“Săn” sâm đất, phá nát rừng

Thứ Ba, 12/06/2007, 09:52

Vài tháng nay, mỗi ngày có trên trăm người vào rừng phòng hộ xung yếu ven biển tỉnh Bạc Liêu để đào sâm đất. Mỗi ký sâm đất đổi được hơn 2kg gạo. Tuy nhiên, cứ mỗi ký sâm đất đào được sẽ có hàng trăm gốc mắm bị đào xới.

Mới tờ mờ sáng nhưng trên con đê quốc phòng chạy dài từ biển Nhà Mát (thị xã Bạc Liêu) đến huyện Đông Hải đã xuất hiện nhiều tốp người mang theo dao, vá, cuốc, thùng... lội thật nhanh vào rừng. Họ là những người đi đào sâm đất.

Họ đa số là người nghèo. Trong đoàn người có hai anh em Nguyễn Đức Huy và Nguyễn Phi Thoàn ở ấp Vĩnh Điền, xã Long Điền Đông (Đông Hải, Bạc Liêu). Năm nay đã 14-15 tuổi nhưng cả hai anh em đều không biết chữ.

Cả hai cho biết trước đây hai anh em chuyên mò cua bắt ốc ngoài bãi bồi ven biển cùng với gia đình. Mấy tháng nay có người rủ ra rừng bắt sâm đất. Huy cho biết: “Một ngày hai anh em tui bắt được trên 15kg, bán được 9.000-10.000 đồng/kg, sướng nhiều hơn mò nghêu ngoài biển”.

Chị Trần Kiều Lan đứng kế bên than thở: “Bắt sâm đất cũng được tiền nhưng kiểm lâm đuổi bắt dữ quá!”.

Ông Lê Ngọc Bội - hạt phó Hạt Kiểm lâm liên huyện rừng phòng hộ biển Đông - cho biết: “Chúng tôi cùng các trạm kiểm lâm phối hợp với bộ đội biên phòng và công an xã tuần tra ngày đêm và nỗ lực tuyên truyền cho bà con biết được tác hại của việc bới rừng tìm sâm nhưng do lực lượng quá mỏng lên làm không xuể. Rễ cây mắm nhú lên mặt đất, nếu bị xắn đứt sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của rừng phòng hộ xung yếu ven biển”.

Đã có lúc lực lượng kiểm lâm và công an xã ra quân truy đuổi. Thế nhưng sau nhiều đợt ra quân chỉ thu giữ được... 21 cái cuốc và gần 100kg sâm.

Mới đây, ông Phạm Hoàng Bê - phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra phòng chống phá rừng, đồng thời tổ chức nghiên cứu, bảo tồn và phát triển con sâm đất ở vùng rừng ngập mặn ven biển để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Bội thở dài: “Những người khai thác sâm đất trái phép đều quá nghèo, nếu bắt được để thu giữ tang vật, ra quyết định xử phạt hành chính họ cũng không có tiền nộp phạt. Giao cho địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhưng đến lúc trong nhà không còn một hạt gạo thì họ lại vào rừng tìm sâm”.

Bắt 1kg sâm, phá 200 cây mắm

Con sâm đất (còn gọi là con đồm độp hay con chặt khoai theo tiếng địa phương, có tên khoa học Sipunculus) sống dưới những gốc cây mắm tái sinh nơi gò cao, khí hậu ẩm nên muốn bắt “thợ săn” phải dùng đến cuốc, xẻng xắn mạnh vào gốc cây để đào lên một lớp đất sâu từ 1-2m. Nơi nào rừng rậm rạp, “thợ săn” phải dùng dao... phát quang hoặc nhổ bật cả gốc.

Mỗi gốc mắm chỉ có 1-2 con sâm đất. 1kg sâm đất khoảng 200 con. Để có 1kg sâm, người ta phải moi gốc của khoảng 200 cây mắm. Bình quân mỗi người bắt được 10kg/ngày. Những ngày cao điểm có khoảng 100 người vào rừng, thu bắt trên dưới 1 tấn sâm đất. Cũng có nghĩa là khoảng 20ha rừng phòng hộ bị chà xát.

Chính vì vậy hiện nay phần đất ngập mặn có sâm đất sinh sống nằm dưới những tán rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu đang bị “cày xới” mỗi ngày, nhìn vào rất giống... những thửa ruộng vừa bị xới tơi lớp đất mặt để chuẩn bị gieo mạ

Theo Ngọc Diện (Tuổi trẻ)
.
.
.