Rác "công sở": Không còn là chuyện nhỏ

Thứ Bảy, 06/10/2007, 14:45

Người ta cứ than phiền nhiều về rác, bởi "bói ra ma, quét nhà ra rác", nhưng quả thật chúng ta không cần phải quét cũng thấy lộ rõ những đống rác to tướng khi thì bên cạnh một Hồ Gươm trong xanh, phẳng lặng giữa trung tâm TP Hà Nội, khi thì bắt gặp ngay tại cổng một tòa nhà chung cư cao cấp hay trước một dinh biệt thự nguy nga khác, rồi giấy loại, vỏ chai tung hoành ở trước cổng một di tích cổ kính.

Quả là rác đang hiện hữu ngày càng gần hơn nữa với cuộc sống của chúng ta, nó được con người xả ra và tồn tại hiển nhiên như thể nó sinh ra để được trú ngụ bình yên tại những nơi đó. Đâu đâu cũng thấy rác, đâu đâu cũng thấy những người xả rác.

Vào những cơ quan Nhà nước, không có gì phải bất ngờ khi tận mắt chứng kiến những đống rác nằm nép bên cửa ra vào. Phòng làm việc của một nữ nhân viên chén cốc úa vàng, bàn làm việc cơ man giấy loại, vỏ kẹo. Rồi ở một cơ quan nọ, hành lang biến thành bếp, phòng làm việc biến thành nhà ăn, cứ khoảng 11h trưa thì không biết có đến bao nhiêu thứ mùi tỏa khắp cơ quan làm việc, mùi mắm tôm, mùi cá đồng, mùi khói...

Tôi đã từng chứng kiến cảnh cứ đến 11h, khi các "bếp ăn" phát huy hết công suất, trong khi mọi người đang hăng say làm việc trên những bàn máy tính thì tự nhiên dòng điện bị ngắt. Kiểm tra mới biết, do nấu nướng tiêu thụ điện năng quá lớn nên các attomat tự động tự ngắt điện.

Vậy là trong buổi sáng hôm đó, có những nhân viên do quá hăng say làm việc chưa kịp lưu văn bản, coi như mất trắng toàn bộ dữ liệu. Nhìn căn phòng bừa bộn, đầy thức ăn, mắm muối, rác bẩn,... thử hỏi những chủ nhân của những cơ quan đó liệu có được những người khách đến làm việc tôn trọng không?

Trong một lần đi du lịch cùng với một số cán bộ ở một viện nghiên cứu lớn ở Hà Nội, hầu hết những người tham gia lần đó có học vị tiến sĩ và thạc sĩ, mọi người trên đoàn tàu đang chăm chú ngắm nhìn cánh đồng phẳng lặng xanh ngắt thì đột nhiên cả toa tàu đều ngỡ ngàng về những vỏ bánh gai, vỏ cam, quýt rơi lả tả từ trên tay Tiến sĩ TTH xuống vệ đường. Tiếp đến lại thấy tiếng "phụp", một chiếc vỏ chai nước suối từ tay nghiên cứu sinh PLH. Thấy thế một cụ bà quê ở một huyện miền núi Nghệ An vừa ra thăm cháu ở Thủ đô về nhắc nhẹ: "Anh ơi, lúc nữa nếu còn chai đó cho tôi xin nhé, chứ ném xuống thế nhỡ trúng vào đầu ai thì sao". Nghe cụ nói thế, gương mặt của mấy vị cán bộ bỗng nhiên biến sắc, dường như cảm giác xấu hổ đang ngập tràn trong họ.

Không chỉ những người lớn tuổi vốn đã bị thói quen xấu đó ăn sâu tận gốc rễ mà còn phải kể đến thế hệ trẻ. Tại Trường Đại học S ở Hà Nội, trong đợt cuối tháng 8 khi đưa con đi nhập học, nhiều bậc phụ huynh từ quê ra khi vào khu vệ sinh của các trường đại học văn minh đã không thể chịu nổi bởi những thứ mùi trong đó đã chạy vội. Cho nên những dòng chữ "Vệ sinh xong nhớ xả nước, không được vứt giấy bừa bãi" trong những khu vệ sinh hiện đại bao giờ mới được dỡ bỏ?

Rồi nhìn về phía sân trường, nhiều bậc phụ huynh còn chứng kiến cảnh nhiều sinh viên có thói quen lót giấy để ngồi chơi nơi sân trường, khi họ đứng lên đã bỏ giấy lại làm cho sân trường trắng xóa bởi những tờ giấy loại.

Để xã hội được văn minh, để môi trường trong sạch, cần hơn sự ý thức của cả một cộng đồng, nhất là những người được coi là có học thức trong xã hội, để trí thức đồng nghĩa với văn minh

Hoàng Ly
.
.
.