Ngành Giao thông tại miền Trung - Tây Nguyên:

Sẵn sàng đối phó với bão lũ

Thứ Hai, 10/08/2009, 10:51
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên hàng năm phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Hệ thống giao thông vì thế cũng bị ảnh hưởng và xuống cấp trầm trọng. Cứ mỗi lần chuẩn bị đến mùa bão lũ, các đơn vị, ngành GTVT trên địa bàn lại lo âu, thấp thỏm.

Vì sức tàn phá của bão lũ để lại hậu quả rất nặng nề, chính vì thế "chủ động đối phó" và đề ra các phương án phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lũ được các đơn vị ngành GTVT trên địa bàn đưa ra trước mùa bão lũ.

Khu quản lý đường bộ V được giao nhiệm vụ quản lý 1.854km của các đoạn tuyến quốc lộ 1, 1D, 14, 19, 26, 26B, 28 và đường Hồ Chí Minh trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên và ứng cứu PCLB&TKCN ở khu vực cùng các Sở GTVT các địa phương.

Do địa hình đồi núi phức tạp, độ dốc sườn lớn cùng với sự thay đổi của môi trường, sinh thái, cơ sở hạ tầng xây dựng chưa đồng bộ. Vì thế khi có mưa lũ xảy ra thường gây lũ ống, lũ quét, ngập lụt bất ngờ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến các công trình giao thông và các cơ sở hạ tầng khác.

Các tuyến đi qua vùng đồi núi thường bị sụt trượt ta-luy dương, sạt lở ta-luy âm nền đường, xói lở các mố cầu, thượng hạ lưu cống… các tuyến vùng đồng bằng thường bị ngập sâu gây ách tắc giao thông. Chỉ tính riêng các cơn bão số 9 và số 10 của năm 2008, trên các tuyến QL do Khu QLĐB5 quản lý đã bị sạt lở hàng trăm vị trí với hơn 17 ngàn mét khối đất đá; 21 ngàn mét vuông đường bị sình lún, ổ gà; hàng chục cầu cống bị xói lở với khối lượng lớn...

Lũ tràn qua QL1A đoạn đi qua tỉnh Quảng Nam.

Năm 2009 được dự báo là năm thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngay từ đầu năm, khu QLĐB5 đã có văn bản triển khai phương án phòng chống bão lụt và khắc phục đảm bảo giao thông, thường xuyên, kiểm tra định kỳ tình trạng các công trình giao thông cầu đường trước và sau mùa mưa bão xảy ra.

Đặc biệt quan tâm chú trọng công tác sửa chữa thường xuyên cầu đường bộ vá sửa chữa triệt để các ổ gà, sình lún mới phát sinh, láng nhựa 2-3 lớp các vị trí mặt đường bị rạn nứt lớn có nguy cơ phát sinh hư hỏng thành ổ gà, sình lún, vệ sinh và sơn sửa lại, bổ sung hệ thống, thiết bị ATGT để phát huy tác dụng tốt, đào vét khai thông hệ thống rãnh thoát nước dọc, các cống thoát nước trước mùa bão lũ.

Bên cạnh đó, các đơn vị bố trí khung, dầm cầu Bailley thường trực tại các cầu yếu để phục vụ công tác ứng cứu đảm bảo giao thông khi có tình huống xấu xảy ra tại các cầu Nam Ô, cầu Bà Rén, cầu Cháy, cầu Cẩm Tiên 2, cầu Quán Cau, cầu Ồ Ồ, cầu Sông Cái (QL1A), cầu Phú Phong (QL19)...

Trên thực tế thì mùa bão lũ những năm trước đây cho thấy, khối lượng sụt trượt ở đường Hồ Chí Minh, trên đèo Hải Vân, đèo Cù Mông, đèo Cả là rất lớn, xảy ra nhiều vị trí khác nhau. Các vị trí sụt trượt này gây chia cắt giao thông nhất là trên đường Hồ Chí Minh thành những đoạn riêng biệt, rất khó cho việc ứng cứu và chi viện cho nhau.

Vì thế, các Công ty CPQL&XDĐB Quảng Nam - Đà Nẵng, Kon Tum, Bình Định, Khánh Hòa và Công ty QL&SCĐB Phú Yên… tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra phát hiện sự cố hư hỏng cầu đường, đồng thời có kế hoạch vận chuyển tập kết máy san, máy xúc, rọ thép, đá hộc, cầu tạm Bailley, nhiên liệu… ở các vị trí phù hợp để có thể hỗ trợ cho nhau, kịp thời ứng cứu, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt.

Ngoài ra, các đơn vị phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông tập trung xử lý các vi phạm của các nhà thầu khi thi công trên QL1, QL14, đường Hồ Chí Minh, QL19… Tham gia đảm bảo giao thông ở các đoạn trên QL1 khi xảy ra ngập lụt, các vị trí sụt trượt ở các đoạn đường đèo Hải Vân, An Khê, Măng Giang, Phượng Hoàng, Cù Mông, đèo Cả và đường Hồ Chí Minh.

Với những gì đã chuẩn bị của ngành Giao thông, hy vọng sẽ góp phần giảm thiệt hại, đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa bão lũ này

Trần Ánh
.
.
.