Sốt xuất huyết Dengue ở trẻ nhũ nhi: Dễ chẩn đoán lầm

Thứ Sáu, 31/10/2008, 17:35
Các bệnh nhi chỉ mới vài ngày tuổi non nớt được đưa tới bệnh viện trong tình trạng sốt cao liên tục, xét nghiệm máu chỉ cho biết lượng tiểu cầu giảm, điều này chưa nói lên điều gì. Áp dụng phác đồ điều trị như với một trẻ mắc bệnh nhiễm trùng sơ sinh nhưng trẻ không đỡ sốt… Rất có thể trẻ đã mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue.

Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời diễn tiến bệnh có thể vào giai đoạn sốc SXH Dengue với nhiều triệu chứng ồ ạt như xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, và… tử vong. SXH Dengue ở trẻ nhũ nhi mới chỉ được ghi nhận tại Thái Lan, Malaysia trước đây, thì nay đã liên tục được phát hiện tại 2 Bệnh viện Nhi Đồng (NĐ) 1 và 2 từ đầu năm tới nay.

Điều đáng lưu ý là các trường hợp SXH Dengue ở trẻ nhũ nhi rất khó phân biệt với bệnh nhiễm trùng sơ sinh trong những ngày đầu của bệnh. Theo bác sỹ (BS) Dương Tấn Hải và BS Trần Thị Hoa Phượng - Bệnh viện NĐ 2, thì từ đầu năm tới nay bệnh viện này đã tiếp nhận 3 trường hợp trẻ sơ sinh mắc SXH Dengue đã được điều trị cứu sống kịp thời.

3 trường hợp trên là bé trai Hà Đình K (11 ngày tuổi), ngụ Dĩ An, Bình Dương, nhập Bệnh viện NĐ 2 sau sốt 1 ngày. Bé sốt 38 độ C. Các cơ quan khác đều bình thường qua xét nghiệm. Liên tục được theo dõi sát tại Khoa Nhiễm NĐ 2 nhưng bệnh nhi vẫn sốt 4 ngày (38 tới 39,5 độ C). Kèm theo gan to dần tới 78mm vào ngày thứ 4 của bệnh và xuất hiện các chấm xuất huyết da ngày càng nhiều, tiểu cầu giảm dần. Chỉ sau khi được làm xét nghiệm Elisa mới chẩn đoán nhiễm siêu vi Dengue.

Trường hợp thứ 2 là bé Phạm Trọng H, 21 ngày tuổi, ngụ tại quận 9, TP HCM, được đưa tới ngày bệnh thứ 2 sốt 39 độ, và liên tục không giảm sốt. Ngày thứ 5 tiếp tục xuất hiện gan to, tiểu cầu giảm. Và trường hợp thứ 3 là bé gái tên Phạm Thị H, ngụ Dĩ An, Bình Dương. Trường hợp này lúc đầu được chẩn đoán nhiễm trùng sơ sinh. Căn bệnh chỉ tìm ra vào ngày thứ 4 của bệnh: SXH sơ sinh độ 2.

Cũng vào ngày 25/10 vừa qua, các BS Bệnh viện NĐ 1 đã cứu sống một trường hợp sốc SXH nhũ nhi kèm suy hô hấp nặng. Đó là cháu Nguyễn D.B, 5 tháng tuổi, ngụ tại Bình Chánh. Cháu B. sốt cao liên tục 2 ngày, nổi chấm xuất huyết rải rác tay chân. Đến ngày thứ 3 bé bỏ bú, da nổi bông, khi người nhà đưa vào viện đã trong tình trạng sốc, chẩn đoán SXH độ III.

Do bệnh nhi vào sốc sớm nên diễn tiến bệnh rất phức tạp, mặc dù đã được truyền dịch chống sốc đúng phác đồ, nhưng bệnh nhi vẫn có biểu hiện tái sốc nhiều lần, sốc kéo dài, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa, được truyền thuốc vận mạch, huyết tương đông lạnh, tiểu cầu đậm đặc... Không chỉ có vậy, bệnh nhi còn suy hô hấp nặng, được hỗ trợ hô hấp thở áp lực dương liên tục, chọc dò dịch ổ bụng giải áp… nhưng không cải thiện buộc phải đặt nội khí quản, thở máy. Sau 5 ngày điều trị, bé B mới thoát hiểm.

Theo các BS, nhiễm siêu vi Dengue là bệnh nguy hiểm thường gặp tại các nước nhiệt đới có lưu hành dịch SXH. Là loại bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra do 4 type huyết thanh của siêu vi Dengue. Tuy nhiên, SXH sơ sinh khó phát hiện ở giai đoạn sơ khởi, tần suất bệnh và tử vong ở trẻ lại rất cao và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Hầu hết các trường hợp sốt Dengue đều tự khỏi, nhưng cá biệt có một số ca diễn tiến thành SXH Dengue và sốc SXH Dengue. Đây là một bệnh lý nặng biểu hiện bởi các bất thường về cầm máu. Diễn tiến nặng hơn có thể dẫn tới tình trạng cô đặc máu và tử vong nếu không được xử trí kịp. Thời gian ủ bệnh thường từ 3-8 ngày sau khi bị muỗi Aedes aegypty đốt.

Đáng lưu ý về trường hợp bé gái Phạm Thị H (Bình Dương) mới trên 1 ngày tuổi đã mắc bệnh. Được biết, trước khi sinh 2 ngày, mẹ bé có bị sốt liên tục kèm phát ban. Điều này chứng tỏ trẻ sơ sinh cũng có thể nhiễm SXH Dengue ngay từ trong bụng mẹ, tức lây dọc từ mẹ sang con mà tại Thái Lan đã từng ghi nhận có 13 trường hợp, tại Malaysia 2 trường hợp. 

Cái khó là căn bệnh rất khó phân biệt, dễ lầm SXH Dengue với nhiễm trùng sơ sinh trên cận lâm sàng và các xét nghiệm máu thường quy. Do đó, việc chăm sóc trẻ trong mùa dịch SXH ở mỗi gia đình là vô cùng quan trọng, nghi vấn trẻ nhũ nhi mắc SXH Dengue khi có các triệu chứng điển hình:

Sốt 3-4 ngày liên tục, tổng trạng cơ thể vẫn bình thường, tiểu cầu giảm và các xét nghiệm nhiễm trùng khác bình thường không hiệu ứng khi điều trị kháng sinh. Còn khi đã để rơi vào tình trạng bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng, chảy máu răng, ói ra máu, tiêu phân đen… thì khi ấy là trẻ đã bị rơi vào tình trạng tái sốc do SXH Dengue là tình trạng vô cùng phức tạp, khó xử trí.

Ở trẻ nhũ nhi cần lưu ý ngoài biểu hiện sốt cao trẻ còn có thể kèm triệu chứng ho sổ mũi hoặc tiêu chảy dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, do đó phải được BS theo dõi sát sao mỗi ngày để điều trị kịp thời

Nga Huyền
.
.
.