Tự truyện “Nẻo về” của doanh nhân Lê Trung Tuấn:

“Quyết chiến với ma túy, sứ mệnh của tôi!”

Thứ Sáu, 06/12/2013, 13:48
Một học viên của Trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên đã khóc, người học viên ngồi cạnh cất tiếng gọi “Mẹ” khi Lê Trung Tuấn trình chiếu những hình ảnh đầu tiên của tác phẩm “Nẻo về” trên màn hình lớn. Buổi giao lưu tặng sách có một không hai, những tâm tư tình cảm, những khủng khiếp rõng rã 6 năm trời cai nghiện ma túy của chính doanh nhân Lê Trung Tuấn, những dùng dằng đau đớn, những quyết tâm buông bỏ thứ bột trắng chết người được anh giãi bày trong không gian ngập tràn ánh nến.

Hai trăm con mắt nhìn anh, người khóc, người cười, người day dứt, người hi vọng… Nhưng những ánh mắt ấy đã khẳng định một điều: Cuộc chiến đánh bại ma túy mà doanh nhân Lê Trung Tuấn đeo đuổi, đang có những bước đi đúng hướng...

Lê Trung Tuấn nói với tôi, không phải ngẫu nhiên xã hội dùng từ “con nghiện” để nói về những người mê muội gắn cuộc đời mình với “nàng tiên nâu”. Cũng là sai sót khi nói về ma túy như một nàng tiên, trước đây cũng vì nghĩ rằng gói bột trắng nhỏ xíu ấy chỉ đơn giản sẽ đưa mình lên mây thoáng chốc, mà doanh nhân Lê Trung Tuấn đã phí phạm 4.685 ngày, đêm của cuộc đời mình trong địa ngục. Ma túy, thứ thuốc độc, thứ hủy diệt toàn bộ phần người, thứ biến con người đẹp đẽ thành “con nghiện” sẽ phá hủy tất cả, dù con người có thoát khỏi nó cũng trở nên thân tàn ma dại.

Cai nghiện không biết bao nhiêu lần, toàn bộ cuốn sách là những ngày tháng dài đằng đẵng trong cuộc đấu tranh mà Lê Trung Tuấn khẳng định rằng: “một mất, một còn” với ma túy. Người mẹ của anh, người cha của anh, anh chị em, cậu mợ anh, kể cả người vợ đã bỏ anh đi, xô ngã mẹ anh để dứt bỏ thứ ma túy chết người. Tất cả chính là trải nghiệm khủng khiếp của Tuấn, để khi chắp bút viết nên những dòng đầu tiên của cuốn sách, viết liên tục hai ngày không ngủ, rồi ngủ liên tục 16 tiếng đồng hồ để mơ lại những cơn ác mộng ấy, Tuấn mong ước cuộc đời của mình chính là bài học, là sức mạnh cho những ai đã, đang và lỡ sẽ dính vào ma túy.  

Doanh nhân Lê Trung Tuấn.

Lê Trung Tuấn là tấm gương, là một trong số rất hiếm hoi những con người hoàn lương từ nghiện ngập, trộm cắp,… tội lỗi. Anh đi từ ân hận, day dứt, đau đớn… cả tủi nhục, biến tất cả hơn 6 năm trời bị ma túy đọa đày thành nỗi hận thù không đội trời chung với ma túy, thành quyết tâm dứt bỏ thứ bột trắng chết người đó, trở thành một đảng viên, một doanh nhân thành đạt, một người đóng góp rất nhiều cho xã hội.

Những nét mới nhất của tự truyện “Nẻo về” sẽ được tác giả Lê Trung Tuấn hoàn tất trong lần thứ hai tái bản. Những câu chuyện khủng khiếp hơn rất nhiều lần hình ảnh một con nghiện nặng 38 cân cởi trần đào “địa đạo hình chữ L” xung quanh căn nhà đã bán hết đồ đạc vào ma túy, đau đớn hơn cả cảnh người cha của anh cúi gằm mặt trong những cuộc họp cựu chiến binh.

Đối tượng mà Lê Trung Tuấn muốn tuyên truyền đến, chính là những bạn trẻ, những thanh thiếu niên bắt đầu chập chững bước vào đời. Anh mong rằng họ sẽ không ngông cuồng như anh, không bỏ phí cuộc đời mình trong ma túy, trong viễn cảnh giả tạo mà ma túy mang đến. Bằng trải nghiệm kinh hoàng của cuộc đời, anh hiểu hơn ai hết con đường về nẻo thiện dường như không thể nào vượt qua, khó khăn và đầy rẫy chông gai mà những người lầm lỡ phải vật lộn, phải đứng giữa sự sống và cái chết.

Tác phẩm “Nẻo về”.

Nhà văn Chu Lai khi đọc tự truyện “Nẻo về” của Lê Trung Tuấn đã nói rằng: “Cả cuốn sách là sự giằng giật quyết liệt đến ngạt thở mà người đọc yếu đuối sẽ không dám giở tiếp những phần sau. Bởi nó ghê rợn quá, hiểm ác quá, đau buồn quá. Tức là cuốn sách thỏa mãn người tiếp cận với nó trên cả hai phương diện dữ dội, lặng chìm. Cuốn sách bản thân nó đã chứa đựng sức nặng của một cuốn tiểu thuyết bổ ích mang tính nhân văn, mặc dù nó vẫn có nhiều đoạn vụng về, thô ráp, mang tính nghiệp dư nhưng một khi đã tiếp xúc với nó, không ai không cảm thấy có chút giật mình, lo lắng, thậm chí sợ hãi. Nhưng sau đó là yêu tin con người, yêu tin cuộc đời hơn. Một hoài niệm tử tế được viết ra bằng khổ đau, máu và nước mắt”

Cẩm Huyền
.
.
.