“Sát thủ” giữa thanh thiên bạch nhật

Chủ Nhật, 27/06/2010, 16:07
Chỉ sau 1 giờ chúng tôi đã pha chế được 1 lít nước sền sệt màu hồng, thơm mùi chanh. Quả thật khi sử dụng, không ai dám dùng tay không vì độ pH quá cao này. Nếu dùng thường xuyên loại nước này sẽ gây lở loét, ngứa, viêm da, dị ứng da, nổi mề đay, lâu ngày còn có thể dẫn đến ung thư thận.

"Văn hóa tẩy rửa chất bẩn" cách đây hơn 100 năm đã trở thành tiêu chí đánh giá sự văn minh của một xã hội không chỉ vì xà phòng- một trong những chất tẩy rửa đầu tiên và thông dụng nhất - được xem là một trong những phát minh sớm nhất về khoa học của nhân loại. Ở Việt Nam, "văn hóa tẩy rửa" được "xã hội hóa" tới độ "nhà nhà" sản xuất chất rửa bát, người người ham dùng hàng hóa giá rẻ… đã khiến cho chúng ta đang phải đối đầu với thảm họa về sức khỏe và sinh thái.

Chức năng của nước rửa chén là tẩy sạch mỡ, thức ăn và các vết bẩn bám vào chén, cốc, đĩa, bát, dụng cụ làm bếp… một cách triệt để nhất, nhanh nhất và an toàn nhất cho sức khỏe con người và môi trường. Vì thế các hóa chất chủ yếu dùng trong công nghệ sản xuất chất rửa chén như: Xút, Hec, Laurin, Las, Xôđa, Natrisunphat, chất tạo màu, chất tạo ra hương vị, phụ gia có chức năng đặc biệt như tạo bọt - hoạt tính trên bề mặt… phải tuân thủ chỉ số về an toàn sức khỏe do Bộ Y tế ban hành và thường được xếp vào loại hóa chất thực phẩm - y tế.

Mặt khác, công nghệ tạo ra chất rửa chén của mỗi hãng là khác nhau và đó là bí quyết khiến cho sản phẩm của họ có sức cạnh tranh trên thương trường. Tuy vậy, trong bất cứ trường hợp nào thì trình tự pha chế các hóa chất trên cũng phải theo một quy trình chuẩn, nếu không các nguyên liệu đầu vào cho dù có tinh khiết bao nhiêu nhưng xử lý không theo chuẩn công nghệ sẽ tạo ra các phức mới có tính độc hại vượt ra khỏi tầm kiểm soát của nhà sản xuất.

Những chai nước rửa chén, bát bày bán trên phố Hàng Gà tối 19/1. Ảnh: G.G.

Như vậy, sản xuất nước rửa chén không phải là công việc dễ làm của mọi nhà mà đòi hỏi phải có một dây chuyền hiện đại được đặt dưới sự giám sát về quy trình sản xuất cũng như kiểm nghiệm thành phẩm của cơ quan cấp quốc gia.

Do giá thành của nước rửa chén đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn của các hãng sản xuất khá cao vì vật liệu đầu vào đã cao, nên khi trên mạng Internet xuất hiện các "đơn" tự chế nước rửa chén thì ngay lập tức trong cả nước đã bùng nổ "phong trào trăm hoa đua nở" -"nhà nhà" sản xuất nước rửa chén và tung sản phẩm này ra thị trường với giá cạnh tranh khốc liệt chỉ từ 2 tới 4 nghìn đồng/lít.

Hiệu lực tẩy bẩn siêu tốc (do lượng xút quá dư) và nhất là giá thành quá bèo (do không dùng hóa chất chuẩn và chất màu thực phẩm có giá thành cao gấp 7 lần chất màu công nghiệp) - phần nổi của sản phẩm "dân gian" này- đã mê hoặc rất nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là các quán ăn dân dã, người bán hàng rong… khiến họ quên đi phần chìm - sự độc hại và phản tác dụng của nước rửa chén trôi nổi trên thị trường.

Phải khẳng định rằng với giá thành như thế người sản xuất cá thể chỉ có thể sử dụng các hóa chất công nghiệp, rẻ tiền, quá hạn sử dụng, kém phẩm chất, bị tồn kho hoặc không tiêu hủy được hoặc dùng để sản xuất dung dịch tẩy rửa bồn cầu và toa lét… để làm nguyên liệu đầu vào cho một quy trình pha chế tự sáng tạo nhằm cho ra các loại nước rửa chén "chết người" được đóng trong các bao bì tùy ý và bày bán la liệt ở nơi đông nguời qua lại.

Dạo qua các cửa hiệu bán hóa chất, chúng ta thấy vô số hóa chất chất đống trên gian hàng mà không có nhãn, mác, nơi và ngày tháng năm sản xuất. Thậm chí, chúng không được bao gói và bảo quản theo đúng quy trình an toàn về hóa chất thông dụng.

Trong vai một người đi mua hóa chất, chúng tôi đến của hàng tọa lạc tại một trong 36 phố phường cổ kính của Hà Nội. Chỉ vừa nghe chúng tôi hỏi mua chất Las và Hec là người bán hàng đã tỏ ra khả năng "đi guốc trong bụng chúng tôi" - Mua các thứ trên để làm gì. Khi "thành thực" thú nhận, chúng tôi là người ở tỉnh lẻ về phố tìm mua nguyên liệu và công thức pha chế nước rửa chén để tự sản xuất và tự tiêu thụ ở quê nhà, người bán hàng trở nên chu đáo và nhiệt tình hết mực.

Anh giới thiệu cho chúng tôi một loạt hóa chất và nói chúng có tốc độ "siêu tẩy" để điều chế nước rửa chén tuyệt hảo như: Las, Xút, Natri Sunphat, chất tẩy (Tripoly), Amol Clorua, chất tạo đặc Hec, chất tạo màu, chất tạo hương thơm từ hoa nhài tới hoa hồng. Chúng tôi "tò mò" hỏi Las và Hec có công thức hóa học như thế nào xin cho biết để tính trọng lượng khi pha chế. Anh khoát tay: Khỏi cần. Tôi sẽ khuyến mãi các ông đơn pha chế để cho ra sản phẩm mỹ mãn với giá từ 2.000 tới 3.000 đồng/lít nhưng tốc độ làm sạch vô địch, lượng sử dụng rất ít song mùi thơm để lại thì dài dài. Đảm bảo sản phẩm của các ông sẽ đè bẹp bất cứ  sản phẩm nào có nhãn ngoại cho tới "made in tại gia" của bất cứ đối thủ nào. Tỏ ra là những người may mắn được "quý nhân phò trợ", chúng tôi hỏi: Vậy mua một "đơn" để pha chế 100 lít nước rửa chén chúng tôi cần đầu tư bao nhiêu tiền? Trả lời: Không quá 200 nghìn đồng. Thu lời bao nhiêu? Trả lời: Tùy "duyên" bán hàng của các ông, nhưng lãi ròng không dưới 200 nghìn đồng! Trời ạ, quả là con số mê hồn, vậy chi mà "dân ta" không ham.

Trên thực tế, xút ăn da (NaOH)- Hoá chất mang tính kiềm, có tính ăn mòn cao và rất độc với da người cũng như với hệ thống hô hấp - là một thành phần cơ bản trong chất tẩy rửa. Ngoài ra nó được sử dụng trong các hệ thống xử lý nước thải, nước cấp, khí thải để làm chất trung hòa axít dư, chất hấp thụ làm tăng hiệu quả của quá trình xử lý nước thải.

NaOH công nghiệp tồn tại dạng vảy rắn hoặc dạng hạt, đóng gói kín 25kg/bao.

Trên thị trường hiện nay chủ yếu chỉ có NaOH dạng vảy của Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. NaOH Trung Quốc thường có độ tinh khiết công nghiệp từ 72% tới 99% và được chào bán trên thị trường khoảng 8.000 đồng/kg. Còn Las đóng bao 500g - 77,7 USD. Theo "lý thuyết" để sản xuất 15 lít nước rửa chén, lượng xút ăn da cần dùng không được quá 50 gam còn Las không vượt ngưỡng 1kg. Nhẩm tính hạch toán sản xuất nước rửa chén an toàn, cho thấy chi phí cho hai hóa chất này đã ngốn lượng tiền không nhỏ. Vì vậy, khi nghe "thầy" thuyết giảng, chúng tôi cảm thấy hoảng hồn.

Chúng tôi mua một lượng nhỏ về nhà thực tập điều chế theo công thức đã cho. Kết quả, chỉ sau 1 giờ chúng tôi đã có 1 lít nước sền sệt màu hồng nhưng thơm mùi chanh. Quả thật khi sử dụng, không ai dám dùng tay không vì độ pH quá cao khiến cho da ngay lập tức bị ngộ độc kiềm, xót, rát và ngứa kinh khủng. Nếu dùng thường xuyên loại nước này sẽ  gây ra những loại bệnh gây tác động trực tiếp lên da, như gây lở loét, ngứa, viêm da, dị ứng da, nổi mề đay và cuối cùng thấm qua da, tích tụ lại trong người, lâu ngày còn có thể dẫn đến ung thư thận.

Để bát và chén ăn không còn mùi hóa chất, kể cả hương vị mùi chanh, chúng tôi phải đi găng cao xu và rửa dưới vòi nước chảy mạnh. Tính ra lượng nước rủa sạch một chiếc bát gần bằng nước rửa cho cả mâm cơm 3 người ăn vì nếu dùng nước ít đi khi dùng giấy quỳ làm chất chỉ thị có thể thấy độ pH đo được lớn hơn 8. Đó là chưa kể khi dùng xút công nghiệp có chứa các hóa chất, kim loại độc hại cũng như bột màu công nghiệp sẽ khiến cho chúng, do người sử dụng tiếc nước và rửa không sạch, nên còn lưu trên bát đĩa, đặc biệt với lượng rất lớn thấm sâu vào đũa gỗ hay tre, có thể gây thủng ruột, ngộ độc mạn tính làm tổn hại đến gan, thận và các bệnh đường ruột lâu dài dẫn tới nguyên nhân gây ung thư. Còn nước thải ra có độ kiềm cao khiến cho cỏ héo, loài thủy sinh chết hết lượt.

Nhiều người nói sức khỏe là do trời cho. Điều này chỉ thực sự đúng khi ở trên thiên đường. Sống ở trần gian, ngày ngày con người phải đối đầu với bao sự ô nhiễm từ thức ăn, nước uống, không khí, quần áo, hóa phẩm… phải dùng trong sinh hoạt thường nhật. Phần lớn các yếu tố kể trên là do tự chúng ta lựa chọn, mua về, tiêu dùng… và gây nên hiểm họa. Để không đầu độc sức khỏe của chúng ta hơn nữa, người tiêu dùng phải dứt khoát từ bỏ thói quen mua hàng rẻ, không biết xuất xứ và không có thương hiệu.

Với nước rửa chén trôi nổi trên thị trường cũng vậy, sự xuất hiện của chúng phải được xem là dịch bệnh như dịch cúm gà hay dịch lợn tai xanh... và phải nói không với chúng. Một khi người tiêu dùng khước từ sản phẩm độc hại này hay bất cứ sản phẩm không an toàn nào khác cho sức khỏe thì tự nhiên chúng tự biến mất trên thị trường vì "không có đất dụng võ" mà không cần phải "đao to, búa lớn". Chân lý giản đơn và dễ hiểu là vậy, nếu như các sản phẩm giá rẻ nổi trôi trên đời không "hớp mất hồn" người tiêu dùng.

Sản phẩm tẩy rửa nói chung và nước rửa chén nói riêng khi sử dụng phải đảm bảo các điều kiện sau: 1- An toàn cho dùng. Độ pH không được quá cao hay quá thấp, các hóa chất có trong sản phẩm không được ăn sâu vào da, song nếu có thẩm thấu qua da cũng không có khả năng gây tổn thương da và nhất là tích lại dưới da lâu ngày sẽ dẫn đến ung thư da do tế bào da bị phá hủy. 2-  An toàn cho bát đĩa… Không sử dụng các hóa chất công nghiệp và độc hại để tăng "hiệu ứng tẩy sạch bằng mắt" nhưng nếu tiết kiệm nước rửa sẽ khiến cho những độc tố trên sẽ lưu lại. Khi sử dụng chén đĩa, những độc tố này đi vào cơ thể và tích tụ dần, lâu ngày có thể làm tổn hại đến gan, thận, thậm chí làm thủng ruột… 3- An toàn cho môi trường. Hóa chất sau khi rửa phải thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm nguồn nước, không thay đổi độ pH nguồn nước thải, các chất hoạt tính bề mặt có khả năng tự phân hủy hoặc bị phân hủy bởi các vi khuẩn tự nhiên.

Việt Hà
.
.
.