Sử dụng mật cá, mật động vật để… chữa bệnh: Mang họa vào thân

Thứ Hai, 10/03/2014, 10:48
Theo thông tin từ Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay đang có hiện tượng người dân sử dụng mật cá để điều trị nhiều loại bệnh như nhức mỏi, giảm thị lực, hen, mề đay… dưới hình thức nuốt sống trực tiếp hoặc pha trộn túi mật với nước, rượu hoặc mật ong. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người sử dụng. Đã có không ít người phải nhập viện sau khi sử dụng mật cá, mật động vật để chữa bệnh.

Sự lầm tưởng tai hại

Tại nhiều địa phương, nhất là ở khu vực nông thôn, nhiều người vẫn có suy nghĩ mật cá nhất là cá trắm càng to thì công dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe càng lớn. Tuy nhiên, đây chính là con đường rất ngắn để đưa người dân đến với bệnh viện. Thời gian qua, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp ngộ độc mật cá. Gần đây nhất vào tháng 2/2014 là trường hợp em Nguyễn Văn Hà, 14 tuổi, ở Gia Bình, Bắc Ninh.

Chẳng là, sau khi mua được con cá trắm khoảng 4kg về nấu lẩu, nghe đồn về công dụng của mật cá trắm giúp chữa nhiều loại bệnh trong đó có những bệnh về đường tiêu hóa, lại thấy con mình còi cọc, ăn nhiều không lớn nên bố Hà đã lọc lại chiếc mật cá rồi chọc thủng, chắt vào cốc trộn với đường cho Hà uống. Uống xong, chỉ 3 tiếng sau, Hà lập tức có biểu hiện ngộ độc như đau bụng quằn quại, nôn thốc nôn tháo, tiêu chảy… Hà được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, do bệnh có chiều hướng nguy hiểm nên em đã được nhanh chóng chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy, men gan của em Hà đã tăng cao gấp khoảng 200 lần mức bình thường. Tại đây, sau 2 ngày điều trị tích cực, Hà đã đỡ hơn khi men gan giảm đáng kể. Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm Chống độc, rất may mắn cho Hà là em không bị suy thận bên cạnh tổn thương gan nặng nề như nhiều bệnh nhân khác khi uống mật cá trắm.

Ngộ độc mật cá có thể dẫn đến tử vong. (Ảnh minh họa).

Không chỉ Hà mà nhiều bệnh nhân trước đó, cũng với quan niệm uống mật của cá chữa trị bệnh theo truyền miệng của dân gian đã phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Bác sĩ Tuấn cho biết, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã phải cấp cứu một trường hợp bị ngộ độc mật cá trắm do tự ý nuốt mật cá để chữa bệnh… đau lưng. Nghe mọi người “mách”, chị H, trú tại Hà Nội đã đi xin về một chiếc mật của cá trắm đen nặng 7kg để uống. Sau khi uống xong khoảng 2h, chị H cũng rơi vào tình trạng đau bụng dữ dội, mặt mũi tím tái, nôn thốc nôn tháo... Bác sĩ Tuấn cho biết: Đối với những con cá có trọng lượng càng lớn thì mật càng lớn. Mật càng lớn thì khả năng gây ngộ độc và biến chứng cho con người càng nặng.

Những nguy hiểm khó lường

Ngoài mật cá trắm, không ít người dân lại truyền nhau cách sử dụng mật các loại động vật để chữa bệnh, tốt cho sức khỏe như mật lợn, mật gấu… Tuy nhiên, uống những loại rượu pha mật này khỏe thì chưa thấy đâu mà chỉ thấy rước thêm bệnh. Trường hợp anh Nguyễn Văn Thanh, ở Vĩnh Phúc rất may mới chỉ bị ngộ độc nhẹ sau khi uống rượu trắng pha với mật lợn. Chẳng là, gia đình anh Thanh có mổ lợn để bán. Nghĩ lợn nhà nuôi an toàn, không bệnh tật lại nghe nhiều người nói uống rượu mật tốt cho sinh lý nam nên anh Thanh đã lấy mật để uống. Do mật đắng lại pha với rượu khó uống nên anh Thanh chỉ làm một ngụm nhỏ. Ai ngờ, khoảng gần 30 phút sau, anh Thanh thấy chóng mặt, bủn rủn chân tay, người lạnh toát, bụng có biểu hiện đau sau đó nôn thốc nôn tháo. Nôn xong được hết chỗ thức ăn kèm mật xanh mật vàng, anh Thanh mới thấy nhẹ người và đỡ choáng váng. Từ đó anh Thanh cạch đến già món rượu pha mật lợn.

Theo bác sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều người nhầm lẫn uống mật động vật sẽ trị bệnh và bổ dưỡng. Nhưng thực tế quan niệm này hoàn toàn sai lầm bởi trong mật cũng có những độc tố làm suy gan, viêm gan, suy thận… rồi từ đó có thể dẫn đến tử vong. Ví dụ như, trong mật cá trắm có chứa độc tố gây tổn thương chủ yếu là viêm gan, thận. Ngộ độc mật cá trắm có thể dẫn đến tử vong do phù phổi cấp, phù não do vô niệu, ứ nước; tổn thương vi thể… Mức độ gây ảnh hưởng của mật của cá trắm tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng đưa vào cơ thể. Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên thì chắc chắn gây ngộ độc, gây viêm thận cấp và có thể dẫn đến tử vong sau 2 ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời. Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong.

Lời khuyên của các bác sỹ là người dân không nên tự tiện điều trị bệnh hoặc chữa bệnh theo những lời đồn thổi, truyền miệng để rồi “rước họa vào thân”. Khi có bệnh, người dân phải đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh

Nguyễn Hương
.
.
.