Rét kéo dài: Nhiều trẻ em, người già mắc bệnh

Thứ Sáu, 15/02/2008, 10:47
Thời tiết giá lạnh kéo dài khiến nhiều bệnh nhân phải nhập viện, bị bệnh nặng hơn ngay cả trong những ngày Tết. Trong đó, nổi lên các bệnh như hô hấp, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp… và gia tăng những tai nạn đáng tiếc do sưởi ấm.

Người già và trẻ em vẫn là hai đối tượng dễ bị mắc bệnh nhất. Các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo phòng bệnh và đảm bảo sức khoẻ trong khi du xuân.

Nhiều trẻ bị bệnh hô hấp

Trong dịp Tết Mậu Tý, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 2040 lượt bệnh nhân tới khám bệnh. Trong số đó, có 350 trẻ phải nhập viện, 38 trẻ cấp cứu tai nạn, 30 trẻ bị tai nạn sinh hoạt, 11 trẻ đã tử vong.

Hiện giờ, số bệnh nhân nội trú đã lên tới gần 600 trên tổng số 600 giường bệnh của bệnh viện. Số bệnh nhân khám từ ngày 12/2, tức Mùng 6 Tết Mậu Tý đến nay là khoảng 1.000 trẻ/ngày - gần với mức khám bệnh bình thường của bệnh viện.

Khoa Sơ sinh có tỷ lệ bệnh nhân nội trú cao nhất với 95 trẻ/35 giường bệnh, tiếp đó là các Khoa Hô hấp với 61 trẻ. Khoa Truyền nhiễm 43 trẻ. Khoa Hồi sức tích cực vẫn tiếp tục theo dõi 23 trẻ có diễn biến bệnh rất nặng với 20 giường bệnh.

Bác sỹ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Tết năm nay, số bệnh nhi vào viện đã tăng hơn so với cùng thời điểm năm ngoái. Nhiều khoa trong dịp Tết vẫn trong tình trạng giường kín bệnh nhân, thậm chí còn quá tải. Phần lớn bệnh nhi vào viện mắc các bệnh về hô hấp, đặc biệt đa số trẻ đều dưới 1 tuổi, tiếp đó là các bệnh tiêu chảy do rối loạn tiêu hoá, ăn uống, siêu vi trùng hoặc vi trùng…

Bác sỹ Nguyễn Văn Lộc cho biết, thời tiết giá lạnh đột ngột và kéo dài hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện. Đề nghị việc đưa ra ngoài trời lạnh, đi trẻ xa, tốc độ lớn, thời gian kéo dài trong khi không giữ đủ ấm cho trẻ là điều cực kì nguy hiểm. Trẻ có thể bị tử vong đột ngột do bị gió tạt và quá lạnh.

Do đó, đối với cả trẻ lớn và trẻ nhỏ, trong thời tiết giá lạnh sắp tới, nên hạn chế tối đa đưa trẻ ra ngoài du xuân. Do nếu không được giữ ấm, trẻ sơ sinh có thể bị phù cứng bì - bệnh hiện chưa có thuốc điều trị với tỷ lệ tử vong rất cao.

Tốt nhất nên dùng điều hoà nhiệt độ trong phòng. Nếu không có điều kiện, có thể giữ ấm cho trẻ bằng cách đơn giản như dùng chai nước nóng, than hoa để ở xa để đảm bảo không khí thông thoáng. Tuyệt đối không nên đốt củi hoặc dùng than tổ ong sưởi ấm trong phòng, vì trẻ có thể bị ngộ độc khí.

Người già mắc bệnh viêm phổi, tăng huyết áp và tai biến mạch máu não

Từ đầu mùa rét tới nay, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, thường tiếp nhận 1.500 lượt bệnh nhân/ngày. Bệnh nhân chủ yếu là người già và trẻ em, tập trung ở các bệnh tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp. Số bệnh nhân chỉ giảm trong những ngày Tết Mậu Tý, hiện tại, bệnh nhân tới khám bệnh đang dần trở lại mức bình thường.

Tại Viện Lão khoa Trung ương, TS Đỗ Thị Khánh Hỷ - Phó Viện trưởng cho biết, trong thời gian này, 100% giường bệnh tại viện đã kín chỗ, chủ yếu là bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và viêm phổi. Đặc biệt, bệnh tai biến mạch máu não có biểu hiện tăng trong thời tiết giá rét. Trong những ngày giá rét gần đây, số bệnh nhân nhập viện điều trị vì tai biến tăng đáng kể (khoảng 25% - 30%).

Vào thời điểm rét đậm rét hại này, do sức đề kháng yếu, người già dễ bị các bệnh hô hấp nhất và thường có triệu chứng nặng nề hơn so với các lứa tuổi khác. Do đó, để phòng bệnh hô hấp, TS Đỗ Thị Khánh Hỷ đưa ra lời khuyên, ngoài việc giữ ấm cơ thể, người già cần ăn đủ chất, ăn đồ dễ tiêu và ăn, uống đồ ấm.

Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ làm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, các cụ nên chú ý đến sinh hoạt, từ bỏ thói quen ra ngoài trời tập thể dục vào sáng sớm và chỉ nên tập những động tác nhẹ nhàng trong phòng.

Ngộ độc khí tập thể do sưởi ấm

Trái với tình trạng nhiều bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do thời tiết nắng nóng vào dịp Tết Đinh Hợi, năm nay, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khá vắng vẻ. Tuy nhiên, từ đầu vụ rét, Trung tâm lại tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc khí trong khi sưởi ấm.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trong đợt lạnh kéo dài vừa qua, Trung tâm đã tiếp nhận gần chục ca ngộ độc do sử dụng than sưởi ấm. Đáng nói là bệnh nhân đến Trung tâm chỉ là những ca nặng, trên thực tế, số người bị ngộ độc do sưởi ấm có thể cao hơn rất nhiều, nhất là các vùng nông thôn.

Hầu hết các vụ ngộ độc đều xảy ra với cả gia đình hoặc 2-3 người và thường để lại hậu quả nặng nề. Nạn nhân hít thở khí độc sẽ dẫn đến thiếu thiếu oxy, gây tổn thương vỏ não, dẫn tới hôn mê, để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong, nếu không được cứu chữa kịp thời

Thanh Loan - Hà Trang
.
.
.