Mùa xuân đến ở Trại Tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa:

Rộng mở con đường hoàn lương

Thứ Tư, 10/02/2010, 14:40
Chiều cuối năm ấm áp. Cây đào bích trước sân của Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa buông sắc đỏ tươi, lấp lánh một góc trời. Bước qua tấm cửa sắt của khu giam giữ, tôi vào bên trong. Giữa hai dãy nhà giam là những luống rau xanh mướt. Vườn rau trên là thành tích lao động của các phạm nhân và cũng dùng để đa dạng hóa bữa ăn cho chính họ.

Ở khu sân chung, không khí đang rất náo nhiệt bởi trận bóng chuyền giữa hai đội đều là phạm nhân.  Thượng tá Nguyễn Văn Nở, Giám thị cho biết: "Các ngày Tết, chúng tôi sẽ tổ chức cho các phạm nhân thi đấu thể thao nên tranh thủ giờ nghỉ, anh chị em đang tích cực luyện tập".

Được biết, tổ chức cho các can, phạm nhân thi đấu thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ là một trong những hoạt động của Trại tạm giam Thanh Hóa. Ở các sân chơi này, phạm nhân cảm thấy họ thực sự được sống với chính mình từ đó càng thêm quyết tâm làm lại cuộc đời. Trong các phòng giam, mọi người đang tranh thủ gấp hoa trang trí phòng để đón Tết. Ai cũng muốn phòng giam của mình đẹp, sạch sẽ, ấm cúng để sang năm mới có thêm sức khỏe, quyết tâm về với cuộc đời.

Ngoài việc tổ chức cho can phạm nhân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao thì công tác hậu cần cũng được quan tâm sát sao. Thượng tá Nguyễn Văn Nở cho biết: "Hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, Trại đều đảm bảo  tiêu chuẩn ăn Tết cho can  phạm nhân theo đúng quy định của Nhà nước. Phạm nhân được hưởng chế độ lương thực, thực phẩm gấp 5 lần ngày thường. Riêng những phạm nhân gia đình ở xa, không có thân nhân hoặc phạm nhân là người dân tộc, miền núi được tăng thêm một xuất trong khẩu phần Tết. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức thu hoạch rau màu, nấu bánh chưng… tạo không khí Tết dân tộc trong toàn thể can, phạm nhân".

Khác với không khí náo nhiệt ngoài sân, khu giam giữ phạm nhân trọng án yên tĩnh hơn, nhất là khu giam các tử tù... Tử tù Sồng Văn Chứ (37 tuổi, trú ở bản Pá Hộc, xã Pù Nhi, Mường Lát, Thanh Hóa) chân thật: "Ở đây, tôi được ăn cơm no, được ăn thịt, cá. Ở nhà có khi mấy tháng chả có miếng thịt nào". Rồi Chứ như dịu xuống: "Vợ không đến cũng buồn nhưng các cán bộ tốt lắm, Tết nào cũng cho bánh chưng, kẹo, thịt cá nữa. Ngon lắm. Ở nhà không có những thứ đó đâu...".

Tôi hỏi: "Anh có biết lúc Giao thừa đến không? Lúc đó anh thường làm gì?". Sồng Văn Chứ ngước lên: "Tôi biết chứ, tôi nghe lời chúc Tết của ông Chủ tịch nước qua đài truyền thanh của Trại. Sau khi ông chúc xong, tôi nói to ông hãy ân xá cho cháu, cháu biết tội rồi. Tôi nói thế hi vọng  ông Chủ tịch nước nghe thấy, tha tội cho tôi…". Biết đã đến giờ phải quay lại phòng giam, Chứ bảo: "Nếu cán bộ lên bản gặp vợ cháu, bảo nuôi con cho tốt, cho chúng nó đi học, ai nhờ mua ma túy đừng nghe, bảo cả những người ở bản nữa, đừng đi ma túy mà chết đấy"…

Để đảm bảo cho các can, phạm nhân đón Tết vui vẻ, an toàn, trong những ngày trước, trong và sau Tết, cán bộ, chiến sỹ Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa đã phải làm thêm giờ, tăng ca trực. Thượng tá Nở cho biết: "Chúng tôi tăng cường lực lượng để đón tiếp, tạo điều kiện tối đa cho các gia đình phạm nhân đến thăm nuôi, tiếp tế, qua đó để chính gia đình phạm nhân động viên họ cải tạo tốt hơn... Chính vì vậy, việc đón Tết của anh chị em cán bộ, quản giáo bao giờ cũng muộn".

Chúng tôi rời Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa khi ánh đèn đã sáng từ lâu. Trong các phòng giam, tiếng hát, tiếng cười của phạm nhân vang lên rộn rã. Tết đã đến rất gần. Ngoài kia, con đường mới mở trước cổng Trại cũng đã hoàn tất. Nó bằng phẳng, rộng rãi như chính con đường hoàn lương của các phạm nhân đang cải tạo ở nơi này…

Phương Thủy
.
.
.