Rưng rưng tháng 1 giữa biển trời Tổ quốc

Thứ Năm, 01/02/2018, 11:39
Vào thời khắc giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các chiến sĩ đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; bám trụ đến cùng, chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc. Các anh đã hy sinh để lại trong lòng những người dân Việt yêu Tổ quốc mãi mãi trường tồn niềm tự hào dân tộc cùng hào khí của đất Việt linh thiêng.


1. Tạm biệt Nhà giàn DK1/15, Nhà giàn DK1/8 (Quế Đường), sau một đêm hành trình liên tục trên biển, tàu 264 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã thả neo tại khu vực Nhà giàn DK1/16 Phúc Tần. Tại điểm thả neo này, Đoàn công tác số 1 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân do Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân làm Trưởng đoàn cùng các phóng viên, báo chí Trung ương, địa phương tham gia Đoàn công tác đã làm Lễ tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ hy sinh trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Là người đã gắn bó trọn đời mình với các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, hiểu rõ, nắm rõ như lòng bàn tay từng nhà giàn DK1; Đại tá Nguyễn Quốc Văn rưng rưng xúc động nhắc lại những tấm gương anh hùng, quả cảm, anh dũng hy sinh cao đẹp vì nhiệm vụ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn mới, theo Quyết định của Chính phủ, ngày 5-7-1989, Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam được thành lập. Đây là một quyết định hết sức sáng suốt, kịp thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước ta.

Thiếu tá Đặng Việt Hưng, phóng viên Báo CAND dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ trên biển Trường Sa.

Gần 30 năm qua, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Hải quân trực tiếp là cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã gác lại những tình cảm, những dự định riêng tư, gác lại bao hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ để có mặt làm nhiệm vụ trên các Nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam muôn vàn khó khăn, gian khổ, khắc nghiệt này. Mặc dù Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân và nhân dân cả nước hết sức quan tâm nhưng vào những năm 1990, 1996, 1998 và năm 2000 do thiên nhiên hung dữ và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương đã làm đổ một số Nhà giàn và chìm tàu trực nơi mà cán bộ chiến sĩ Hải quân chúng ta đang có mặt thực hiện nhiệm vụ.

Vào thời khắc giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các chiến sĩ đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; bám trụ đến cùng, chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Một cái chết rực khí phách kiên cường, sáng lên lòng quả cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, trong trắng, thủy chung, sáng ngời phẩm chất “Bộ Đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới”. Chúng ta vẫn còn nhớ sự hy sinh cao cả của cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5-12-1990.

Dưới sự chỉ huy của Trung úy - Trạm trưởng Bùi Xuân Bồng và Thượng úy - Trạm phó Chính trị Trần Hữu Quảng, các anh đã ra sức chống chọi với bão tố. Song đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, Nhà giàn bị quật đổ cuốn trôi cả 8 cán bộ chiến sĩ xuống biển và rồi 3 đồng chí anh dũng hy sinh đó là Thượng úy Trần Hữu Quảng, Thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là, chiến sĩ Hồ Văn Hiền.

Tấm gương hy sinh anh dũng, cao đẹp của Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nêu cao vai trò người Bí thư Chi bộ, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng giữ. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân cùng miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội để rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng.

Nghi lễ thả đồ cúng, thả hoa xuống biển để tưởng nhớ, ghi ơn những người con của Tổ quốc đã mãi mãi nằm lại biển khơi.

2. Xin tạc lòng ghi nhớ gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên trước sự hung dữ, tàn khốc của cơn bão số 8 năm 1998. Nhà giàn bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy, bình tĩnh dũng cảm kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng với tinh thần còn người còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng.

Nhưng sức người thì có hạn, nhà giàn bị đổ. Cả 9 cán bộ chiến sĩ bị hất tung xuống biển. Lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình nhưng 3 đồng chí là Đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh, các anh đã vĩnh viễn hóa thân vào sóng nước đại dương. Chuẩn úy Nguyễn Văn An ra đi để lại nỗi đau vô bờ nơi người vợ trẻ và đứa con nhỏ chưa kịp biết mặt bố. Liệt sĩ, Chuẩn úy Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng.

Khi Nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên bị đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” để rồi thanh thản ra đi, mãi nằm lại với biển khơi, bồi đắp vững chãi thêm tượng đài chủ quyền giữa biển trời Tổ quốc. Còn biết bao tấm gương anh dũng hy sinh cao đẹp vì nhiệm vụ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà trong bài viết này không thể nói hết thành lời. Gương hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng, sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới.

Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang song để lại phía sau là niềm thương nhớ, nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hàng ngày đau đáu bên cánh cửa đợi trông mong các anh quay trở về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm không thể xóa nhòa.

Các đại biểu làm Lễ tưởng niệm.

3. Ghi nhớ công lao của các anh và cả xương máu đã đổ xuống của các thế hệ đi trước, các Nhà giàn DK1 ngày hôm nay đã thay da đổi thịt. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Quân chủng Hải quân; của các cấp, các ngành, của quân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài; Nhà giàn DK1 hôm nay đã vững chắc hơn, có thêm những công trình mới phục vụ đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa; được phủ sóng truyền hình, sóng điện thoại, năng lượng sạch để ánh điện ngày đêm tỏa sáng lung linh và nhà giàn ngày càng gần với đất liền hơn; đáp ứng cho nhiệm vụ nghiên cứu, đảm bảo an ninh, quốc phòng, có thể an tâm trụ vững kiên cường với những trận bão trên cấp 12 quần thảo. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, đầy xúc động.

Đại tá Nguyễn Quốc Văn đọc diễn văn tưởng niệm trong sự nghẹn ngào, thương xót, nhớ thương đồng chí, đồng đội. Đội nghi thức lễ viếng của tàu 264 Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thực hiện nghi lễ thả đồ cúng, thả vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Anh hùng Liệt sĩ"; các đại biểu, chiến sĩ thả những đoá hoa cúc xuống biển khơi bao la để tưởng nhớ, ghi ơn các anh.

“Trong cơn hồng thủy phong ba. DK1- bản hùng ca lưu đời. Hương trầm quyện gió tỏa quanh. Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương.” Dù các Anh hùng, Liệt sĩ đã yên nghỉ song đồng đội của các anh và cả những thế hệ người Việt mai sau sẽ mãi mãi không bao giờ quên những hy sinh anh dũng, cao cả mà thầm lặng, lớn lao này. Các anh đã hy sinh để lại trong lòng những người dân Việt yêu Tổ quốc mãi mãi trường tồn niềm tự hào dân tộc cùng hào khí của đất Việt linh thiêng.

Việt Hưng (email từ Trường Sa)
.
.
.