Sôi động thị trường đồ cúng ông Công, ông Táo

Thứ Bảy, 22/01/2011, 10:12
Thị trường đồ cúng ông Công, ông Táo đang bước vào thời kỳ sôi động. Một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo gồm 3 mũ, 3 đôi giày, 3 con cá chép giấy có giá từ 100 đến 120 nghìn đồng/bộ, tăng 20 đến 25% so với năm ngoái. Đồ cúng ông Công, ông Táo giờ không còn phải chen chân lên phố Hàng Mã mà nó được những phụ nữ thôn quê gánh rong bán đến tận nhà với giá rẻ hơn.

Ngăn chặn giá cả "té nước theo mưa"

Phố Hàng Mã, Hà Nội những ngày giáp Tết đỏ rực các loại đồ hàng mã để cúng người cõi âm. Thị trường đồ cúng ông Công, ông Táo khởi động từ nửa tháng nay. Đồ cúng ông Công, ông Táo được nhiều cửa hàng bày gần lối đi cho tiện việc mua bán, nên con phố này luôn ách tắc giao thông. Ngay từ bây giờ, chỉ riêng tuyến phố Hàng Mã đã được bố trí lực lượng Công an thường xuyên ứng trực để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Năm nay, đồ cúng ông Công, ông Táo có nhiều loại to và đẹp hơn. Vào một cửa hàng khá lớn ở phố Hàng Mã, chúng tôi được người bán hàng giới thiệu: "Một bộ (gồm 3 cái mũ, 3 đôi giày, ba bộ quần áo, 3 con cá chép giấy) loại nhỏ có giá 100 nghìn đồng, loại to hơn là 120 nghìn đồng. Giá này vẫn giữ nguyên từ nửa tháng nay".

So với năm trước, đồ cúng ông Công, ông Táo đã tăng từ 20 nghìn đến 30 nghìn/bộ. "Khoảng từ 20 tháng Chạp trở đi giá sẽ tăng hơn. Năm nay cái gì cũng đắt nên đồ hàng mã cũng phải đắt theo"- người bán hàng cho biết. Các loại quần áo, mũ, dép, tiền vàng cũng tăng từ 1.000 đến 2.000đ/bộ. Quần áo chúng sinh từ 35.000 đến 40.000đ/100 bộ.

Lực lượng Công an giữ gìn trật tự giao thông trên phố Hàng Mã, Hà Nội.

Không chỉ đồ cúng ông Công, ông Táo tăng giá, ngay cả mũ quan dùng để cúng trong đêm giao thừa cũng tăng. Hiện nay, một chiếc mũ này bán ở phố Hàng Mã giá 55 nghìn đồng, nhưng theo người bán hàng thì từ 27 Tết trở đi sẽ tăng lên 100-110 nghìn đồng/chiếc. "Giáp Tết, các làng nghề nghỉ không sản xuất nên giá đắt" - người bán hàng giải thích. Ăn theo cơn sốt vàng, đồ mã năm nay còn xuất hiện như cau vàng, thỏi vàng, hũ vàng, cành lộc vàng, lúa vàng... Anh Trung bán hàng cho biết: "Người mua những thứ này rất nhiều vì hàng mã giờ tinh tế hơn nên trông rất bắt mắt".

Giữ phong tục nhưng đừng lãng phí

Đi trên đường ngày giáp Tết, người ta có thể bắt gặp những chiếc ôtô chở ngựa giày khổng lồ xen lẫn đồ ông Công ông Táo từ ngoại thành vào nội thành Hà Nội. Những phụ nữ bán hàng rong ngày thường cũng nhân cơ hội này đổi sang bán giầy, mũ ông Công, ông Táo. Mấy hôm nay chị Mừng quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định (ở trọ trên bãi Phúc Xá) bán hoa quả rong đã chuyển sang bán đồ cúng ngày 23 tháng Chạp. Mới qua Rằm tháng Chạp nhưng gánh hàng của chị rất đắt khách. Bởi hầu hết mọi người đều có tâm lý mua trước để tránh bị ép giá vào sát Tết.

Ngày ông Táo về chầu trời được xem như là ngày đầu tiên của năm mới. Nhiều gia đình nhân tiễn ông Táo về trời cũng làm cơm cúng cuối năm. Tục mua sắm vàng mã như quần áo, xe hơi, nhà lầu cho người cõi âm cũng được diễn ra. Ngoài bày bán mũ mão, cá chép cho ông Công, ông Táo, phố Hàng Mã còn bán rất nhiều đồ mã như máy bay, nhà tầng, xe máy, ôtô, các vật dụng trong gia đình cho khách hàng có nhu cầu. Một người chuyên làm nghề hàng mã ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết: "Tết này có khách đặt hàng khủng như con "mẹc" 3 khoang (ôtô Mercedes), máy bay giá hàng chục triệu về đốt".

Những ngày này, trên đường phố Hà Nội rất dễ bắt gặp gánh hàng ông Công, ông Táo rong. Khác với phố Hàng Mã, đồ cúng ông Công, ông Táo gánh rong có giá thành rẻ hơn, từ 30.000 đến 50.000đ/bộ, hợp lý hơn đối với người lao động. Người lao động có thu nhập thấp thường chỉ chọn hàng mã giá rẻ để cúng, vừa phù hợp với mức thu nhập, vừa thể hiện được tâm linh trong những ngày Tết cổ truyền. Tuy nhiên, do lạm dụng phong tục này, nhiều người dân không tiếc tiền, mua vàng mã với số lượng lớn, có thể lên tới hàng chục triệu đồng để đốt, gây lãng phí lớn. Bên cạnh đó, tại Hà Nội do nhiều nhà chật chội, không có chỗ đốt vàng mã nên họ đưa ra lòng đường, vỉa hè để đốt, ảnh hưởng tới giao thông, phòng cháy và mỹ quan của Thủ đô.

Nghị định số 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính khi đốt đồ vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác… Quy định xử phạt từ ngày 1/9/2010, nhưng tới nay, việc xử phạt trong lĩnh vực này chưa được thực hiện. Nhiều nơi công cộng vẫn diễn ra tình trạng đốt vàng mã tràn lan. Mong rằng dịp Tết này, người dân có ý thức hơn trong cách thể hiện tâm linh với ngày lễ cổ truyền của dân tộc. Bên cạnh đó, cơ quan được giao trách nhiệm xử phạt hành vi đốt vàng mã nơi công cộng sẽ làm tròn chức trách của mình, vừa tránh lãng phí, vừa giúp cho xã hội văn minh hơn

Phương Anh
.
.
.