Quyền lợi của hơn 1.500 công nhân công ty Hà Phong được giải quyết như thế nào?

Thứ Năm, 11/04/2013, 19:56
Theo luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc - Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong vụ cháy vừa xảy ra tại Công ty Hà Phong, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định vụ cháy này là trường hợp “bất khả kháng” thì Công ty sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
>> Vụ cháy ở Bắc Giang: Nhà xe chỉ độc đạo lối vào nhỏ hẹp!

Quy định của pháp luật về việc giải quyết quyền lợi về tài sản, lương và việc làm của khoảng 1.500 công nhân bị thiệt hại sau vụ cháy kinh hoàng tại Công ty May Hà Phong (Hiệp Hòa, Bắc Giang) là chủ đề đang được bạn đọc quan tâm. Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) xung quanh quy định của pháp luật để giải quyết quyền lợi của 1.500 công nhân bị thiệt hại nặng do vụ cháy nói trên.

- Hậu quả của vụ cháy tại Công ty May Hà Phong (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) gây thiệt hại nặng nề về tài sản của cả chủ doanh nghiệp và công nhân. Phần thiệt hại do cháy khoảng 1.500 chiếc xe máy của công nhân tại Công ty May Hà Phong thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường, thưa luật sư?

- Luật sư Phạm Thanh Bình: Để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này cần xem xét hình thức trông giữ xe của công nhân mà Công ty Hà Phong đã thực hiện. Nếu Công ty nhận và quản lý xe của công nhân thông qua hình thức vé ngày, vé tháng hoặc thông qua việc phân khu để xe máy cho công nhân, có bảo vệ trông coi… thì giữa Công ty và công nhân gửi xe đã hình thành một Hợp đồng gửi giữ tài sản (xe). Theo quy định tại khoản 4, Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: “Bên giữ tài sản có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 561 Bộ luật Dân sự cũng quy định: “Bên gửi giữ tài sản có các quyền sau đây: Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.

Về trường hợp bất khả kháng, Điều 161 Bộ luật Dân sự quy định như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Do đó, trong vụ cháy vừa xảy ra tại Công ty Hà Phong, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định vụ cháy này là trường hợp “bất khả kháng” thì Công ty sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

- Trong vụ cháy xe, nếu chủ sử dụng xe (công nhân) có mua bảo hiểm thì có được đền bù không?

- Luật sư Phạm Thanh Bình: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì bảo hiểm xe máy gồm các loại hình sau: Bảo hiểm vật chất môtô, xe máy: Nếu chủ sử dụng xe máy mua loại bảo hiểm này thì sẽ được bồi thường những thiệt hại về vật chất của xe gây ra do tai nạn, cháy nổ, trộm cắp và các tai họa tự nhiên như lũ lụt, động đất...; bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe; bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe. Như vậy, nếu chủ sử dụng xe máy mua loại bảo hiểm vật chất môtô, xe máy thì cơ quan bảo hiểm mới phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định chung.

- Trong thời gian Công ty May Hà Phong chưa kịp khắc phục hậu quả của vụ cháy để hoạt động bình thường trở lại thì vấn đề trả lương và việc làm của công nhân được giải quyết thế nào?

- Luật sư Phạm Thanh Bình: Vấn đề trả lương và bố trí việc làm cho công nhân trong thời gian chờ việc làm do Công ty tiến hành các hoạt động khắc phục hậu quả được giải quyết theo Điều 34 Bộ luật Lao động và Điều 9 Nghị định 44/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì hực hiện theo khoản 1, Điều 38 Bộ luật Lao động.

Việc trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại khoản 1, Điều 14 Nghị định số: 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003, mức trợ cấp được quy định tại khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Lao động. Còn trường hợp phải ngừng việc đối với người lao động thì căn cứ khoản 3, Điều 62 Bộ luật Lao động để thi hành. Ngoài ra, do điều kiện thực tế công ty hoặc các cơ quan, đơn vị hữu quan bố trí công nhân có việc làm cùng nghề hoặc nghề khác nhưng phù hợp với trình độ, nguyện vọng của công nhân thì được pháp luật khuyến khích.

- Xin cảm ơn luật sư Phạm Thanh Bình!

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.