Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT):

Rau-củ-quả ngoại nhập khẩu vào Việt Nam vẫn an toàn để sử dụng

Thứ Năm, 14/08/2014, 10:14
Tại Việt Nam, theo số liệu kiểm tra và thống kê thì chỉ có 7-8% rau quả có dư lượng vượt mức cho phép - như vậy là vẫn còn nằm dưới mức của nhiều nước.

Với số lượng các loại nông sản, trái cây và rau củ nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều, việc kiểm soát, kiểm dịch chất lượng trước khi cho phép thông quan đang là mối lo ngại khi thời gian gần đây, hàng loạt mẫu nông sản nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) đều có dư lượng thuốc BVTV quá mức cho phép. Vậy, làm thế nào để kiểm soát chặt, ngăn không cho những sản phẩm gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng không bị “lọt lưới”, và việc xử lý các DN nhập khẩu vi phạm thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Hiện, nay, chúng ta đang áp dụng cơ chế hậu kiểm, tức là hàng nhập khẩu từ biên giới vẫn được phép thông quan rồi mới mang mẫu đi kiểm tra sau. Như vậy có phải đã vô tình tạo “kẽ hở” để những sản phẩm không an toàn “vào” sâu trong thị trường nội địa?

Ông Nguyễn Xuân Hồng: Hiện nay việc kiểm tra các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, bao gồm rau-củ-quả và nhiều loại nông sản khác đang được thực hiện theo nội dung của Thông tư 13 của Bộ NN&PTNT quy định. Nhiều người cũng tỏ ra quan ngại khi chúng ta đang quy định cơ chế kiểm tra sau. Nhưng đây là cách áp dụng giống như thông lệ quốc tế mà các nước đang nhập khẩu nông sản của Việt Nam cũng làm như vậy. Mặt khác, việc bắt buộc cho doanh nghiệp thông quan ngay khi chưa có kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm vì còn đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Bởi nếu chờ có kết quả sẽ làm hỏng lô hàng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có lô hàng đảm bảo, không có vi phạm và cũng để giảm thủ tục phiền hà và ách tắc cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV.

Phóng viên: Ông có thể cho biết cụ thể quy trình kiểm tra các loại rau, hoa quả trước khi cho phép thông quan?

Ông Nguyễn Xuân Hồng: Để được nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam, nước xuất khẩu phải gửi hồ sơ đăng ký tới cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là Cục Quản lý nông lâm thủy sản (có sự phối hợp của Cục Bảo vệ thực vật) để thẩm định hồ sơ – trong đó chúng tôi sẽ kiểm tra quy trình sản xuất của các loại nông sản được nhập khẩu vào Việt Nam như thế nào, các loại thuốc bảo quản, bảo vệ thực vật trong quá trình bảo quản, sơ chế là gì... Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể tổ chức đoàn đi kiểm tra tại gốc của nước có nông sản dự kiến nhập vào Việt Nam. Nếu hồ sơ có đủ điều kiện mới đưa vào danh sách được phép nhập khẩu vào Việt Nam. 

Với những hồ sơ hợp lệ, khi hàng vào tới cửa khẩu Việt Nam thì sẽ áp dụng quy định kiểm tra thông thường: các lô hàng được lấy mẫu với tần suất là 10% và kiểm tra hồ sơ tại cửa khẩu xem hàng có nằm trong danh sách nước được phép nhập vào Việt Nam. Đồng thời, các trạm kiểm dịch cũng sẽ kiểm tra ngoại quan về quy cách đóng gói, bảo quản. Nếu đảm bảo và hàng đang ở trường hợp chỉ phải kiểm tra thông thường thì sẽ được thông quan ngay mà không phải giữ lại. Các trạm kiểm dịch chỉ giữ mẫu để hậu kiểm. Những mẫu được giữ lại, khi kiểm tra mà an toàn thì các lô tiếp theo của chủ hàng và nguồn hàng đó vẫn tiếp tục được kiểm tra theo tần suất 10% như thông thường. Nhưng nếu mẫu giữ lại được phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức vượt ngưỡng cho phép (theo chuẩn quốc tế) và vi phạm các quy định an toàn thực phẩm của Việt Nam thì từ lô sau, nguồn hàng của chủ doanh nghiệp và lô hàng đó sẽ bị áp dụng chế độ kiểm tra chặt với hai mức: tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra lên 30% nhưng lô hàng phải giữ lại tại cửa khẩu để chờ kết quả kiểm tra trong vòng 10 ngày, doanh nghiệp phải tự bảo quản lô hàng. Nếu kết quả đạt yêu cầu thì cho thông quan. Nếu tiếp tục vi phạm thì phải trả lại lô hàng về nơi xuất khẩu và những lô sau của doanh nghiệp có vi phạm sẽ bị kiểm tra 100% lô hàng.   

Phóng viên: Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã phát hiện và công khai thông tin có tới 30% trái cây nhập khẩu có dư lượng thuốc trừ sâu. Tại sao quy trình kiểm tra đã chặt chẽ như vậy mà hàng không đảm bảo chất lượng vẫn xuất hiện nhiều trên thị trường?

Ông Nguyễn Xuân Hồng: Hiện nay ở các nước như EU, tỷ lệ rau quả có dư lượng là dưới 40%. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói là về mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cho phép trên rau-củ-quả và các nông sản nói chung mà Bộ Y tế đang quy định cũng như theo tiêu chuẩn của quốc tế là một cái ngưỡng được đưa ra và đảm bảo độ an toàn cao cho người sử dụng (có tính ngăn chặn từ xa). Điều đó cũng có thể được hiểu là, khi một lô hàng vi phạm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn được nêu ra thì chưa có nghĩa là đã ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng. Bởi mức nêu ra là rất nhỏ. Chỉ khi mẫu kiểm tra được phát hiện vượt quy định quá nhiều lần thì mới nguy hiểm và cơ quan chức năng mới phải đưa ra thông tin đại chúng và truy xuất lô hàng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Thậm chí sẽ công khai khuyến cáo cho người tiêu dùng tạm dừng tiêu thụ một loại trái cây nào đó được nhập từ một nước nào đó trong khoảng thời gian nào đó để truy xuất và thu hồi, tiêu hủy lô hàng. Chúng ta cũng cần phân biệt giữa hai khái niệm “lô hàng vi phạm an toàn thực phẩm” và “lô hàng mất an toàn thực phẩm”.

Nếu chúng ta chỉ nói tỷ lệ trái cây có 30% có dư lượng thuốc trừ sâu là chưa đầy đủ mà phải nói rõ là dư lượng đó có vượt mức cho phép hay không mới có ý nghĩa. Nếu không vượt ngưỡng cho phép thì sản phẩm đó vẫn an toàn. Trong số 40% rau quả có dư lượng ở EU thì cũng chỉ có trung bình 4% (năm 2014) là vượt ngưỡng tối đa cho phép. Hiện nay chỉ có Canada là nước có tỷ lệ vượt ngưỡng thấp nhất (1%), còn các nước trong khu vực của chúng ta như Thái Lan là 10%, Trung Quốc 8-12% tùy khu vực. Còn tại Việt Nam, theo số liệu kiểm tra và thống kê thì chỉ có 7-8% rau quả có dư lượng vượt mức cho phép - như vậy là vẫn còn nằm dưới mức của nhiều nước.

Phóng viên: Cảm ơn ông!

Ngọc Yến (ghi)
.
.
.