông Mẫm là Lê Thị Thanh Thủy tự xưng.

Chúng tôi cũng có trong tay "bản nhận tội" do chính tay ông Mẫm viết ra: "Bản thân tôi nhận thấy trong thời gian qua tôi có vi phạm chủ trương chính sách pháp luật nhà nước. Tôi và con gái tôi là Lê Thị Thanh Thủy, tự là Sương có hành vi lợi dụng việc con tôi bị bệnh để truyền bá mê tín, lập ra đạo vô vi để từ đó tung tin thất thiệt đại nạn kêu gọi lôi kéo mọi người vào đạo. Qua thời gian hoạt động  có khoảng 50 người theo đạo... Tôi có nói kỳ ba, nạn kiếp bệnh đau, thiếu nước, thiếu lương thực. Tôi vận động, lôi kéo những người theo đạo vô vi của tôi xây 10 cái hồ đựng nước và một kho thóc hiện nay khoảng 100 tấn. Tôi nhận thấy việc làm trên và con gái tôi vi phạm tụ tập hoạt động tuyên truyền tà đạo trái phép, tuyên truyền mê tín dị đoạn, in ấn kinh trái phép, tổ chức quyên góp lúa và ngày công xây hồ trái phép, hành nghề chữa bệnh không có giấy phép...".

Ngay sau vụ việc tà đạo tại nhà ông Mẫm bị phát hiện, ngày 24/6/2010,  UBND xã Bình Ân đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cha con ông Mẫm. Và ngày 25/6/2010, tại Trường Mẫu giáo ấp Kinh Trên, xã Bình Ân, Công an tỉnh Tiền Giang, Công an huyện Gò Công Đông kết hợp cùng Ủy ban MTTQ, Phòng Nội vụ huyện Gò Công Đông và UBND xã Bình Ân tổ chức họp dân công khai quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hoạt động tà đạo "vô vi" trái phép, mê tín dị đoan của ông Mẫm và con gái. Sau khi nghe đại diện ngành chức năng tóm tắt hành vi vi phạm pháp luật của hai cha con, ông Mẫm cũng đã đọc bản tự kiểm điểm trước đông đảo nhân dân, đại diện các ban, ngành của tỉnh, huyện. Ông cũng bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi, hứa sẽ không tái phạm. Ngày hôm đó, "thầy" Sương do bệnh thận mãn tính, sức khỏe yếu nên chính quyền và ngành chức năng thống nhất không triệu tập, mà giao cho chính quyền thị xã Gò Công (quê chồng của Sương) giáo dục.

"Bản nhận tội" do ông Mẫm tự viết và đọc trước đông đảo người dân, chính quyền địa phương.

Chuyện liên quan đến hành vi của ông Mẫm có lẽ cũng chìm vào quá khứ nếu như không có một số tờ báo cố tình cho độc giả hiểu sai bản chất của sự việc, nhất là liên quan đến chuyện ông Mẫm đem cả trăm tấn thóc cứu trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Một tờ báo đã dẫn lời ông Nguyễn Văn Đến - Phó bí thư Đảng ủy xã Bình Ân nói rằng "chính quyền xã đã xác minh và thấy rằng, chính ông Mẫm đã tự bỏ tiền mua số lúa trên, chứ không có ai góp" (?). Còn ông Mẫm sau khi hướng dẫn PV của tờ báo này đi xem các kho chứa quanh nhà vẫn còn đầy ắp lúa, cho biết số lúa này ông mua của bà con quanh vùng vào vụ hè thu vừa qua, giá từ 4.000-5.000 đồng/kg. Tổng cộng số lúa nhập kho khoảng 120 tấn.

Bài báo trích lời ông Mẫm: "Dù ai có mua với giá 10 ngàn/kg tôi cũng không bán. Đây là số lúa gia đình tôi mua để dùng hết làm từ thiện, chủ yếu giúp đồng bào bị thiên tai miền Trung, một phần giúp đồng bào nghèo trong xã, huyện trong dịp tết Nguyên đán sắp tới". Chưa hết, nhiều bài báo còn viết ông Mẫm là người ăn chay trường từ cách nay hơn 20 năm. Nồi cơm ông Mẫm đang ăn là từ số gạo dạt, gạo ngang (lớp lúa nằm sát đất, bị ẩm mốc) trong lô gạo gửi tặng bà con miền Trung. Ông Mẫm nói: "Lúa của mình, ăn thứ nào cũng được, còn gạo gửi tặng bà con bị thiên tai phải là gạo trắng, chất lượng tốt. Bà con nhận hàng cứu trợ mà thấy gạo bị ẩm mốc thì còn gì là ý nghĩa".

Tờ báo còn viết: "Kế bên các kho lúa là dãy hồ bêtông cao ráo, tổng cộng 13 cái với tổng sức chứa khoảng 50 ngàn đôi nước (tương đương 2.000m3), tổng số tiền đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Gia đình ông Mẫm xây dãy hồ chứa nước này là để cung cấp miễn phí nước sinh hoạt cho bà con trong những tháng mùa khô".

Chưa hết, nhiều tờ báo viết về “tấm lòng” của con gái ông Mẫm - Lê Thị Thanh Thủy rằng: "...một ngày ở Bệnh viện Chợ Rẫy chị đã cấp phát 2,8 triệu đồng "làm phước" cho những người bệnh gặp khó khăn cần sự giúp đỡ". Bài báo dẫn lời Lê Thị Thanh Thủy: "Làm ra được 10 đồng, chúng tôi giúp những người nghèo khó 3 - 4 đồng".

Việc thiện chỉ có ý nghĩa khi nó phải xuất phát từ lòng thiện. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết hay sự nhẹ dạ, cả tin của người này, người nọ để quyên góp tiền bạc, tài sản, phục vụ cho toan tính riêng tư của mình, đó có gọi là việc thiện? Theo chúng tôi, xã hội luôn cần nghĩa cử tốt đẹp xuất phát từ những tấm lòng nhân ái. Những ai đã từng làm việc thiện dù ít hay nhiều đều cũng có cùng suy nghĩ rằng mình "làm ơn" thế là để đời bớt đi những cảnh khó, cảnh khổ, chứ chẳng ai đi làm việc thiện để tạo ra những nạn nhân kiểu tiền mất, tật mang, để xã hội chỉ trích, kiểm điểm...

Binh Huyền - Chuyên đề ANTG số 1024
.
.
.