Sau lệnh cấm, tin nhắn rác vẫn tràn lan

Thứ Ba, 26/06/2012, 16:33
Thống kê ban đầu từ các nhà mạng lớn cho thấy, trung bình mỗi ngày toàn hệ thống nhận được khoảng 10.000-15.000 tin nhắn, con số rất nhỏ nếu tính trên tổng số thuê bao hiện nay nên phải chăng đây cũng là một trong những lý do khiến các nhà mạng tăng cường gửi tin nhắn rác có nội dung quảng cáo dịch vụ đến khách hàng để vớt vát doanh thu?!
>> Quản chặt thuê bao trả trước để hạn chế tiêu cực

Trước thời điểm Thông tư 04 về Quản lý thuê bao trả trước (TBTT) do Bộ TT&TT ban hành chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6, nhiều người kỳ vọng những hệ lụy từ việc sim rác, sim “vô chủ” gây ra như vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo “tấn công” người dùng điện thoại di động sẽ từng bước được hạn chế. Tuy nhiên, đã gần 1 tháng kể từ khi Thông tư 04 chính thức được ban hành, tin nhắn rác vẫn tiếp tục “hành” người sử dụng điện thoại di động một cách vô tội vạ, tràn lan.

Bùng phát tin nhắn rác “ăn theo” Euro 2012

Theo phản ánh của nhiều người dùng điện thoại di động, kể từ đầu tháng 6 đến nay, mặc dù việc quản lý TBTT đã được Bộ TT&TT thiết quân luật nhưng tin nhắn rác vẫn tiếp tục ngang nhiên “tấn công” vào máy điện thoại của người dùng với tần suất dày đặc không kém gì trước đó. Thậm chí, còn bùng phát mạnh mẽ hơn bằng cách “ăn theo” giải bóng đá châu Âu (Euro 2012).

Tính sơ sơ, cứ trung bình mỗi ngày, mỗi người sử dụng điện thoại đều nhận được không dưới 10 tin nhắn rác có nội dung khác nhau từ tin nhắn mời mua sim số, dự đoán “kèo” các trận bóng đá Euro, tải clip sốc, clip “nóng”, “bật mí” xổ số. Trong đó, tin nhắn rác liên quan đến Euro 2012 như chào mời dự đoán kết quả các trận bóng, cá độ với nội dung “Nhận thông tin kèo đặc biệt Euro 2012”, “Thông tin mật trận cầu vàng Euro”… xuất hiện tràn ngập cả ngày lẫn đêm và chiếm một tỷ lệ lớn, gây bức xúc cho người dùng.

Anh Hùng, một người sử dụng điện thoại di động ở Giải Phóng (Hà Nội) cho biết: “Bình thường đã hay xuất hiện những tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo. Mùa Euro này, tin nhắn rác kiểu này xuất hiện nhiều vô tội vạ. Có những ngày tôi phải nhận khoảng hơn chục tin nhắn kiểu “không mời mà đến” này nên cảm thấy rất khó chịu, bực mình. Tôi cũng không hiểu vì sao mặc dù loại tin nhắn mời chào cá độ kiểu này hoàn toàn bị cấm vì vi phạm pháp luật song trên thực tế vẫn xuất hiện rất nhiều?”.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, đa phần các tin nhắn rác quảng cáo, gạ gẫm cá độ bóng đá như trên đều xuất phát từ các loại sim rác, TBTT ở dạng “vô chủ”. Tuy nhiên, cũng có không ít tin nhắn quảng cáo xuất phát từ số các Tổng đài của các nhà mạng. Lý do là vào dịp diễn ra các sự kiện bóng đá lớn như World Cup hay Euro thường là cơ hội để các nhà mạng “hốt bạc” từ các loại dịch vụ giá trị gia tăng, trong đó có dịch vụ nhắn tin dự đoán kết quả trận đấu trúng thưởng.

Tin nhắn rác bùng phát trong mùa Euro 2012.

Thống kê ban đầu từ các nhà mạng lớn cho thấy, trung bình mỗi ngày toàn hệ thống nhận được khoảng 10.000-15.000 tin nhắn, con số rất nhỏ nếu tính trên tổng số thuê bao hiện nay nên phải chăng đây cũng là một trong những lý do khiến các nhà mạng tăng cường gửi tin nhắn rác có nội dung quảng cáo dịch vụ đến khách hàng để vớt vát doanh thu?!

Chặn tin nhắn rác triệt để - trách nhiệm chính phải thuộc về nhà mạng

Không thể trông chờ vào các nhà mạng khi trong nhiều trường hợp các nhà mạng cũng chính là một trong những “đồng phạm”, thậm chí là nguồn phát tán tin nhắn rác nên nhiều người sử dụng gần đây đã tự bảo vệ mình bằng cách dùng đến các phần mềm chuyên dụng được cài đặt ngoài các dịch vụ. Cụ thể, đối với một số loại điện thoại di động cao cấp như iPhone có thể cài phần mềm chặn tin nhắn rác iBlacklist hoặc Pysl; còn Nokia, Samsung, Sony Ericsson dùng hệ điều hành Symbian thì có thể lựa chọn các phần mềm như SMS Spam Manager, Handy Blacklist…

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người sử dụng thì đa số phần mềm chặn tin nhắn dành cho điện thoại di động cài đặt ở các cửa hàng hiện nay đều là những phần mềm không chính thống nên việc sử dụng cũng kéo theo nhiều bất tiện và trục trặc như: treo máy hoặc khi tắt/mở nguồn phần mềm không hoạt động hay cơ chế chặn số cũng không thể phủ được hết các số điện thoại rác. Mới đây, Công ty An ninh mạng Bkav đã chính thức ra mắt phần mềm chặn tin nhắn rác Bkav Mobile Security cho điện thoại iPhone.

Với công nghệ lọc thông minh Smart Filter, giải pháp mới nhất của Bkav có thể chặn 100% các tin nhắn rác thường gặp. Nhà sản xuất cho biết đã tiến hành thử nghiệm thực tế với hơn 1.000 người dùng điện thoại di động trong 2 tuần. Kết quả, Bkav Mobile Security đã chặn thành công toàn bộ các tin nhắn rác nhận được, không để lọt bất kỳ tin rác nào.

Song biện pháp này mới chỉ áp dụng được với các loại điện thoại thông minh như Iphone trong khi đó chỉ một bộ phận rất nhỏ người Việt Nam hiện nay có đủ điều kiện để sở hữu và sử dụng loại điện thoại này. Như vậy, việc ngăn chặn tin nhắn rác trên thực tế không  thể trông chờ vào các biện pháp kỹ thuật vì các biện pháp này chỉ áp dụng được với một số loại điện thoại di động cao cấp, kén người sử dụng.

Do đó, theo các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, để hạn chế tình trạng tin nhắn rác nhằm bảo vệ người sử dụng điện thoại không có giải pháp nào tối ưu và triệt để hơn bằng việc phải tăng cường trách nhiệm của nhà mạng trong việc quản lý TBTT cũng như các đầu số nhắn tin mà các nhà mạng cung cấp cho các công ty bởi lẽ chỉ khi quy trình quản lý của các nhà mạng chặt chẽ, đúng trình tự, đúng pháp luật thì các thuê bao “vô chủ” mới không còn đất sống, không còn “cửa” để phát tán tin nhắn rác. 

VNPT yêu cầu VinaPhone và MobiFone tăng cường quản chặt thuê bao trả trước

Trước phản ánh của dư luận về việc các doanh nghiệp viễn thông chưa thực sự mạnh tay với các đại lý trong việc thực hiện các quy định bắt buộc tại Thông tư 04 về Quản lý TBTT có hiệu lực từ 1/6, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa có văn bản chỉ đạo hai đơn vị chủ quản mạng VinaPhone và MobiFone phối hợp với VNPT các tỉnh, thành phố cùng rà soát danh sách các điểm đăng ký có thể dùng chung, phát triển điểm đăng ký thông tin TBTT tại phường, xã cho khách hàng của cả 2 mạng.

Đồng thời, gửi tin nhắn tới các thuê bao có khả năng thông tin không chính xác để đề nghị và hướng dẫn những thuê bao này đăng ký lại qua cổng tin nhắn 1414; thực hiện thanh kiểm tra định kỳ và đột xuất với các đại lý, điểm cửa hàng thuộc hệ thống trên toàn quốc…

Đặc biệt, cả VinaPhone và MobiFone đều đang tiếp tục triển khai phần mềm Hệ thống Quản lý TBTT để sẵn sàng kết nối với hệ thống của Bộ Công an; tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên từ các viễn thông tỉnh, thành cho đến từng đại lý trên phạm vi toàn quốc. (PV)

Huyền Thanh
.
.
.