Quyết tâm cải cách cơ bản, sâu rộng nền tư pháp nước ta

Thứ Sáu, 17/02/2006, 07:38
Trong hai ngày 15 và 16/2, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW và triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp.

Đến dự Hội nghị có đồng chí Trần Đức Lương, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP); đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, thành viên Ban chỉ đạo CCTP; đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Nội chính TW, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP.

Tới dự Hội nghị còn có các đồng chí: Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy CATW, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Yểu, Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; các đồng chí Bí thư (hoặc Phó Bí thư),  lãnh đạo Ban Nội chính tỉnh, Thành ủy, Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Sở Tư pháp, Hội Luật gia 64 tỉnh, thành phố trong cả nước…

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã nêu rõ thực tiễn đất nước ta đặt ra những nhu cầu cải cách tư pháp sâu rộng; phải làm lâu dài, một cách cơ bản.

Do vậy, ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW "Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020". Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là sự kế thừa, phát triển lên một tầm cao mới Nghị quyết 08-NQ/TW thể hiện quyết tâm sâu sắc của Đảng ta cải cách cơ bản, sâu rộng nền tư pháp nước ta. Hiện nay, đội ngũ cán bộ tư pháp đã được bổ sung cả về số lượng và năng lực trình độ; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án ngày càng tăng cao, số các vụ án oan đã giảm rõ rệt. Chiến lược cải cách tư pháp sẽ tiến hành lâu dài với những bước đi phù hợp theo lộ trình sát thực tiễn đất nước...

Chất lượng công tác tư pháp trong những năm qua ở các khâu từ điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động bổ trợ tư pháp có chuyển biến rõ nét. Công tác giải quyết án trọng điểm và đấu tranh chống tội phạm đã đạt kết quả tốt, nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng đã được chỉ đạo giải quyết và xử lý nghiêm minh…

Bộ Công an phối hợp với cơ quan hữu quan hoàn thiện đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra thuộc CAND, QĐND và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Bộ Công an phối hợp với các cơ quan hữu quan chỉ đạo phát hiện và điều tra, truy tố, xét xử thành công nhiều vụ án trọng điểm. Từ thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đã đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến công tác tư pháp.
Hội nghị cũng đã nghe trình bày Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và trọng tâm công tác năm 2006.

Trong buổi chiều ngày 15 và ngày 16, đã có rất nhiều ý kiến tham luận tại Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cho rằng, "đầu vào" của tội phạm đang có nguy cơ gia tăng, tình trạng suy thoái đạo đức, tạo điều kiện nảy sinh tội phạm cũng đang có chiều hướng phức tạp. Việc khiếu kiện, tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động ngày càng phức tạp, đặc biệt trong điều kiện nước ta đang mở rộng hội nhập quốc tế cũng là áp lực lớn. Mục tiêu của cải cách tư pháp là để lành mạnh xã hội, thế nên chỉ các cơ quan tư pháp làm thì chưa đủ. Việc mở rộng tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua các tổ chức xã hội để giảm tội phạm là việc làm rất cần thiết...

Chiều 16/2, phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương khẳng định: Nghị quyết 08-NQ/TW về cơ bản giải quyết được những vấn đề bức xúc của công tác tư pháp, khởi động cho công cuộc cải cách toàn diện nền tư pháp nước nhà. Để triển khai thực hiện tốt Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chủ tịch nước Trần Đức Lương yêu cầu quán triệt một số nội dung cơ bản như, cần chú trọng tới trọng tâm của hoạt động tư pháp là hoạt động xét xử, với mục đích cuối cùng là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Bên cạnh việc tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, cần tiếp tục đề cao vai trò và hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, các đoàn thể và nhân dân. Điều quan trọng là chúng ta cần phải đồng tâm, tập trung cao độ trí lực để tìm ra phương thức giải quyết phù hợp, vì lợi ích toàn cục. Cần khẳng định rằng, một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực cao sẽ giữ vững ổn định chính trị - xã hội; qua đó hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và của đất nước…

Tại Hội nghị này, Chủ tịch nước đã trao Huân chương Hồ Chí Minh của Đảng và Nhà nước cho Ban Nội chính TW nhân 40 năm Ngày thành lập

P.V.
.
.
.