Sân chơi “nhạc sống” ở nông thôn - góc nhìn mặt trái

Thứ Năm, 25/07/2013, 13:31
Trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội phát triển, mỗi thôn xóm, làng quê có một tụ điểm văn hóa - văn nghệ là điều đáng mừng. Với riêng thực trạng “nhạc sống” đang bùng phát thì mừng nhiều, nhưng lo cũng không ít.

Hơn một năm qua, phong trào “nhạc sống” đã trở thành “mốt” giải trí thời thượng ở nhiều vùng nông thôn các tỉnh Nam Trung Bộ. Không phải chờ đến những tiệc cưới tại gia như trước đây, mà mỗi khi có tiệc mừng sinh nhật, tân gia, đám giỗ, thôi nôi… nhiều gia đình thuê dàn “nhạc sống” đến phục vụ.

Những người được mời sẽ góp tiền chơi “nhạc sống” với mức chi phí mỗi giờ 100.000 - 120.000 đồng, nếu cuộc chơi kéo dài hơn 5 giờ liền sẽ được giảm tiền. Thậm chí có người đã xây dựng sân chơi “nhạc sống” thành “sự kiện” thường xuyên tại gia đình mình để thu hút “ca sĩ” từ nhiều thôn, xã khác đến, trả lệ phí cho mỗi nhạc phẩm được hát và mỗi ly cà phê, nước ngọt đã uống.

Có thể nói, trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội phát triển, mỗi thôn xóm, làng quê có một tụ điểm văn hóa - văn nghệ là điều đáng mừng. Với riêng thực trạng “nhạc sống” đang bùng phát thì mừng nhiều, nhưng lo cũng không ít. Mới sáng ra chợ một vùng quê ở Phú Yên đã nghe nhiều chị phụ nữ bàn chuyện “nhạc sống”, rồi vào góc chợ chọn mua lời bài hát trên giấy A4, không có khuông nhạc do một gã thanh niên bán với giá mỗi bài 1.000 đồng. Đáng lo ngại nhất là trong tập lời bài hát đó, có không ít bài hát “đen” với những ca từ đậm chất hiếu chiến dành cho sĩ quan, binh lính chế độ cũ; ủy mị, não nề dành cho những cuộc tình không trong sáng; ca ngợi những lối sống xa hoa, phù phiếm…

Sau nhiều cuộc chơi “nhạc sống”, những bài hát - ca từ đen đúa đó thẩm thấu, tiêm nhiễm dần vào tâm thức của nhiều thanh thiếu niên nông thôn và dần dà trở thành bài hát “ruột” của cả giới trẻ lẫn người già ở nông thôn là chuyện hết sức nguy hại. Càng nguy hại hơn sau khi tìm được cảm giác lâng lâng bằng bia rượu, không ít “ca sĩ” của sân chơi “nhạc sống” cất cao giọng hát những bài nhạc “chế” với  nhiều ca từ lệch lạc, thô thiển, thiếu tính văn hóa, thẩm mỹ, thậm chí có ca từ hết sức lố bịch, nhưng vẫn được hàng chục “khán giả” trong sân chơi vỗ tay tán thưởng!

Không chỉ chừng ấy nguy hại mà sân chơi “nhạc sống” ở nông thôn còn gây nhiều phiền phức. Một số người không góp tiền để hát “nhạc sống” thường bị cả xóm chê bai “yếu kém” văn nghệ đã đành, bản thân họ và những người già yếu, đau ốm, mỏi mệt sau một ngày lao động… đều bị tra tấn bởi những giọng ca chất chứa đầy “sỏi đá”, “bia rượu” dây dưa đến gần nửa đêm. Đó là chưa kể đến những chuyện tế nhị khác, ví như chuyện đã có “quý bà” đêm nào cũng kiếm cớ đi siêu thị, sinh nhật, hội chợ… để đến với sân chơi “nhạc sống” chỉ vì mê một tay “dân chơi” khiến cho ông chồng rất mực hiền lành cũng phải nổi cơn ghen tức…

Văn nghệ là nhu cầu chính đáng và cần thiết trong đời sống thường nhật của mỗi người dân, theo đó, “nhạc sống” cũng là sân chơi bổ ích nếu như được cơ quan chuyên trách kiểm quản tại một tụ điểm sinh hoạt có trật tự văn hóa. Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chuyên trách văn hóa sớm có biện pháp kiểm quản “nhạc sống” đang bị “thả nổi” ở nông thôn và xây dựng một cơ chế cụ thể để tạo ra những sân chơi thật sự bổ ích, lành mạnh, không có những mặt trái đáng tiếc

Hữu Toàn
.
.
.