Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Sốt giá - đã được kìm chế nhưng có những nguyên nhân không lường hết

Thứ Bảy, 27/10/2007, 15:31
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nhìn nhận những khiếm khuyết thuộc chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là việc chưa dự báo đúng, chính xác diễn biến thực tế của tình hình giá cả thị trường thế giới.

Thủ tướng khẳng định, từ những tồn tại này, Chính phủ rút ra những bài học quan trọng, từ việc dự báo đến phản ứng linh hoạt với các biến động thị trường thế giới…

"Trong báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ rõ các nguyên nhân này. Mong muốn của chúng ta là muốn tăng trưởng cao nhưng phải làm sao lạm phát thấp" - Thủ tướng khẳng định.

Về khách quan, Thủ tướng phân tích: Nền kinh tế chúng ta là kinh tế thị trường, phụ thuộc vào các biến động của thị trường trong và ngoài nước. Có rất nhiều yếu tố tác động đến cấu thành giá cả, nhưng trước hết là giá nguyên liệu, giá vật tư, rồi tỷ giá các đồng ngoại tệ. Giá cả cũng phụ thuộc năng suất lao động, chi phí sản xuất và phụ thuộc vào trình độ của nền kinh tế...

- Thưa Thủ tướng, đó là các nguyên nhân khách quan, còn về chủ quan, liệu có những vấn đề gì do chúng ta chưa chủ động hoặc chưa lường hết các diễn biến thị trường thế giới khiến lúng túng, bị động?

Phiên thảo luận tại Hội trường ngày 26/10, vấn đề sốt giá tiếp tục được Quốc hội phân tích dưới các góc độ: tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng bền vững, đời sống nhân dân, tính ổn định, hiệu quả các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đặc biệt làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của các Bộ, ngành, bài học trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô...

* Trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận chính sách tiền tệ thời gian qua có những bất cập, đồng thời một số lĩnh vực do giá cả leo thang nhanh, phải phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu nên có sự lúng túng.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, khi ngành sản xuất trong nước còn quá phụ thuộc vào nguyên, nhiên liệu thế giới thì chúng ta vẫn bị ảnh hưởng lớn các biến động giá cả. Do trong thời gian đầu hội nhập nên có một số vấn đề cần phải nghiêm túc xem xét để có biện pháp thực hiện tốt hơn, chủ động ứng phó với tình hình.

- Về chủ quan, Chính phủ cũng đã trình bày trước Quốc hội. Tôi muốn nói thêm là, có những cái chúng ta cũng chưa lường trước được để chỉ đạo, điều hành. Ví dụ như đã có lúc nào mà trong vòng một năm, dự trữ ngoại tệ từ 12 tuần nhập khẩu lên 20 tuần.

Cái này là hai mặt của một vấn đề, tức là đầu tư nước ngoài vào nước ta trực tiếp và gián tiếp mạnh, đầu tư nhiều, chúng ta mừng nhưng đi đôi với đầu tư, người ta phải chuyển đô la vào làm vốn. Để nền kinh tế không bị đô la hoá, chúng ta phải lấy tiền đồng Việt Nam để chuyển đổi cho họ.

Nhưng mặt khác, nếu chúng ta không mua đô la, thừa đô la, tức cung nhiều, cầu ít thì giá đô la sẽ xuống. Giá đô la xuống thì giá đồng Việt Nam tăng lên, mà đồng Việt Nam tăng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, buộc chúng ta phải đưa tiền ra mua. Trong vòng 6 tháng, chúng ta mua gần 9 tỷ đô la.

Nhưng chúng ta cũng đã không lường trước hết mọi thứ được. Đưa tiền ra nhưng việc rút tiền về thế nào, biện pháp rút thế nào phải có “nghệ thuật”. Đó là không phải bằng mệnh lệnh  hành chính mà phải bằng cơ chế thị trường, phát hành trái phiếu, tín phiếu, rồi tăng dự trữ bắt buộc. Dự  đoán trước đây là độ trễ của đồng tiền chậm, nay nền kinh tế rất nhanh, diễn biến đã khác.

- Có ý kiến đại biểu cho rằng, trong điều kiện giá cả nguyên liệu thế giới liên tục biến động, tại sao chúng ta không tăng nguồn dự trữ hoặc mở rộng khả năng cung ứng nguyên liệu trong nước, hạn chế sự phụ thuộc vào bên ngoài?

- Bức tranh kinh tế có cái được, cái chưa được nhưng cái được là cái lớn, đó là kinh tế tăng trưởng 8,5%, có tới 21/23 chỉ tiêu đạt kế hoạch (chỉ có nhập siêu và giảm sinh là chưa đạt). Về nhập siêu, câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không tăng công nghiệp phụ trợ, tại sao không sản xuất nguyên vật liệu trong nước mà phải nhập khẩu nhiều như thế.

Tôi nói một ngành cụ thể, chẳng hạn tại sao dệt may chúng ta xuất khẩu nhiều mà không đẩy mạnh làm dệt, không trồng nhiều bông. Đó là vấn đề phải xem xét đầy đủ, cả quá trình. Chúng ta làm ra nguyên liệu đảm bảo tính cạnh tranh là cả một vấn đề. Chẳng lẽ ngồi chờ đến khi có bông xuất khẩu hay là chấp nhận nhập rồi chế xuất để phát triển nội địa, bởi quá trình đó cũng lãi được trên dưới 30%. Đây là vấn đề cần tính toán khi phát triển chính sách công nghiệp phụ trợ.

- Phải chăng đây là những thách thức khi chúng ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, chịu tác động mạnh của tình hình này và sự chuẩn bị, kinh nghiệm đối phó có phần còn bị động, thưa Thủ tướng?

- Chúng ta hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường là cả quá trình, vừa thăm dò, vừa rút kinh nghiệm, có cái thành công, có cái chưa thành công, thậm chí thất bại. Đó  là sự trả giá trong quá trình phát triển.

Đứng về mặt điều hành của Chính phủ, tôi hết sức nghiêm túc nhìn nhận hai mặt của vấn đề. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, cái gì chưa được phải phân tích rõ nguyên nhân đề ra giải pháp tiến lên nhưng cũng có cái luôn luôn mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa mong muốn và khả năng thực hiện. 

- Trong khi giá cả leo thang, đồng tiền bị trượt giá, nguồn vốn Nhà nước lại giải ngân rất chậm, việc này khiến chúng ta bị thất thoát, lãng phí không nhỏ và ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều vấn đề khác?

- Đó là thực tế mà Chính phủ đã kiểm điểm. Có lúc đầu tư dàn trải kém hiệu quả, quản lý Nhà nước đòi hỏi phải siết lại. Về quy trình, muốn  đầu tư phải lập dự án, trước khi lập dự án phải có quy hoạch, mà quy hoạch xong còn phải chờ duyệt. Nay quy trình này đang được cải cách thuận lợi hơn...

- Với những thiếu sót trong dự báo cũng như thực hiện chính sách tiền tệ - nguyên nhân chủ quan dẫn tới sốt giá kéo dài, Thủ tướng có xem xét, kiểm điểm trách nhiệm các Bộ, ngành liên quan?

- Thực tế đây không phải là việc cố ý mà là việc không  lường trước được, khó dự báo. Làm sao dự báo trước khi trong vòng 6 tháng vốn đầu tư lên tới 8 tỷ USD. Cái đó chúng tôi rút kinh nghiệm ở tầm vĩ mô, đó là khi chúng ta hội nhập càng sâu thì biến động càng nhanh, càng lớn, phải nhanh chóng thích nghi với tình hình. Chắc chắn là năm sau tình hình sẽ tốt hơn năm trước.

Vậy năm sau chúng ta có tiếp tục thu mua đô la nhiều như năm nay?

- Cũng có thể nhưng cách làm sẽ khác hơn, hiệu quả hơn.

- Thưa Thủ tướng, với diễn biến như vậy liệu cơn sốt giá có chặn được?

- Cơn sốt giá chúng ta đã chặn được một bước, bởi nếu như không chặn được thì giá còn cao nữa. Trong GDP là giá trị tăng thêm, nó đã loại trừ yếu tố tăng giá chứ không phải tăng giá cao như thế là không tăng trưởng.

- Xin cảm ơn Thủ tướng!

Công nghiệp ôtô: Cam kết trong giấy phép nhưng chưa có gì  ràng buộc

Liên quan chính sách công nghiệp ôtô, theo Thủ tướng, nếu nói thất bại thì chưa có cơ sở. Hiện cả nước có 11 liên doanh sản xuất ôtô cấp phép cách đây đã hơn 10 năm. Khi cấp phép, chúng ta ràng buộc nhà đầu tư mỗi năm ta tỷ lệ nội địa hoá lên 5%. Chúng ta mong muốn là rất tốt đẹp nhưng giấy phép không đủ, nó còn ràng buộc nhiều yếu tố khác. Nhà đầu tư thấy nội địa hoá không có lợi thì họ không nội địa nữa. Đó là cam kết trong giấy phép nhưng chưa có gì ràng buộc.

Thủ tướng cho biết, hiện nay đã có các chính sách mới, đó là đánh thuế phụ tùng. Phụ tùng nào trong nước sản xuất được thì thuế nhập khẩu vào phải cao hơn, phụ tùng nào trong nước chưa sản xuất được thì đánh thuế thấp hoặc không đánh thuế. Không tính thuế nguyên chiếc nữa mà tính theo phụ tùng. Thứ hai, theo cam kết hội nhập, trước ta bảo hộ, nay phải bảo đảm việc đối xử với doanh nghiệp trong nước thế nào thì doanh nghiệp nước ngoài cũng tương tự, phải giảm thuế. Giảm thuế xe nguyên chiếc theo lộ trình để doanh nghiệp trong nước cố vươn lên.

P. Miên - Đ.Trường
.
.
.