Siết chặt khâu đăng kiểm, cấp giấy phép lái xe: Giấy phép giả bùng phát

Thứ Sáu, 24/10/2014, 10:16
Chỉ sau một thời gian ngắn đưa bằng lái xe làm từ vật liệu mới (PET) vào sử dụng, những chiếc bằng giả đã xuất hiện. Sau bằng lái xe, gần đây, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện tình trạng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (giấy đăng kiểm) giả. Đáng nói, giấy giả xuất hiện nhiều hơn khi ngành Giao thông ráo riết vào cuộc siết lại hoạt động đăng kiểm.

Nhiều phương tiện, lái xe dùng bằng giả, giấy giả

Theo Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, trong 7 tháng đầu năm 2014, đã phát hiện 476 giấy phép lái xe ôtô giả, trong đó, có khoảng 70 giấy phép lái xe giả bằng thẻ nhựa (PET). Tại Hà Nội, trao đổi nhanh với phóng viên, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội cho biết,  sau khi được Tổng cục Đường bộ Việt Nam trang bị máy quét để soi chiếu bằng giả, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện vài trường hợp vi phạm. Trước đó, Bộ GTVT cho rằng, việc chuyển sang sử dụng giấy phép lái xe bằng thẻ nhựa sẽ hạn chế giả so với giấy phép lái xe bằng giấy (bọc nilon). Đồng thời, đưa ra lộ trình đến cuối năm 2014, tất cả những người có giấy phép lái xe ôtô bằng giấy phải đổi sang giấy phép lái xe PET.

Mới đây, trong một cuộc họp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, vào cuối tháng 8 vừa qua, đã phát hiện 6 phương tiện sử dụng giấy đăng kiểm không do cơ quan thẩm quyền cấp. Để làm rõ, Thanh tra Sở đã có công văn gửi Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải 72-01S đề nghị xác minh. Kết quả cho thấy số giấy đăng kiểm này là giả. Để thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Công an tỉnh xác minh, điều tra nguồn gốc số giấy đăng kiểm giả để có cơ sở xử lý đối với các tổ chức, cá nhân đã sử dụng giấy tờ giả. Không chỉ riêng địa bàn trên, tại các tỉnh như Cần Thơ, Đồng Nai,... gần đây, lực lượng Thanh tra GTVT trong quá trình tuần tra kiểm soát cũng đã phát hiện nhiều lái xe tải sử dụng giấy chứng nhận kiểm định, tem đăng kiểm giả.

Siết chặt khâu đăng kiểm, nhiều doanh nghiệp, lái xe đã lách luật bằng việc dùng giấy tờ giả. Ảnh: Thanh Huyền.

Theo lực lượng chức năng, thủ đoạn của các đối tượng là lấy sổ kiểm định thật đưa vào máy scanner quét nguyên nội dung, con dấu đỏ và chữ ký của cán bộ kiểm định, điền biển số xe và ngày tháng kiểm định vào. Sau đó dùng máy in màu, in tem giả trùng thông tin với sổ kiểm định giả rồi dán lên kính xe. Tình trạng làm giả giấy đăng kiểm được phát hiện nhiều nhất ở đối tượng xe tải và sơmi rơ-moóc. Đáng nói từ khi Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện siết lại hoạt động đăng kiểm, thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất các trung tâm đăng kiểm thì giấy tờ đăng kiểm giả xuất hiện nhiều hơn.

Phải xử lý tận gốc nạn làm giả giấy tờ mới tạo sự cạnh tranh lành mạnh

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến tháng 9/2014, đã có 80 đơn vị đăng kiểm cả nước (trên 112 đơn vị đăng kiểm) gửi báo cáo về tình hình giấy chứng nhận đăng kiểm (GĐK) giả. Theo đó, trong hai năm 2013 và 2014, các đơn vị đã phát hiện tổng số 76 xe sử dụng tem, GĐK giả. Địa phương phát hiện nhiều nhất là Long An với 23 giấy chứng nhận giả, Vũng Tàu (11 trường hợp)… Trao đổi về thực trạng này, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm  Việt Nam nhìn nhận, Cục đã nhận được thông tin hiện nay có nhiều phương tiện sử dụng tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định giả khi vào kiểm định tại các trung tâm.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, giấy chứng nhận đăng kiểm phôi mới (từ ngày 1/4/2014) rất khó làm giả. Vì là giấy đặc chủng, in logo chìm hình chữ VR (Cục Đăng kiểm Việt Nam), được sản xuất riêng, chất lượng giấy không thể làm giả được. Trong giấy in chìm, một số dấu hiệu nhận biết khác, soi tia cực tím sẽ phản quang. Số seri trên giấy và tem trùng nhau. Mỗi khi phát hành mẫu giấy hay tem mới đều gửi cho tất cả các phòng CSGT địa phương. “Song, cũng có cái khó là lực lượng tuần tra nhiều khi không có thiết bị soi chiếu tại chỗ, hoặc không có mẫu thật bên cạnh để so sánh”, ông Nguyễn Hữu Trí bày tỏ.

Đề cập đến vấn đề liệu có tình trạng các trung tâm đăng kiểm tuồn phôi ra ngoài để cho đối tượng “cò” làm giả, ông Nguyễn Hữu Trí khẳng định: “Phôi cấp cho các trung tâm là tài sản vật tư. Hằng năm đoàn kiểm tra của Cục đối chiếu so sánh, không có chuyện tuồn ra ngoài. Những phôi phát hành ra đều để lại dấu vết trên mạng”.

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đa số xe dùng giấy chứng nhận giả là các xe không có hồ sơ giấy tờ nguồn gốc rõ ràng, bất hợp pháp. Chi phí kiểm định mỗi xe chỉ mất vài trăm nghìn đồng, song để hợp pháp hóa giấy tờ chạy trên đường, các đối tượng có thể bỏ ra vài triệu đồng để mua giấy đăng kiểm giả. Để ngăn chặn giấy chứng nhận giả, Cục đã cung cấp mật khẩu cho Sở GTVT, CSGT các tỉnh, thành khi cần có thể nhập số seri để tra cứu. Tuy vậy, để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng sử dụng giấy đăng kiểm giả, theo ông Nguyễn Hữu Trí, khâu kiểm soát lưu thông rất quan trọng, vì chỉ qua hoạt động này mới phát hiện ra việc làm giả mạo. Về phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng cũng cho rằng, việc phát hiện giấy phép lái xe giả không nhiều, tuy nhiên Tổng cục cũng đã trang bị hàng nghìn máy cho các lực lượng CSGT tại các địa phương. Khi kiểm tra bằng, CSGT chỉ việc soi đèn vào con dấu trên bằng là có thể phát hiện bằng giả hay thật.

Là doanh nghiệp, ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải Xuân Trường cũng chia sẻ: “Sơmi rơ-mooc công ty chúng tôi nhập về từ năm 2005, chạy gần 10 năm nay rồi với tải trọng 40 tấn, nhưng vừa rồi đi đăng kiểm chỉ cấp phép cho chở 21-22 tấn. Ông Hải cho biết, tình trạng làm giả giấy chứng nhận đăng kiểm rất nhiều, đặc biệt là xe 3-4 chân (xe 3-4 trục) phần lớn dùng giấy chứng nhận đăng kiểm giả, GPLX giả. Đề nghị cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp chấm dứt tình trạng này, vì đó là sự canh tranh thiếu lành mạnh với những doanh nghiệp chấp hành đúng luật

Đặng Nhật
.
.
.