Số phận đặc biệt của chú voi Khăm Bun

Thứ Ba, 21/04/2009, 08:51
Tháng 9/2007, Đoàn xiếc thú thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đến xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận chú voi con có tên Khăm Bun. Trong biên bản tiếp nhận ghi rõ "đau chân trước phía bên trái, đế bàn chân bị sưng to do mắc bẫy, đi lại khập khiễng không bình thường".

Sau gần 2 năm ra Hà Nội học làm xiếc, voi Khăm Bun vẫn chưa đứng được trên sân khấu chỉ vì vết thương vẫn chưa lành.

Ngày 13/4, tôi có cuộc "diện kiến" voi Khăm Bun tại khu chuồng voi của đoàn xiếc thú trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Nhìn vào chân trước của Khăm Bun vẫn thấy rõ vết sẹo trắng, trông bề ngoài có vẻ đã lành. Thế nhưng ông Tạ Duy Nhẫn, Trưởng đoàn lại cho biết, hiện vết thương vẫn chưa lành hẳn.

Khăm Bun có số phận thật đặc biệt, nó là con voi nhỏ nhất trong đàn voi lọt vào tầm ngắm của những người săn voi trộm. Nó bị quây bắt với vết thương do sập bẫy ở chân trước phía bên trái. Việc săn bắt trái phép chú voi có tên khoa học Elaphas Maximus (một trong những loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới) đã bị lực lượng kiểm lâm phát hiện. Ngày 14/9/2007, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 2330/QĐ-UBND nêu: Tịch thu con voi có tên Khăm Bun do Y Sốt Thiu và Y Phối Nie (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) săn bắt trái phép; giao con voi cho Đoàn Xiếc Việt Nam phục vụ văn hoá nghệ thuật…

Ông Tạ Duy Nhẫn cho biết, sau khi tiếp nhận Khăm Bun đã cho bác sỹ thú y của đoàn điều trị. Phác đồ điều trị là: Chăm sóc vết thương, tiêm thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng. Voi ăn tốt, sức khỏe ổn định, tuy nhiên vết thương vẫn chưa khỏi hẳn.

Tại sao không chữa lành hẳn vết thương ở chân cho voi? Ông Nhẫn cho biết rất khó để thực hiện được việc này vì phương tiện y tế đặc chủng dành cho động vật hoang dã nói chung và loài voi nói riêng chưa có.

Bác sỹ Nguyễn Hải Đăng, người trực tiếp điều trị cho Khăm Bun nói rằng, vết thương ở chân của voi đỡ đi rất nhiều. Trong quá trình điều trị, cái khó nhất là giữ vệ sinh cho vết thương. Vì vết thương ở gần cổ chân, rất dễ bị đất, nước, phân dính vào. Ông đã gửi ảnh Khăm Bun và ảnh vết thương sang Thái Lan nhờ tư vấn nhưng phía bạn trả lời phải dùng phương tiện y tế chiếu chụp mới biết chính xác bệnh trạng.

Phải thừa nhận, Khăm Bun có sự chịu đựng rất dẻo dai. Có thể, sức đề kháng của voi tốt nên vẫn chống chọi được sự đau đớn của vết thương. Tuy nhiên, việc điều trị dứt điểm cho chú voi này là rất cần thiết bởi không thể loại trừ khả năng vết thương sẽ ăn sâu vào bên trong, ảnh hưởng đến sinh trưởng lẫn tính mạng.

Ông Tạ Duy Nhẫn cho biết, mới đây có đoàn chuyên gia của Australia đến thăm khám và cho rằng sức khỏe của Khăm Bun tốt. Cũng theo ông Nhẫn, ở nước ta hiện mới có trung tâm cứu hộ gấu là tương đối đầy đủ phương tiện cứu chữa thương tật cho loài gấu, còn những loài khác hầu như chưa có. Ông cũng mong tới đây sẽ có các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, chuyên gia thú y đến thăm khám và hỗ trợ điều trị cho Khăm Bun.

Mong rằng, bài viết này sẽ là cầu nối giúp Khăm Bun tìm được người thầy thuốc có thể chữa lành vết thương

Cao Hồng
.
.
.