Rừng hơn 10 năm tuổi bị chặt trụi

Thứ Sáu, 28/03/2014, 13:22
Hơn 137 héc-ta rừng trồng theo dự án 661 ở xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị bỗng dưng bị chặt trắng. Sự việc trước đó đã kịp thời phát hiện, nhưng không có khả năng ngăn chặn triệt để. Đến lúc rừng chỉ còn trơ lại những cái gốc thì người ta mới rút ra được bài học, “bảo vệ được rừng, trước hết phải bảo vệ lòng dân!”.

Ông Lê Ngọc Trình, Trưởng Công an xã Hải Thiện dẫn chúng tôi ra khu rừng trồng hơn 10 năm tuổi trên địa bàn xã. Rừng chỉ còn trơ lại những cái gốc to, bị đốn sát mặt đất, giữa mênh mông là cát. Ông Trình cho biết, hơn 137 héc-ta rừng này được 5 hộ dân ở thôn 1 và 2 nhận trồng theo dự án 661 vào các năm từ 2001 đến 2003. Tình trạng chặt phá rừng diễn ra từ sau cơn bão số 10 năm 2013. Bà con lợi dụng bão, cắt tỉa cành, cây bị bão xô gãy rồi đốn hạ luôn những cây còn nguyên vẹn. “Đến cuối năm đó, một hộ dân ở thôn 4 nằm trong dự án chuyển đổi rừng sang phát triển cây trồng khác, đã được cho thanh lý rừng trồng không nằm trong diện tích hơn 137 héc-ta kể trên. Khi hộ này tiến hành khai thác thì người dân trên địa bàn xã đổ ra chặt phá tanh bành 137 héc-ta rừng trồng theo dự án 661. Chính quyền và các lực lượng chức năng xã, huyện đã ngăn chặn, đẩy đuổi nhưng không có kết quả. Bởi chặn họ vào ban ngày thì họ làm vào ban đêm… Hơn 137 héc-ta rừng với toàn cây tràm đen đã bị chặt trụi và xã Hải Thiện chỉ thu giữ được 7 xe chở gỗ với khoảng 25m3”, ông Trình nói.

Ông Phan Kế Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Hải Thiện cho biết thêm, trước khi 137 héc-ta rừng chưa bị chặt phá, địa phương xin huyện xây dựng 7 mô hình chăn nuôi, trong đó có trồng cỏ để nuôi bò và phát triển kinh tế khác trên một phần diện tích đất rừng. Số diện tích còn lại bán đấu giá cho dân để họ trồng rừng. Nhưng huyện đã không đồng ý vì lý do chưa có quyết định thanh lý rừng này.

Rừng tràm đen bạt ngàn ở Hải Thiện đã bị người dân chặt phá trụi.

Cũng theo ông Quỳnh thì trên thực tế vào năm 2007, sau khi rà soát 3 loại rừng, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định chuyển đổi hơn 137 héc-ta rừng trồng này sang rừng sản xuất. Nhưng phòng chức năng và chính quyền huyện Hải Lăng đã không thực hiện các bước tiếp theo như giao rừng cho xã hoặc những hộ trồng rừng này để tiếp tục chăm sóc, bảo vệ và hưởng lợi theo quy định. Trước tình trạng rừng bị vô chủ, có nguy cơ bị chặt phá cao, UBND xã Hải Thiện đã không ít lần họp dân, đề xuất quyền hưởng lợi cho 5 hộ trồng rừng kể trên. Tuy nhiên, người dân không đồng ý, cho rằng 5 hộ này đã được hưởng mọi quyền lợi khi trồng rừng. Sau đó, xã và người dân tạm thời thống nhất, 5 hộ khi khai thác rừng để hưởng lợi thì phải nộp cho xã 80kg thóc/héc-ta. Nhưng 5 hộ trên đã không thể khai thác rừng vì không có thóc nộp cho xã! Việc UBND xã Hải Thiện đã linh động giải quyết sự việc (thực tế cách giải quyết này trái với Quyết định 147 ban hành năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi của người trồng rừng theo dự án 661), song rút cuộc hơn 137 héc-ta rừng đã không tránh khỏi sự chặt phá do chính người dân tiến hành.

Phóng viên Báo CAND tại hiện trường khu rừng bị chặt phá chỉ còn trơ lại gốc.

Ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng công nhận, hơn 137 héc-ta rừng ở Hải Thiện do dự án 661 hợp đồng với người dân để trồng, chăm sóc và bảo vệ. Đến năm 2007, rừng này được chuyển sang rừng sản xuất nên chủ rừng không còn là nhóm 5 hộ này nữa. Lẽ ra phòng chức năng và UBND huyện làm thủ tục bàn giao rừng này cho xã Hải Thiện quản lý. Nhưng chưa làm thì rừng đã bị người dân chặt trụi.

Rừng nằm trong tình trạng bị vô chủ 7 năm liền. Và, nó mãi mãi không còn có chủ, bởi đã bị đốn hạ sạch. Hơn ai hết, Phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng, đơn vị tham mưu, đề xuất chính cho UBND huyện trong chuyển đổi, quản lý và giao đất, giao rừng cho người dân, cùng UBND huyện này biết rõ hậu quả của sự chậm trễ của mình. Bảo vệ được rừng thì trước hết phải bảo vệ được lòng dân!

Phan Thanh Bình
.
.
.