"Rượu thủ công" kịch độc

Thứ Năm, 15/05/2008, 09:38
Theo thông tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong một nghiên cứu mới đây cho thấy, có tới trên 90% rượu tự nấu có hàm lượng độc tố và tạp chất cao, trong đó nhiều loại có hàm lượng acic acetic, aldehyd, methanol... cao hơn hàng trăm lần.
>> Tử vong do... "rượu đế" nấu bằng cồn

Bắt đầu từ tháng 5/2008, Nghị định số 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực. Nhưng đây cũng là thời điểm mà các vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra ở nước ta.

Ngày 12/5, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra thông tin lo ngại: 90% rượu tự nấu có hàm lượng độc tố và tạp chất cao. Thực tế hiện có rất nhiều hộ dân nấu rượu theo kiểu thủ công. Vậy thì việc quản lý chất lượng rượu tự nấu như thế nào và liệu cơ quan chức năng có quản lý được không?

Rượu từ cồn công nghiệp ảnh hưởng đến thần kinh

Các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua liên tiếp đăng tải thông tin về các vụ ngộ độc và những cái chết do rượu xảy ra ở các tỉnh phía Nam. Chỉ trong những ngày đầu tháng 5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã tiếp nhận gần 10 ca ngộ độc rượu. Trước đó, vào ngày 28/4, 3 thanh niên ở TP Cần Thơ cũng bị tử vong do rượu. Các bác sỹ kết luận cả 3 thanh niên trên bị ngộ độc do uống lượng cồn lớn.

Trao đổi với Thạc sỹ Nguyễn Thúy Hường, Chủ nhiệm Khoa Vi sinh, Viện Công nghệ thực phẩm (Bộ Công nghiệp), thông thường rượu gạo được sản xuất theo quy trình: Gạo + men + chưng cất = rượu.

Men có hệ vi sinh vật có tính sát khuẩn, tạo hương rượu… Chất lượng rượu phụ thuộc vào gạo, men, nước. Rượu được chưng cất từ gạo thông thường, tạp chất ảnh hưởng đến sức khỏe không đáng báo động lắm.

Theo dõi các vụ ngộ độc rượu gần đây ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sỹ Hường cho rằng đây có thể là loại rượu có công thức: cồn + nước + khử mùi = rượu. Hiện nay, trên thị trường lưu hành hai loại cồn, cồn công nghiệp và cồn thực phẩm. Nếu chế biến rượu từ cồn công nghiệp, các tạp chất trong đó gây nhiễm độc thần kinh.

Đã có nghiên cứu chỉ ra, chất metanol trong loại rượu chế biến từ cồn công nghiệp cao gấp 200 lần cho phép. Chính vì thế, nó gây ra cái chết nhanh chóng cho người uống là điều rất dễ xảy ra. Do lợi nhuận, người sản xuất bỏ qua lương tâm để tung ra thị trường thứ rượu uống vào chết người.

Tìm hiểu qua một người đã có trên 30 năm nấu rượu thủ công, chúng tôi được biết, công thức nấu rượu khá đơn giản. Gạo được nấu lên, ủ men rồi chưng cất thành rượu. Men để làm rượu có thể mua ở trong nước, cũng có thể mua men của Trung Quốc.

Sau khi chưng cất, gia chủ phải có cả một công đoạn lọc rượu cẩn thận. Không lọc kỹ, rượu có thể còn nhiều tạp chất.

Đối với những gia đình nấu rượu có ý thức thì các công đoạn này được làm cẩn thận, khi đến tay người tiêu dùng là đảm bảo và không gây độc nếu sử dụng nhiều. Tuy nhiên, không ít người chỉ nhằm đến mục đích kinh doanh và lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe của cộng đồng.

Trước đây, một thương hiệu rượu làng nghề nổi tiếng thị trường miền Bắc bị mất uy tín vì có tin đồn sử dụng thuốc trừ sâu cho nước rượu trong, cho… bốc. Kết quả chỉ một thời gian sau, cả làng nghề lao đao vì ế rượu.

Bên cạnh đó, tình trạng ngộ độc rượu còn có một nguyên nhân từ việc ngâm các rễ cây, củ, động vật vào rượu với mục đích chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Về mức độ an toàn của các loại rượu này cũng chẳng có ai là người kiểm định. Thế nên, nếu xảy ra ngộ độc, đương nhiên, nạn nhân là người gánh trọn hậu quả.

Sản xuất rượu thủ công cũng phải xin phép

Thống kê không đầy đủ, cả nước hiện chỉ có 94/20.663 cơ sở có công bố tiêu chuẩn chất lượng rượu. Còn lại tới gần 90% cơ sở không công bố tiêu chuẩn. Đó còn chưa kể tới các hộ dân sản xuất rượu tự phát, không thường xuyên trong các khu dân cư.

Theo thông tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong một nghiên cứu mới đây cho thấy, có tới trên 90% rượu tự nấu có hàm lượng độc tố và tạp chất cao, trong đó nhiều loại có hàm lượng acic acetic, aldehyd, methanol... cao hơn hàng trăm lần so với rượu của các cơ sở có công bố tiêu chuẩn chất lượng. Điều đó cho thấy, những lò rượu thủ công đang tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng vấn đề là quản lý chất lượng rượu bằng cách nào?

Ngày 7/4/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó quy định, rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh. "Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép"... 

Đối với loại rượu sản xuất thủ công nhằm mục đích kinh doanh được khuyến khích tham gia vào làng nghề sản xuất rượu nếu cá nhân, tổ chức sản xuất rượu thuộc địa phận có làng nghề. Trước ngày 1/1/2010, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công.

Nghị định số 40/2008 cũng quy định: "Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích tự tiêu dùng không được bán trên thị trường". Nhưng, làm sao để quản lý được việc sản xuất rượu thủ công ở các hộ gia đình?

Có lẽ, nhiệm vụ này phải được giao cho chính quyền cấp cơ sở, từ chính quyền thôn, tổ dân phố cho tới xã, phường thì mới mong kiểm soát được hoạt động sản xuất rượu theo công nghệ thủ công.

Điều quan trọng hơn là ý thức đảm bảo an toàn cho sản phẩm của chính người sản xuất và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Mọi loại rượu đưa vào sử dụng cần phải biết rõ nguồn gốc

Các hành vi vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh rượu: Sản xuất, kinh doanh rượu không có giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Sản xuất, mua bán, tiêu thụ sản phẩm rượu nhập lậu, rượu giả, rượu nhái nhãn mác, kiểu dáng, không đảm bảo chất lượng. Lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm không ghi nhãn bao bì... Bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Quảng cáo, khuyến mãi rượu trái quy định. Tài trợ các hoạt động xã hội có gắn với quảng cáo rượu. Dùng rượu làm giải thưởng các cuộc thi, trừ cuộc thi về rượu...

Hoàng Đức
.
.
.