Tại đây, lãnh đạo Tổng cục cho hay, cả nước hiện có khoảng 40.000 xe ôtô tải tự đổ thay đổi kích thước thùng hàng để chở quá tải. Số này được xem là “xe vua”, và được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính gây hư hỏng kết cấu đường bộ.

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 40.000/62.000 xe ôtô tải tự đổ đã thay đổi kích thước thùng chở hàng với mục đích chở quá tải trọng. Nhiều đại biểu tham dự hội nghị phản ánh, nhiều xe ôtô tải tự đổ ở địa phương được ví như “xe vua”, lực lượng chức năng địa phương gần như rất khó xử lý vì động chạm lợi ích nhóm.

Thừa nhận tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cũng thẳng thắn: cả nước có hơn 3.000 thanh tra giao thông vận tải, với mức xử phạt khá cao nhưng vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm trong việc kiểm soát xe quá tải. Đến nay, qua hơn một năm phối hợp với Bộ Công an để thành lập các trạm cân, nhưng mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Ông Lê Đình Thọ đưa ra trường hợp đoàn “xe vua” chở gỗ từ Lào về nước ta vẫn ngang nhiên tung hoành đi lại trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Huế mà không bị lực lượng chức năng xử lý.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị cho phép sử dụng hình ảnh nguội để xử lý xe quá tải.

Gay gắt hơn về thực trạng hoạt động kiểm soát xe quá tải của các trạm cân, ông Lê Đình Thọ thẳng thắn nói: “Trạm cân nào mà làm theo hình thức thì nên làm văn bản xin thôi”. “Về mặt chế tài xử phạt theo NĐ 171 năm 2013 với mức phạt khá cao, chủ xe là cá nhân vi phạm phạt từ 4-6 triệu đồng; chủ xe là doanh nghiệp vi phạm xử phạt từ 12-18 triệu đồng. Nếu chúng ta thực hiện xử phạt nghiêm, quản lý chặt thì chẳng còn ai dám cơi nới chở quá tải nữa. Gậy trong tay đã được trang bị đầy đủ, chúng ta mà làm không được nữa thì có tội với dân”, ông Lê Đình Thọ bày tỏ.

Nhằm quyết liệt ngăn chặn và có kế hoạch hành động xử lý xe cơi nới thùng hàng chở quá tải, từ ngày 16/7 Bộ GTVT sẽ thành lập 8 đoàn thanh kiểm tra tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kích thước giới hạn thùng chở hàng ôtô tải tự đổ và các biện pháp ngăn chặn ôtô chở quá tải tham gia thi công các dự án công trình giao thông tại 31 tỉnh, thành trong cả nước. Đối với xe vi phạm lần đầu, đơn vị Đăng kiểm phải thu hồi Tem và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, yêu cầu doanh nhiệp phải khắc phục, cắt giảm kích thước thùng hàng của xe phù hợp với quy định. Đối với chủ phương tiện vi phạm lần thứ hai trở đi, đề nghị đơn vị đăng kiểm thu hồi Tem và giấy chứng nhận kiểm định và xử phạt theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, sau mỗi đợt thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Đường bộ sẽ tổng hợp danh sách xe vi phạm, đồng thời cung cấp cho các Ban Quản lý dự án thuộc ngành giao thông, đề nghị các chủ đầu tư, các Ban Quản lý yêu cầu nhà thầu thi công không sử dụng phương tiện chở quá tải, không ký hợp đồng với chủ phương tiện vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đơn vị này sẽ kiến nghị Bộ GTVT về giải pháp xử lý xe chở quá tải xếp hàng dài tại hai đầu trạm cân. “Xe đỗ ở hai đầu trạm cân từ một tiếng đồng hồ trở lên sẽ cho lực lượng chức năng quay phim, chụp ảnh rồi tháo biển; kiến nghị cho sử dụng hình ảnh làm căn cứ xử phạt nguội”