Sao chưa kết luận chuyện "bệnh nhân ăn cóc chữa ung thư"

Chủ Nhật, 02/05/2010, 19:19
Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế vào tìm hiểu các bệnh nhân ăn cóc ở Quảng Bình không đúng, đủ thành phần như quyết định của Bộ. Và đến nay sự việc xảy ra đã gần 1 năm, song vẫn không thấy đoàn kiểm tra trả lời rộng rãi cho công luận biết.
>> Cần sớm kết luận về việc "ăn cóc sống chữa ung thư"

Tháng 6/2009, Báo CAND đã đồng loạt đưa tin về hiện tượng lạ nhiều bệnh nhân bị ung thư ăn gan, mật cóc để chữa bệnh chủ yếu ở Quảng Bình. Điều đáng ngạc nhiên là một số trường hợp sau khi ăn không bị ngộ độc cóc chết mà bệnh tình có vẻ thuyên giảm. Sau gần 1 năm hiện tượng trên xảy ra, nhiều bạn đọc vẫn điện thoại, viết thư yêu cầu được cung cấp thông tin về việc này, và ngành Y tế đã vào cuộc như thế nào? Để có câu trả lời một cách khách quan nhất cho bạn đọc, PV Báo CAND đã tìm gặp lại một số bệnh nhân trên, đồng thời gõ cửa ngành Y tế để tìm hiểu.

Gặp những người từng dùng "cậu ông trời" để chữa bệnh

Cơn mưa đầu hạ như quăng quật vào mặt, con đường về thôn Đông Bắc, xã Đại Trạch nhão nhoẹt bùn đất, những yếu tố ngoại cảnh đó vẫn không làm chúng tôi chồn chân khi đi tìm câu trả lời cho bạn đọc. Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Lĩnh, người đã từng ăn gan, mật, da cóc để chữa ung thư.

Đón chúng tôi là anh Nguyễn Cảnh Kiền chồng chị và con gái. "Vợ tui đi Nam Trạch, cách đây khoảng 10km để giúp nhà dì thu hoạch kê" anh Kiền bảo vậy. Khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về việc chị Lĩnh ăn gan, mật cóc, anh Kiền tỏ ra không đồng ý. Vì theo anh, mỗi lần báo chí phản ánh về trường hợp của vợ, thì nhiều người nhà bệnh nhân các nơi khác lại đổ về tìm hiểu.

Anh Kiền (trái) và phóng viên Báo CAND.

Anh Kiền mới bộc bạch, tháng 6/2008, anh đưa vợ vào khám ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, TP Đồng Hới, Quảng Bình. Ở đây, các bác sĩ chẩn đoán, chị Lĩnh có một khối u ở trong gan và Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba chưa thể chữa trị nên khuyên anh đưa vợ ra Hà Nội điều trị.

Về nhà vay mượn tiền bạc anh em, họ hàng rồi anh Kiền đưa chị Lĩnh ra Bệnh viện Bạch Mai, rồi Bệnh viện K tái khám. Sau khi chụp citi và làm các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán chị Lĩnh có một khối u 4,8cm và đề nghị mổ cho chị. Anh Kiền điện thoại về hỏi một người nhà là bác sĩ chuyên khoa II có nên mổ không? Bác sĩ này khuyên nên về chữa bằng thuốc bắc hoặc đông y.

Vợ chồng anh Kiền trở về quê, vài tuần sau nghe tin ông Mai Xuân Khởi ở Quảng Sơn, Quảng Trạch ăn gan, mật cóc để chữa ung thu gan đã gần 5 qua, nên anh Kiền quyết định rủ cậu em vợ đi để chứng kiến sự thật rồi mới về làm cho vợ ăn. Về nhà, anh Kiền bắt cóc rồi lấy da, gan, mật, 2 túi mổ trên đầu cóc rồi rang cháy khô, sau đó tán nhỏ bỏ vào một chiếc lọ để chị Lĩnh ăn dần.

Trung bình mỗi ngày chị Lĩnh ăn 2-4 bộ gan, mật, da cóc. Thấy bệnh tình của vợ thuyên giảm, da dẻ hồng hào, sau hơn 1 tháng anh Kiền đưa vợ đi khám và ngạc nhiên là khối u trong gan của chị Lĩnh từ 4,8cm giờ chỉ còn 3,7cm. Ăn gan, mật, da cóc được một thời gian, chị Lĩnh đi làm việc đồng áng bình thường. Hiện sức khoẻ của chị Lĩnh rất tốt, nên mấy tháng qua chị Lĩnh không còn ăn gan, mật, da cóc để chữa bệnh nữa mà chị chuyển qua uống thuốc nam.

Rời nhà anh Kiền, chị Lĩnh chúng tôi tìm đến nhà chị Hồ Thị Hồng, vợ anh Trần Đình Sinh, trú tại phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình. Vào cuối năm 2008, nghe vợ nói hay đau nhức vùng ngực nên anh Sinh đưa vợ vào Bệnh viện Trung ương Huế khám bệnh thì phát hiện chị Hồng bị mắc căn bệnh ung thư vú và đã chuyển sang giai đoạn di căn.

Trong lúc tinh thần gần như suy sụp, anh Sinh chợt nhớ tới một người ở cùng quê Quảng Sơn tên là Mai Xuân Khởi, bị ung thư từ năm 2004, nhờ ăn cóc mà cho đến nay vẫn đang sống, thế là anh tìm ra tận nơi học cách chữa trị.

Mỗi ngày anh Sinh bắt vài con cóc đốt trong bếp than (đốt 2 ngày, 2 đêm) và cho vợ ăn bình quân mỗi ngày 2 con cóc đã đốt cháy. Lúc nào thấy vợ có biểu hiện mệt mỏi, bệnh có vẻ nặng hơn thì anh cho ăn tăng thêm 3 con cóc nướng. Sau gần 2 năm ăn cóc, chị Hồng ít đau ốm, sức khoẻ tốt lên.

Chiều 28/4, trao đổi với chúng tôi chị Hồng cho biết, 4 tháng nay chị không còn ăn cóc nữa mà chị chuyển qua dùng thực phẩm chức năng Nani. Chị Hồng cũng cho biết thêm, ngoài việc ăn cóc, chị còn ăn tam thất, uống nước lá đắng… giờ chị cảm thấy sức khoẻ bình thường.

Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù bây giờ chị Lĩnh, chị Hồng không còn dùng gan, mật, da cóc nữa để chữa ung thư song họ đã dùng hàng năm trời song vẫn không bị ngộ độc. Đây là một câu chuyện lạ trái với khẳng định của khoa học y văn xưa nay.

Vì sao kiểm tra nhưng chưa công bố rộng rãi kết luận?

Giờ đây chỉ cần vào mạng Google đánh mấy chữ "ăn thịt cóc chữa ung thư" chúng ta có thể tìm thấy hơn 600.000 kết quả. Chỉ trong một thời gian ngắn, báo chí đã cung cấp hàng chục trường hợp dùng cóc chữa ung thư. Đứng trước một hiện tượng lạ chưa có tiền lệ trong cuộc sống lâu nay, Bộ Y tế đã có công văn "khẩn" ngày 24/6/2009 và công văn "thượng khẩn" ngày 29/6/2009 do Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ký gửi ngành Y tế trong cả nước.

Theo nội dung các công văn này; "1. Ngộ độc do ăn cóc được y văn thế giới và Việt Nam khẳng định, thực tế đã, đang và vẫn luôn là nguy cơ xảy ra hàng ngày tại nước ta. Ngộ độc do ăn cóc gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí đã gây chết người. 2. Việc ăn cóc sống với mục đích chữa ung thư là chưa có cơ sở. Chưa có báo cáo khoa học tại Việt Nam và thế giới về hiệu quả chữa bệnh của các chế phẩm từ cóc sống. Việc này sẽ được tiến hành thực nghiệm một cách nghiêm túc tại các cơ sở khoa học bởi các nhà khoa học có trình độ kinh nghiệm hàng đầu của Việt Nam. 3. Trước tình hình trên, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế, các cơ quan truyền thông, báo chí khẩn trương thông báo tới các cơ sở y tế và người dân không được sử dụng việc ăn cóc sống với mục đích chữa bệnh".

Sau các công văn trên, ngày 10/7/2009, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký quyết định thành lập "Đoàn khảo sát các trường hợp người dân ăn cóc sống với mục đích chữa bệnh". Theo quyết định này, thành viên đoàn khảo sát gồm GS Trương Việt Dũng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Trưởng đoàn; ThS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó đoàn; PGS.TS Vũ Văn Điền - Trưởng bộ môn Dược học cổ truyền Đại học Dược Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Viết Thân, Trưởng bộ môn Dược liệu, Đại học Dược Hà Nội; PGS.TS Trần Đức Hậu, Đại học Dược Hà Nội; BS Ngô Văn Bốn, Sở Y tế Quảng Bình; TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai…

Cũng theo quyết định này, đoàn khảo sát có nhiệm vụ xem xét, thẩm tra các tài liệu, hồ sơ liên quan đến các trường hợp người dân ăn cóc sống với mục đích chữa bệnh để trả lời các câu hỏi: 1. Những bệnh nhân này có mắc bệnh không và mắc bệnh gì? 2. Thay đổi lâm sàng và cận lâm sàng trước khi ăn cóc? 3. Loài cóc thuộc họ, loài nào và độc tính của các bộ phận mà người dân ăn để chữa bệnh.

Đoàn kiểm tra vào tìm hiểu các bệnh nhân ăn cóc ở Quảng Bình mà báo chí phản ánh không đúng, đủ như thành phần mà Bộ quyết định thành lập. Và đến nay sự việc xảy ra đã gần 1 năm, song vẫn không thấy đoàn kiểm tra trả lời rộng rãi cho công luận biết.

Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế cần có văn bản trả lời một cách rộng rãi, khách quan về hiện tượng này. Điều này sẽ tránh được sự hiểu nhầm đáng tiếc và trông đợi của hàng ngàn bệnh nhân cũng như người thân của họ.

Một người ăn cóc sống chữa ung thư 6 năm liền vừa qua đời

Ông Mai Xuân Khởi, xã Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình đã ăn gan, mật, da cóc sống để chữa ung thư 6 năm qua. Ông cũng là người ăn cóc sống đầu tiên để chữa bệnh ung thư được báo chí phát hiện.

Ngày 28/4, chúng tôi về xã Quảng Sơn và được biết ông Khởi vừa qua đời ngày 19/4. Bà Trần Thị Quế vợ ông Khởi cho biết, trước khi mất ông Khởi có vào thăm và ở lại với con ở TP HCM một thời gian. Trước ông Khởi, ở Quảng Bình theo chúng tôi được biết có 2 trường hợp bị ung thư đã ăn gan, mật cóc sống gần 1 tháng trời và cũng đã chết là anh H.T.V. ở TP Đồng Hới và anh N.T.L ở Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch. Trước khi có câu trả lời từ ngành Y tế, chúng tôi đề nghị bệnh nhân ung thư tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế "Không ăn cóc sống để chữa bệnh ung thư".

Dương Sông Lam
.
.
.