Quý tử đánh mẹ “thập tử nhất sinh”

Thứ Ba, 03/04/2012, 09:28
Đi uống rượu về đến nhà thấy mẹ ngồi lất ngất, cơm không nấu, nhìn lồng chim không còn con nào, Nguyễn Văn Xuân nổi máu điên, chửi bới, bắt mẹ ngồi bệt xuống đất rồi vơ lấy cây điếu cày phang tới tấp vào người bà cụ.

Từ nát rượu trở thành kẻ bất hiếu

Trưa 25/3, tại thôn An Khang, xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, xảy ra sự việc Nguyễn Văn Xuân, 42 tuổi đánh đập gây thương tích đối với mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Tung. Những người dân chứng kiến sự việc cho biết: Ngày hôm đó, Xuân đi xây mộ từ thiện cùng mấy anh em trong làng và ăn bữa cơm cảm ơn. Về đến nhà thấy mẹ ngôi lất ngất, cơm không nấu, nhìn lồng chim không còn con nào. Quay lại hỏi mẹ, Xuân được thông báo chim xổng hết rồi. Không hiểu 3 con chim kia quý giá đến mức nào, Xuân bỗng trở nên điên khùng như một con thú. Xuân chửi bới, bắt mẹ ngồi bệt xuống đất rồi vơ lấy cây điếu càng phang tới tấp vào người bà cụ.

Sau khi cưới vợ, Nguyễn Văn Xuân không ở chung với mẹ mà ra ở riêng. Sinh liền 3 đứa con khiến cuộc sống vốn đã chật vật càng thêm túng quẫn. Tuy là trụ cột trong gia đình nhưng Xuân không chịu làm ăn mà chỉ lao đầu vào rượu chè. Sau này Xuân bị tai nạn suýt mất mạng, từ đó sức khỏe yếu hơn, Xuân càng thêm lười nhác.

Không thể bấu vào vợ nữa, Xuân lại quay về sống “trầm gửi” mẹ của mình. Tưởng rằng, Xuân về có mẹ có con đỡ đần nhau lúc đêm hôm, đau ốm. Nhưng bản tính vốn nghiện rượu, hai mẹ con chỉ sống với nhau được vài ngày đầu yên ổn vì thời gian đầu bà Tung còn cho tiền mua rượu. Về sau thấy con trai không chịu làm ăn nên bà Tung không cho nữa để cho con trai bớt dựa dẫm và tự đi làm để kiếm sống. Xuân bắt đầu chửi bới vì không có tiền mua rượu. Xuân còn giở thói trộm cắp, thấy bà Xuân hở ra đồng nào là Xuân lấy trộm mang đi uống rượu.

Sau nhiều lần mất, bà Tung đã cảnh giác và cất kỹ hơn thì Xuân giở thói côn đồ “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với mẹ. Cuối cùng thì dùng cả xích trói chân mẹ vào giường, vác cả ống điếu phang mẹ đẻ.

Bà Tung sau khi xuất viện.

Nhớ lại việc xảy ra ngày hôm đó, em Nguyễn Bá Toàn, người chứng kiến sự việc chưa hết bàng hoàng: “Lúc em đến bà Tung đang ngồi bệt dưới nền nhà, đầu gục xuống, tóc tai rũ rượi và nhiều vết máu. Còn chú Xuân lăm lăm điếu cày trên tay”.

Hành hạ mẹ như cơm bữa

Cụ Nguyễn Bá Hoành, bố đẻ của bà Tung đã 95 tuổi song vẫn còn minh mẫn kể lại sự việc. “Còn gì khổ hơn, một bà cụ 71 tuổi, chân yếu, mắt mờ nhưng vẫn phải nuôi ông con trai 40 tuổi bằng đồng lương trợ cấp ít ỏi, lại còn bị con đánh đập hàng ngày” - cụ Hoành buồn rầu.

Từ khi về ở với mẹ, hết lần này đến lần khác, Xuân gây sự hành hạ mẹ. Hôm nào có rượu là nhà cửa lại ầm ĩ tiếng cãi vã, quát mắng. Hết chửi mắng thì đánh đập. Những vết bầm tím ở hai bên mắt, má, cổ cứ chồng chéo lên nhau, vết cũ chưa kịp lành thì cú đấm mới lại chồng lên. “Tháng 30 ngày thì 10 - 15 ngày Xuân đánh bà Tung” – ông Sinh, người dân thôn An Khang bức xúc.

Đầu đuôi câu chuyện không có gì to tát, sống nhàn rỗi Xuân nảy ra ý tưởng nuôi chim cảnh. Mấy hôm trước, bắt được mấy con chim chào mào nhốt vào lồng. Con mèo thấy đàn chim thì nhảy bắt, lồng chim rơi xuống không biết chim xổng mất hay mèo ăn. Về nhà nghe mẹ nói mất hết chim thì Xuân nổi cơn thịnh nộ.

Mấy năm trước, có lần Xuân còn lấy dây xích trói chân bà Tung vào chân giường rồi đánh. Bà con đến giải cứu mới thoát ra. Công an xã vào bắt Xuân ra trụ sở ủy ban giáo dục trước cộng đồng. Nhiều lần bị bắt như vậy nhưng Xuân vẫn “chứng nào tật ấy”.

Ông Nguyễn Huy Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thạch cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã báo cáo lên Công an huyện Sông Lô. Ngay hôm sau (26/3) Công an huyện, cơ quan pháp y đã về địa phương làm việc. Xem xét tính chất vụ việc, anh Nguyễn Văn Xuân được đưa lên Công an huyện tạm giam. Hiện tại vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Cách đây gần 10 năm, ngày tôi còn làm Trưởng Công an xã, anh Xuân chủ yếu chửi mắng bà cụ, ít khi đánh đập, mấy năm gần đây bà Tung bị đánh nhiều hơn. Nhưng xã chỉ được giữ người theo thủ tục giờ hành chính, áp dụng biện pháp cao nhất là giáo dục tại cộng đồng dân cư rồi để anh ấy về. Có một lần cách đây mấy năm anh Xuân dùng dây xích trói bà Tung vào chân giường đánh. “Nhận được tin báo anh em chúng tôi kéo nhau vào nhà, đưa anh Xuân ra xã. Người bình thường thì dễ xử lý, nhưng ngày đó anh này có sổ thần kinh, hai mẹ con lại nát rượu như nhau nên rất khó xử lý” – ông Cần giải thích.

Nam Tiến
.
.
.