Sớm hỗ trợ người dân có đàn lợn tiêu huỷ do dịch tả

Thứ Hai, 17/06/2019, 08:07
“Cơn lốc” dịch tả lợn châu Phi tràn qua các tỉnh, thành Tây Nam bộ gây thiệt hại nặng về kinh tế. Tại Cần Thơ dịch tả được phát hiện tại 24 xã, phường của 7 quận, 125 hộ dân có đàn nuôi dương tính dịch tả, tiêu hủy 3.458 con.


Riêng huyện Phong Điền có 6/7 xã thị trấn phát hiện có dịch tả đến nay đã tiêu huỷ 350 con. Công an huyện Phong Điền phối hợp thành lập 5 chốt kiểm dịch tại các xã Mỹ Khánh, Tân Thới, Giai Xuân, Trường Long và trên quốc lộ 61.

“Lãnh đạo Công an huyện thường xuyên kiểm tra nhắc nhở anh em làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ các phương tiện, phun thuốc tiêu độc khử trùng để tránh lây lan dịch bệnh”, Thượng úy Nguyễn Đông Qui - cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Phong Điền trực tại chốt kiểm dịch nói.

Công an xã Mỹ Khánh đến kiểm tra hộ dân có đàn lợn nuôi bị tiêu hủy.

Mỹ Khánh là xã nông thôn mới, địa bàn du lịch sinh thái nổi tiếng của TP Cần Thơ nên công tác ứng phó được cấp uỷ, chính quyền hết sức quan tâm.

Trước và sau khi phát hiện có dịch tả lợn châu Phi, Đảng uỷ - UBND xã tích cực triển khai các công tác phòng ngừa, ngăn và dập dịch. Qua rà soát trên địa bàn có 16 hộ tại ấp Mỹ Nhơn, Mỹ Long và Mỹ Hoà dương tính dịch tả, tiêu huỷ 179 con. Lãnh đạo Công an huyện Phong Điền, tăng cường cán bộ chiến sĩ hỗ trợ địa phương, người dân thực hiện công tác vận chuyển, tiêu huỷ số lợn bệnh.

Hơn 10 năm sống bằng nghề nuôi lợn, đầu tháng 6, hai chị em bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (ngụ xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) chạnh lòng nhìn đàn lợn 12 con (lợn nái, lợn nuôi và lợn con) phải tiêu huỷ. “Trước đây cũng từng bị dịch tai xanh nhưng chưa khi nào tàn khốc phải tiêu huỷ cả đàn như dịch tả lợn châu Phi vừa qua”, bà Thúy nói khi nhìn chuồng nuôi trống hoác.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; Giám đốc Sở NN-PTNT chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản.

Ông Võ Bé Hiền - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết đến ngày 15-6, tỉnh tiêu huỷ 4.000 con/tổng đàn 250.000 con lợn, với số lượng 300 tấn. Tại các ổ dịch đã phát hiện, khống chế ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tạm thời chưa nên tái đàn.

“Các trường hợp tái đàn mới phải đảm bảo yếu tố con giống an toàn, khu vực chuồng trại đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh”, ông Võ Bé Hiền nói. Tỉnh Đồng Tháp thông báo rộng rãi đến người dân, lợn nuôi tiêu huỷ do dịch được hỗ trợ 38.000 đồng/kg. “Trong 10 ngày từ khi hộ nuôi phát hiện có dịch bị tiêu huỷ sẽ được hỗ trợ. Các huyện sẽ chi trước từ nguồn ngân sách, sau đó báo cáo cho tỉnh hỗ trợ cho người dân”, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp nói.

UBND tỉnh An Giang ban hành quyết định bổ sung dự toán năm 2019 hơn 16,9 tỷ đồng thực hiện chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu UBND các huyện thị thành, các sở, ngành, các cơ quan liên quan quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch.

Giám sát chặt chẽ, kịp thời, phát hiện xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho cộng đồng. Cá nhân hay tổ chức trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn hoặc khai không đúng số lượng, trọng lượng tiêu hủy phải xử lý nghiêm.

Văn Vĩnh
.
.
.