Sinh viên vẫn rất lúng túng trong đời sống và học tập

Thứ Năm, 13/01/2005, 09:46

Đi thực tập, sinh viên chỉ được giao làm chân rửa ấm chén, quét nhà mà không có điều kiện tiếp cận với công việc chuyên môn, kém thích nghi với thực tế... Đây là những trăn trở của sinh viên tại diễn đàn "Hỗ trợ đời sống và học tập của sinh viên".

Tại diễn đàn, những vấn đề đa dạng mà các bạn sinh viên nêu ra khiến nhiều người quan tâm đến giáo dục nước nhà phải nhìn lại một thực tế là: Việc cải cách giáo dục được hô hào và thực hiện trong nhiều năm qua vẫn chưa thực sự có hiệu quả.

Sinh viên Duy Anh của Đại học Bách khoa Hà Nội đã thẳng thắn bày tỏ băn khoăn trước thực trạng nhiều học sinh sau khi thi đỗ vào đại học, trở thành sinh viên, sức học lại sa sút. “Không hẳn vì các bạn có tâm lý xả hơi mà một phần không nhỏ thuộc về cách học thụ động, thầy cô cứ giảng, cứ đọc và sinh viên chỉ lắng nghe và ghi chép”, Duy Anh nói.

Một sinh viên của Đại học Dược lại nêu ra vấn đề giáo trình giảng dạy quá cũ và lâu đời. Bộ môn Hoá hữu cơ mà các bạn học trong trường vẫn là giáo trình được viết từ những năm 80.

Đại diện của Hội Sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ sự căng thẳng trong vấn đề xử lý thông tin, các trang web sex và phản động nhan nhản trên Internet, liệu sinh viên có đủ bản lĩnh để tránh xa những cái xấu, cái độc hại?

Trong bối cảnh đó, kết quả học tập của sinh viên với 66,15% học lực loại trung bình và trung bình khá, 10,85% yếu kém và chỉ có 4,69% giỏi và xuất sắc chưa thể làm yên lòng những người làm công tác giáo dục và đoàn thể của sinh viên.

Nhưng trong guồng quay không ngừng của tri thức nhân loại, trong bộn bề gian khó của cuộc sống vật chất, nhiều sinh viên đã vượt lên và khẳng định bản thân bằng những nỗ lực không mệt mỏi trong hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức.

Trong diễn đàn hôm ấy, nhiều sinh viên Đại học Bách khoa đã tiết lộ những cách làm hiệu quả của Hội Sinh viên trường mình như tổ chức những ngày hội Internet, giới thiệu cách truy cập mạng và những trang web bổ ích...

Kinh nghiệm thành lập những CLB chuyên ngành của trường Đại học Ngoại thương, Quĩ ước mơ xanh của trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN hỗ trợ các sinh viên nghèo vượt khó cũng là hướng thu hút sinh viên vào phong trào học tập, nghiên cứu khoa học và hoạt động văn hoá lành mạnh.

Những giải pháp tâm huyết đã được đưa ra. Ước mơ và hoài bão lớn vẫn vượt lên những khó khăn. Như lời nhắn nhủ của GS-TS Mai Trọng Nhuận - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: "Người giỏi là người biết biến thách thức thành cơ hội"

Song Nguyễn
.
.
.