Sắc xuân lan tỏa nơi các chòm bản Mường Tè

Chủ Nhật, 10/02/2013, 09:07
Đỉnh Đèo Giăng Ma uốn lượn từng nhịp. Nó lẫn với sắc vàng rợp của hoa cúc quỳ, màu lấp lánh của hoa ban, bất giác tựa tấm áo choàng chực tô thêm sắc xuân nơi các chòm bản Mường Tè (Lai Châu). Tinh mơ, mọi người trong gia đình chị Khoàng Thò Mé, ở bản Chang Chảo Pá đã lục tục đóng ngô, thóc vào bị. “Đến Tết là bọn mình chung vui cùng dân bản thôi”, chị Mé bảo.

Rộn ràng không khí đón Tết

Mưa ở Mường Tè thật lạ. Nó đến bất chợt và tan cũng thật nhanh. Nó giống với tính cách của những thiếu nữ người Hà Nhì, nơi núi rừng Tây Bắc vậy. Lúc giận là giận lắm. Nhưng khi nguôi lòng là nhẹ nhàng, dịu dàng ngay. Con đường dẫn vào Hua Bum - xã vùng sâu với trên 20km đường biên của huyện Mường Tè ngoằn ngoèo, lắt léo bò dọc theo vách núi hôm nay thật khó đi.

11h. Mọi người trong gia đình chị Khoàng Thò Mé, người Hà Nhì ở bản Chang Chảo Pá ngơi nghỉ sau một buổi đóng gần chục bao ngô, bị thóc. Chị Mé bảo rằng: “Năm nay, núi trời thương, được mùa nên gia đình có của ăn, của để. Tết này, nhiều đồ ăn, vui lắm cán bộ ạ”. Thời điểm này, người Hà Nhì ở Hua Bum thường tất bật với việc chuẩn bị cho một cái Tết cổ truyền sung túc, ắp đầy niềm vui sắp đến. Không chỉ tích trữ ngô, gạo, nghe chị Mé kể, chúng tôi còn được hay, để “đón” người thân, bà con trong bản tới nhà dịp đầu năm, ngoài vò rượu sắn được chưng cất cả tháng ra, vợ chồng chị còn “tích” cả một con lợn đen nặng đến nửa tạ, đợi hôm 30 Tết mổ thịt…

Cán bộ Công an huyện Mường Tè thường xuyên bám bản, bám dân để góp bình yên cho các bản làng.

Chúng tôi đến bản cũng là lúc mà đám trẻ nhỏ đang diện thử bộ quần áo sặc sỡ sắc màu mới được mẹ chúng thêu dệt. Trong ngôi nhà của chị Phùng Hà Xó, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hua Bum, mấy chị em đang hăng say luyện tập điệu xòe. Việc chuẩn bị các câu hát giao duyên, điệu xòe khi dịp Tết đến gần luôn được người Hà Nhì chú trọng.

Giống như người Kinh, người Hà Nhì cũng thường cúng tổ tiên vào đêm 30 Tết. Trong mâm cúng luôn có thịt lợn, lòng phèo, bánh dày, rượu… và chén nước suối tinh khiết - thể hiện sự mong muốn điều tốt lành. Theo lời anh Phùng Chừ Giá, Trưởng bản Chang Chảo Pá, trong những ngày Tết, dù có uống nhiều, người có ngấm men rượu, song người Hà Nhì rất kiêng kỵ việc để xảy ra mâu thuẫn, gây gổ mắng mỏ nhau. Bởi đây chính là điềm dữ. Tất cả nhường chỗ cho điệu xòe, nụ cười… cùng những lời chúc tụng tốt đẹp dành cho nhau.

Anh Pờ Lò Po, Chủ tịch UBND xã Hua Bum cho biết thêm, được sự quan tâm các ngành, các cấp, đặc biệt là có sự góp mặt của các cán bộ Công an “cắm bản” Mường Tè, năm nào cũng vậy, đến dịp Tết, xã lại tổ chức ngày “Tết chung”, với sự tham gia của đại diện các hộ gia đình trong xã. Trong ngày này, bà con được ăn uống, chúc tụng, múa xòe, hát đối giao duyên một cách thỏa thuê. “Tết chung” ở Hua Bum được tiến hành luân phiên từ bản này sang bản khác. Trong ngày vui này, bà con (Hà Nhì, Mông…) trong xã sẽ lui tới, hát giao duyên, cầu cho năm mới được: “ngô, thóc đầy bao, nước từ nguồn đổ ra tràn trề, lợn thì bầy đàn...”.

Bám bản, bám dân, góp yên bình cho mảnh đất vùng biên

Dẫu không được kể nhiều về anh, nhưng có tiếp xúc, cùng ở, cùng đi với anh - Trung tá Sùng Khù Hừ, Đội phó Đội Công an phụ trách xã (Công an huyện Mường Tè), tôi hiểu phần nào về con người anh, một người đã gắn chặt gần nửa cuộc đời “binh nghiệp” của mình với núi rừng Tây Bắc. Trên suốt quãng đường đến với các chỏm bản, tôi được nghe anh giới thiệu về địa hình, phong tục tập quán của 13 thành phần dân tộc từ người Thái, Hà Nhì, La Hủ… cho đến người Mảng một cách vanh vách. Ở bản làng nào, anh cũng đều sử dụng thành thạo ngôn ngữ của người bản địa ở đó. “Mình phải biết tiếng của bà con, mới mong bà con hiểu mình chứ”, Trung tá Hừ tâm sự.

Hôm ấy, cùng vượt hàng chục kilômét với anh vào bản Nậm Củm, xã Bum Nưa để tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con người Mảng, tôi một lần nữa thấy được sức “lôi cuốn” của anh. Anh Vàng Văn Xám, Trưởng Công an xã Bum Nưa bảo rằng, ngay từ sáng sớm, thấy có cán bộ Công an huyện về, bà con bản Nậm Củm đã đến nhà Trưởng bản rất đông. “Bà con vui lắm, vì nghe dễ hiểu mà…”, anh Xám chêm lời.

Và cũng chính bởi sự gần gũi, bám bản, bám dân, mà cán bộ Công an “cắm bản” Công an huyện Mường Tè thời gian qua đã giúp nhiều hộ dân (chủ yếu là người Mông) tránh được sự lôi kéo, xúi giục của kẻ xấu. Đại úy Hỏ Văn Vịnh, cán bộ Đội An ninh – một trong những cán bộ gắn liền với vùng thâm sơn cùng cốc Mường Tè ngót 7 năm, nhớ như in lần giúp ông Sùng A Tó, 60 tuổi, người Mông, ở bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng hồi đầu tháng 5 năm ngoái. Hôm ấy, hay tin ông Tó nghe kẻ xấu, bán lợn gà bỏ sang huyện Mường Nhé (Điện Biên) để đi theo “thế lực siêu nhiên”, dưới sự chỉ đạo của Công an huyện, Đại úy Vịnh vai khoác ba lô tức tốc lên đường.

Nhờ sự phân tích kịp thời của cán bộ Công an “cắm bản” cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương, sau vài ngày lưu lạc bên vùng “đất hứa”, ông Tó đã trở về. Ngày ngày lại cùng người thân lên nương, làm ruộng, không tin theo lời kẻ xấu rủ rê bỏ nhà, bỏ bản đi nữa. Trường hợp của anh Mùa A Tủa, nhà nằm cách gia đình ông Sùng A Tó một quả đồi cũng vậy. Ngày đó cũng vào dịp đầu tháng 5-2011, khi đang chuẩn bị bán nhà, bỏ bản để đi theo “thế lực siêu nhiên” thì may thay, anh Tủa đã gặp Đại úy Vịnh. Vị cán bộ An ninh này không những tận tình phân giải lý lẽ mà còn nán lại, phụ giúp anh Tủa sửa sang nhà cửa, tiếp tục tăng gia sản xuất. Bởi vì thế, đến giờ, hễ nhắc đến Đại úy Vịnh, gia đình anh Tủa vẫn còn mãi biết ơn như là một vị ân nhân vậy.

Trung tá Sùng Khù Hừ, Đại úy Hỏ Văn Vịnh, Trung tá Lý Go Xá… cùng nhiều cán bộ Công an “cắm bản” Mường Tè khác thời gian qua đã giúp bà con, đặc biệt là người Mông sinh sống tập trung ở các bản làng Kan Hồ, Tà Tổng, Hua Bum… nhận thức đầy đủ hơn về bộ mặt thật của các thế lực thù địch trong việc xúi giục bà con bỏ bản, bỏ làng tham gia tụ tập đông người. Chú tâm chăm lo sản xuất. Thiếu tá Trịnh Xuân Hải, Phó trưởng Công an huyện Mường Tè chia sẻ, Mường Tè là một địa bàn được xác định trọng điểm về ANTT, với thành phần dân tộc đa dạng, hoàn cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nên phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ luôn được chú trọng. Các mô hình “Dòng họ tự quản”, “Khu phố an toàn”, “Xã bản không có tội phạm và tệ nạn xã hội”… tại 19 xã, thị trấn không ngừng duy trì, đẩy mạnh.

Nơi cực Tây giáp biên – Mường Tè nghe thì thấy thật xa, thật diệu vợi. Song khi đến, lại thấy gần, rất gần. Sắc xuân sớm đang từng giờ lan tỏa khắp các chòm bản, vạt rừng.

Tạ Hữu Yên

Mùa đào Tây Bắc

Sườn non đào khoe sắc
Một mùa hoa tinh khôi
Vòng cung miền Tây – Bắc
Nắng hừng trăm dặm phơi

Xuân về với biên cương
Bản làng vào ngày hội
Ngựa hí dài bên suối
Vừng hoa khoe bướm vờn

Quả còn bay theo gió
Lượn nghiêng một đường cong
Những tua xanh, hoa đỏ
Nở xòe như đuôi công

Tiếng khèn trai bản vẳng
Thổn thức lời yêu thương
Cho lòng em bối rối
Chiều xuân này – vấn vương…

Xuân Quý Tỵ 2013

Trần Huy (Báo CAND Tết 2013)
.
.
.