Rắc rối với việc một người có nhiều bằng lái

Thứ Năm, 11/10/2007, 15:35
Từ khi Nghị định 146 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thì cũng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng đối phó của đội ngũ lái xe. Một tài xế có thể có đến 2 hoặc 3 giấy phép lái xe để khi “tước cái này còn cái kia”.

Kể từ đầu tháng 10, Nghị định 146 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB) chính thức có hiệu lực và được áp dụng thay thế Nghị định 152 trước đây.

Mức xử phạt đã tăng cao cùng những chế tài kèm theo để tăng tính răn đe đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó có chế  tài "tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB có thời hạn và không thời hạn" đối với người điều khiển phương tiện vi phạm.

Những hành vi vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về pháp luật GTĐB 90 ngày trở lên, người điều khiển phương tiện sẽ còn bị buộc phải học, kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ trước khi nhận lại giấy phép lái xe.

Đối với hành vi vi phạm bị tước quyền sử dụng không thời hạn, thì phải sau thời gian 1 năm, người vi phạm mới được làm các thủ tục học và thi lấy giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB mới. Nhưng từ khi áp dụng quy định xử phạt mới này, đã bắt đầu xuất hiện tình trạng đối phó của đội ngũ lái xe. Một tài xế có thể có đến 2 hoặc 3 giấy phép lái xe để khi "tước cái này còn cái kia".

Hiện nay, mới chỉ có 2 thành phố là Hà Nội và TP HCM được Cục Đường bộ cho phép tuyển sinh đào tạo, cấp đổi, lên dấu giấy phép lái xe cho những đối tượng thuộc diện KT3. Còn lại, đối tượng có hồ sơ gốc ở tỉnh nào thì học, thi cấp đổi, lên dấu tại tỉnh đó.

Riêng giấy phép lái xe khách thì địa phương nào cấp bằng, người sử dụng phải trở về địa phương đó đổi. Nhưng do có những tỉnh, thành mỗi năm chỉ mở được một vài khóa đào tạo hoặc kỳ thi lên dấu khiến học viên phải chờ khá lâu, nhất là đối với giấy phép lái xe có dấu lớn thành ra nhiều lái xe vi phạm quá hạn không cấp đổi được.

Trước đây, ngành GTCC TP HCM cũng đã có thời gian nhận hồ sơ thi lên dấu hoặc cấp đổi cho các đối tượng chuyển hồ sơ từ các tỉnh, thành khác về nhưng đã bị ngành GTVT một số tỉnh phản ứng bằng lập luận: "Các anh biết gì về tính pháp lý, tính trung thực của hồ sơ gốc mà nhận cấp đổi?".

Trong chuyến công tác phía Nam gần đây, khi bàn về vấn đề quản lý hoạt động đào tạo, cấp giấy phép lái xe, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng đã khẳng định sẽ mở đối với hoạt động này. Có nghĩa là sắp tới, học viên có nhu cầu học, thi lấy giấy phép lái xe có thể đăng ký ở bất kỳ cơ sở đào tạo hoặc trung tâm sát hạch nào.

Tại Hội nghị của Cục Đường bộ vừa qua, vấn đề thay đổi mẫu giấy phép lái xe để chống làm giả cũng đã được tính đến. Theo đó, giấy phép lái xe được thay thế bằng thẻ nhựa, có mã vạch để quản lý và những lực lượng kiểm tra, xử phạt như CSGT, GTCC... sẽ được trang bị máy quét để phát hiện bằng lái giả. Nhưng vấn đề thiết lập hệ thống mạng trên cả nước để quản lý, chống việc một người có 2 hoặc 3 giấy phép lái xe thì cho đến nay vẫn chưa được triển khai.

Tin học hóa việc quản lý cấp giấy phép lái xe bằng hệ thống mạng chung cho cả nước để quản lý chặt chẽ là yêu cầu cần đặt ra hiện nay. Làm sao đảm bảo mỗi lái xe chỉ có một giấy phép thì quy định "tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tạm thời hoặc có thời hạn" mới phát huy được tác dụng.

Khi đó, việc dỡ bỏ rào cản ngăn sông cấm chợ trong đào tạo, cấp đổi giấy phép lái xe để vừa đáp ứng được nhu cầu của xã hội lại vừa có thể quản lý chặt chẽ về mặt Nhà nước cũng mới thực sự có hiệu quả

Đức Thắng
.
.
.