Xử phạt hàng loạt doanh nghiệp đưa lao động sang Đài Loan thu phí cao hơn quy định:

Sau xử phạt, cần đưa hoạt động về mức chuẩn thống nhất

Thứ Sáu, 21/02/2014, 02:47
Phải đến lúc Bộ LĐ-TB&XH quyết tâm chấn chỉnh lại mức phí thu của người lao động đi làm việc tại Đài Loan thì chân tướng một số doanh nghiệp dịch vụ trong nước mới bị lộ, đưa công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng như mới đây.
>> Dẹp loạn phí môi giới, tăng số lượng lao động đi làm việc tại Đài Loan

Trong khi nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2013, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan ngày càng tăng, nhưng luôn phải đối mặt với mức phí cao hơn nhiều so với mức quy định của Nhà nước, để đi làm việc tại thị trường này. Câu chuyện không nói ai cũng biết, thậm chí Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cũng đã phải nhiều lần kiến nghị, nhiều lao động phải nai lưng làm trên đất khách mất cả một năm, mới tạm đủ bù chi phí trước khi đi. Có điều trước động thái quyết tâm của Bộ LĐ-TB&XH, vẫn cứ vẹn nguyên một trăn trở liệu việc xử lý này có đi đến tận cùng, tạo sự công bằng cho các DN chấp hành theo đúng quy định hay chỉ là chuyện “bị lộ” hay chưa “bị lộ” mà thôi.

6 DN dịch vụ đứng đầu danh sách bị tạm dừng đưa lao động sang Đài Loan từ 1,5 đến 2 tháng từ ngày 20/2, cũng đều là những DN khá tên tuổi như Vinagimex, Emico, Vietcom Human, CP Hữu nghị Bắc Giang, Isalco, Phú Thọ Co. Tiếp đến là các DN bị tạm dừng hợp đồng với đối tác Đài Loan (do các công ty môi giới Đài Loan là đối tác của các công ty này cũng bị Bộ LĐ-TB&XH cho tạm ngừng xác nhận hồ sơ tiếp nhận lao động Việt Nam) là các công ty: Vinamotor, Vietracimex, Letco, Simco Sông Đà, Polimex. 3 công ty bị chấn chỉnh và phải giải trình trong vòng 20 ngày là công ty Sông Hồng, Vicm Co và Cienco, đều có chung một “tội” là thu phí cao hơn quy định, một số còn giữ lương của người lao động và khấu trừ chi phí ăn ở của lao động cao hơn quy định.

Rõ ràng ở trong lĩnh vực XKLĐ, cái gì cũng có quy định cụ thể, chi tiết. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có quy định mức trần tiền ký Quỹ đối với từng thị trường lao động mà DN được thỏa thuận ký với người lao động (theo Thông tư số 21 ngày 10/10/2013), riêng thị trường Đài Loan, từ 800 đến 1.000 USD. Và với việc siết chặt mức phí mới đây thì Bộ LĐ-TB&XH chỉ cho phép DN được thu tối đa không quá 4.000 USD/lao động đi làm việc tại Đài Loan. Thế nhưng trên thực tế chuyện vượt rào, thu cao vẫn cứ diễn ra, tạo gánh nặng đè hết lên vai lao động nghèo. Những trường hợp DN bị Bộ LĐ-TB&XH “trảm” mới đây đều do thông tin khai thác được từ phía người lao động đã sang Đài Loan làm việc khai báo.

Lao động Việt Nam làm các thủ tục xuất cảnh đi Đài Loan. Ảnh minh họa.

Nghe ngóng động thái biến động từ phía các DN trước quyết tâm đưa mức phí của lao động Đài Loan về đúng quy định từ Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, ngày 20/2, chúng tôi nhận được thông tin từ ông Nguyễn Xuân An, Phó Chủ tịch Hiệp hội là Hiệp hội đang chuẩn bị họp để thành lập Ban Cung ứng lao động sang Đài Loan. Đây là điểm đầu mối quy tụ các DN có uy tín cung cấp lao động sang thị trường này. Khi tham gia, các DN phải giữ đúng cam kết thu phí đúng quy định.

Với tư cách là chuyên gia về XKLĐ lâu năm, ông An phân tích cái khó nhất trong việc đưa về mức phí đúng quy định là thiếu sự đồng thuận giữa các DN trong nước với nhau. Cùng với đó là DN trong nước bị nơi cấp nguồn lao động ép mức phí cao; ngoài nước cũng bị môi giới Đài Loan ép. Với việc thành lập Ban Cung ứng lao động sang Đài Loan, Hiệp hội XKLĐ không hy vọng làm thay đổi ngay thực trạng mà chỉ hy vọng khoảng 30 DN tham gia, bằng ½ số DN đang hoạt động đưa lao động sang thị trường này. Hy vọng với một quy chế hoạt động chung, thống nhất được mức phí tạo nguồn tại địa phương và mức phí với công ty môi giới Đài Loan, những DN làm tốt sẽ được hưởng các ưu đãi của Bộ LĐ-TB&XH như rút ngắn thời gian thẩm định hợp đồng, được ưu tiên tham gia thị trường mới…, thì câu chuyện thu phí cao ở thị trường này sẽ dần triệt tiêu.

Tuy nhiên để đi đến đích là bảo vệ quyền lợi của người lao động, không phải bỏ ra chi phí quá lớn khi đi làm việc tại Đài Loan thì một đòi hỏi đặt ra là những DN không chấp hành đúng quy định phải bị xử phạt nặng, thậm chí là rút giấy phép. Và để làm được điều này, Bộ LĐ-TB&XH cần phải củng cố và duy trì hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên. “Có thể trong những tháng đầu năm nay, số lượng lao động Việt Nam sang Đài Loan có thể giảm, hoặc số lượng cả năm có thể giảm chỉ bằng một nửa năm trước (trên 46 nghìn-2013), nhưng hoạt động này được đưa về đúng chuẩn, quyền lợi và thu nhập của người lao động được đảm bảo, vẫn tốt hơn nhiều”, ông Nguyễn Xuân An chia sẻ

Thu Uyên
.
.
.