Sông "lấn" vào làng

Thứ Sáu, 09/11/2007, 15:34
Ngay như tại thôn Bàu 2 (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa), trước đây từ làng đi ra sông Gianh còn hơn 100m, người làng làm một con đường kéo dài theo triền sông để dễ bề đi lại với nhau, nhưng nay, nước sông đã chảy vào tận làng, còn con đường đã bị đất lở để nước cuốn đi.

Ông Lê Vạn ở thôn Bàu 2 xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa năm nay đã ngoài 80 tuổi trầm ngâm nhìn xa xăm ra dòng sông Gianh rồi cụ tiếp chuyện chúng tôi: "Khiếp lắm chú nờ, đêm tui đang ngủ nghe mần cái rầm, lấy đèn pin ra coi thì đất lở vô tận thềm nhà. Dần dà, đất lở ăn luôn sát đá táng cột nhà. Nhà tui ai cũng sợ nên không dám ngủ trong nhà nữa mà lấy chăn, màn vô vườn ngủ. Nhờ rứa mà giữ được tính mạng chứ không thì... vì chỉ có mấy đêm đất lở mà nhà tui dừ chỉ còn lại cái móng".

Không dám ngủ nhà

Để minh chứng cho lời mình nói, cụ Vạn lấy tay gạt từng viên gạch trên nền đất. Gia sản cả đời lao động cật lực của lão nông tri điền nay là căn nhà, giờ chỉ còn lại mấy viên đá xanh bó móng nhà.

Rời nhà cụ Vạn, chúng tôi đi dọc bờ sông Gianh. Cảnh tượng về sạt lở làm cho hết thảy mọi người đi trong đoàn đều thấy kinh hoàng. Cách đây độ khoảng mười năm, những bãi cát vàng dọc bờ sông Gianh là nơi người dân trồng hoa màu để cải thiện đời sống.

Nhưng hiện nay do sạt lở nên chỉ thấy những bức tường cát dựng đứng sát với hàng ngàn ngôi nhà của dân, còn phía dưới là dòng nước chảy xiết hung hãn. Tốc độ sạt lở diễn ra nhanh chóng, nên người dân lại càng hoang mang. Có nơi chỉ qua một đêm, đất đã lở vô 3-5m.

Cầm trên tay số liệu thống kê về tình hình sạt lở của hai huyện Tuyên Hoá và Quảng Trạch, chúng tôi thực sự giật mình. Tổng chiều dài bị sạt lở bên bờ sông Gianh của 2 huyện là 89.573m, trong đó hơn 28.000m bị sạt lở sâu, nguy cấp và theo đó hơn 1.000 hộ dân đang bị đe dọa cần phải có phương án di dời gấp ra khỏi vùng sạt lở.

Anh Nguyễn Thanh Lai - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Hoá cho biết: Người dân vừa chống chọi với lụt xong, giờ chống chọi với nạn sạt lở đất e không đủ sức. Được biết Phù Hoá là xã hiện còn có tới 64,5% hộ nghèo đói. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng đất canh tác vốn đã ít, nay lại bị đất sông lở nuốt dần diện tích trồng hoa màu nên người dân lại càng rơi vào túng quẫn.

Tại nhiều thôn dọc bờ sông Gianh ở huyện Tuyên Hoá như Đức Hoá, Châu Hoá, Thạch Hoá, Tiến Hoá... người dân đang thực sự hoang mang vì đất lở. Ngay như tại thôn Bàu 2, trước đây từ làng đi ra sông còn hơn 100m, người làng làm một con đường kéo dài theo triền sông để dễ bề đi lại với nhau, nhưng nay, nước sông đã chảy vào tận làng, còn con đường đã bị đất lở để nước cuốn đi. 300 hộ dân ở thôn Bàu bị sạt lở nặng đang nhìn nhau rồi nhìn xuống dòng sông Gianh bất lực, thở dài.

Hiện tại trên địa bàn huyện Quảng Trạch có gần 20 điểm sạt lở nghiêm trọng. Nhiều người dân địa phương cho biết: trong vòng 5 năm qua, đất sạt lở sâu vô làng từ 5-8 m, có nơi đất lở sâu vào làng 20m.

Tìm một giải pháp an cư

Trước vấn nạn sạt lở đất, người dân dọc hai bên bờ sông Gianh đã phải tìm đến giải pháp đối phó, đất lở tới đâu, hàng năm xê dịch nhà vô làng tới đó. Người dân nơi đây đều nghèo, trước đây nhà xây dựng kiên cố nên việc xê dịch cũng tương đối đơn giản.

Song mấy năm gần đây, đời sống người dân khấm khá hơn, lại luôn phải đối mặt với lũ lụt, nên người dân bên bờ sông Gianh đều cố gắng làm nhà xây kiên cố nên không thể xê dịch do vậy không ít hộ dân nuốt nước mắt đắng cay nhìn nhà trôi theo đất lở. Trắng tay lại hoàn tay trắng.

Ông Trần Xuân Sơn - Chủ tịch UBND xã Tiến Hoá một trong những xã bị sạt lở nghiêm trọng nhất thở dài: " Thấy đất sạt lở nghiêm trọng quá, nên các cụ phụ lão ở nhiều thôn trong xã đã cùng nhau trồng tre thành một bức tường tre dọc sông Gianh để ngăn lở đất. Tre vừa lên xanh tốt, mới bám đất giữ làng thì lũ lụt tràn vô làm sạt lở tất cả. Nhiều chỗ tre đổ sập xuống bật cả gốc rễ. Các cụ phụ lão nhìn nhau lắc đầu".

Dùng sức người để chống chọi với thiên nhiên là đặc tính căn nguyên của người dân nghèo nơi đây, nhưng giờ đây thiên nhiên khắc nghiệt quá, sức người có hạn, nên người dân lại phải chạy trốn lở đất.

Được biết, ngay sau khi lũ rút, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã cho các địa phương rà soát, kiểm tra lại tất cả số hộ dân dọc bờ sông Gianh sống trong vùng sạt lở. Công tác rà soát đã xong, nhưng có vẻ như tỉnh vẫn đang đi tìm giải pháp căn cơ để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Theo lãnh đạo huyện Tuyên Hoá và Quảng Trạch thì: số hộ dân buộc phải di dời quá lớn, kinh phí địa phương có hạn nên lãnh đạo các địa phương đang thực sự lúng túng chưa biết giải quyết thế nào. Có người đề xuất xây kè dọc bờ sông Gianh, nhưng sông Gianh hầu như năm nào cũng có lụt to, kè nào chống được lụt. Bên cạnh đó bờ sông Gianh dài hàng trăm km, không thể kè được vì kinh phí quá lớn...

Trong quá trình đi tìm hiểu để thực hiện bài viết này, chúng tôi nhận thấy, các vùng nông thôn của Quảng Bình đất còn nhiều vậy nên chăng chính quyền địa phương cần phối hợp với người dân để đưa những hộ dân ở vùng quá thấp, vùng sạt lở định cư ổn định nơi khác. Làm được điều này, Quảng Bình sẽ tránh được tình trạng có lụt là chạy hết lụt lại về.

Gần 70 tỷ đồng ủng hộ người dân Quảng Bình bị bão lụt

 

Cơn bão số 2 và số 5 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân vùng cát nghèo Quảng Bình. Sau bão, với tinh thần tương thân tương ái của đồng bào cả nước và các bộ, ngành ở Trung ương, người dân Quảng Bình đã nhận được được 69,056 tỷ đồng tiền cứu trợ cùng với 3.064 tấn gạo, 2 tấn và 13.411 gói mì tôm; 7.490 chiếc chăn, màn; 137.351 quyển sách, vở, bút viết… và nhiều nhu yếu phẩm khác phục vụ đời sống bà con như bột ngọt, dầu ăn…

 

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Trần Công Thuật - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Lãnh đạo tỉnh đã họp bàn với lãnh đạo các huyện, thành phố triển khai công tác phân bổ hàng cứu trợ xuống tận thôn, xóm một cách công bằng và hiệu quả đối với từng người dân bị thiên tai.

S.L.

Dương Sông Lam
.
.
.