Quy trình an toàn tiêm chủng còn bị xem nhẹ

Thứ Bảy, 23/08/2008, 15:30

Tại các điểm tiêm chủng, nhiều phụ huynh và nhân viên y tế đều xem nhẹ hoặc không biết tới những khâu bắt buộc trong quy trình an toàn tiêm chủng như thăm khám cho trẻ trước tiêm, kiểm tra nhãn mác vaccin, giữ trẻ lại theo dõi 30 phút sau tiêm, hay tư vấn, hướng dẫn chăm sóc trẻ nếu có triệu chứng bất thường…

Mới đây, sự việc 8 bé sơ sinh bị suy hô hấp sau khi tiêm vaccin tại Cà Mau lại làm dấy lên trong dư luận mối lo lắng về an toàn tiêm chủng. Mặc dù Bộ Y tế vừa ban hành Quy định mới về sử dụng vaccin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị, thế nhưng dường như việc kiểm soát và nâng cao chất lượng an toàn trong tiêm chủng vẫn chỉ ở trên giấy tờ; khi mà tại các điểm tiêm chủng, nhiều phụ huynh và nhân viên y tế đều xem nhẹ hoặc không biết tới những khâu bắt buộc trong quy trình an toàn tiêm chủng như thăm khám cho trẻ trước tiêm, kiểm tra nhãn mác vaccin, giữ trẻ lại theo dõi 30 phút sau tiêm, hay tư vấn, hướng dẫn chăm sóc trẻ nếu có triệu chứng bất thường…

Nhân viên y tế ngại hỏi, bệnh nhân ngại nói

Quan sát tại một số điểm tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, rất nhiều phụ huynh vẫn rất thờ ơ với sự an toàn tiêm chủng của chính con em mình. Mặc dù quy trình an toàn tiêm chủng đã được dán trên tường, Quy định mới về sử dụng vaccin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị đã đi vào thực hiện hơn một tháng, nhưng ngay cả nhân viên y tế cũng khá dửng dưng với quy định mới này.

Chúng tôi nhận thấy, hai khâu bắt buộc rất quan trọng trong quy trình an toàn tiêm chủng là thăm khám sức khoẻ trẻ trước tiêm và theo dõi, tư vấn sau tiêm bị bỏ qua nhiều nhất. Hầu như nhân viên y tế không hỏi trẻ đang có bệnh lý, đang dùng thuốc gì hay không, chế độ ăn uống ra sao… mà nhanh chóng tiến hành tiêm cho trẻ.

Sau tiêm, dù đã có lời khuyên nên ở lại nơi tiêm ít nhất 30 phút để theo dõi và can thiệp kịp thời nếu có tai biến, cán bộ tiêm chủng tiếp tục hướng dẫn người nhà theo dõi ít nhất 24 giờ nữa. Tuy nhiên, hầu như phụ huynh nào vừa dứt mũi tiêm, khi trẻ vẫn còn khóc thét, đã bế thốc trẻ đi về và tuyệt nhiên không biết phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ trẻ ra sao.

Chị Trần Thuý Quỳnh, ở nhà D2, tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy tâm sự, chị rất ngại nói con vừa bị ho, bị sốt với cán bộ tiêm phòng, vì sợ họ gắt và sợ họ… tiêm đau cho con mình.

Lần trước, khi chị đưa cháu đi tiêm nhắc lại mũi DPT1, vừa tới nơi đã bị cô y tá mắng vì "tội" đi tiêm chậm, chị trình bày lý do cháu bị ốm vặt lai rai suốt 1 tháng, cô y tá vẫn dửng dưng không hỏi tiếp xem sức khoẻ cháu hiện ra sao. Sau khi tiêm, cô cũng chỉ nhắc nếu thấy sốt thì cho cháu uống thuốc hạ sốt và không dặn theo dõi gì thêm.

Ngay cả chúng tôi, khi đưa con đi tiêm phòng, có đề nghị được xem nhãn mác, hạn dùng, chất lượng của vaccin theo đúng quy trình an toàn tiêm chủng, thì nhân viên y tế tỏ vẻ khó chịu và nói: "Tiêm xong rồi cho vỏ mang về nhà, tha hồ xem?!".    

Quy định trên giấy

Quy trình an toàn tiêm chủng đã đề ra từ lâu, công tác tập huấn, nâng cao kỹ thuật tiêm chủng cho cán bộ y tế vẫn thường xuyên diễn ra, nhưng việc thực hiện vẫn chưa đi vào nề nếp, phải chăng là do thiếu sự giám sát chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên của ngành y tế.

Ông Đỗ Sĩ Hiển, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia luôn khẳng định: "Cán bộ tiêm chủng không được bỏ qua khâu khám phân loại. Vì nhờ khâu này, có thể phát hiện ra những trẻ có tiền sử dị ứng, trẻ có yếu tố bẩm sinh bất lợi, trẻ đang bị bệnh… để hoãn tiêm nếu cần. Nhờ đó, nguy cơ tai biến sau tiêm cũng giảm được đáng kể".

Theo ý kiến của chính một chuyên gia đang làm công tác quản lý tiêm chủng, sự chủ động cung cấp thông tin, thái độ kiên quyết của phụ huynh sẽ khiến nhân viên y tế có trách nhiệm hơn khi thực hiện các bước tiêm chủng an toàn. Nếu nhân viên y tế làm sai, rất cần phản ánh nghiêm túc với cơ quan họ công tác.

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã hoàn thành việc dán poster về quy định thực hành tiêm chủng cho cán bộ y tế tại tất cả các trạm y tế xã, phường trong cả nước, do đó, các bậc phụ huynh rất nên dành chút thời gian để đọc, thực hiện đúng và lên tiếng nếu thấy có sai phạm, vì quyền lợi sức khỏe của chính con em mình

Quy trình an toàn tiêm chủng

Trước khi tiêm chủng: Tư vấn cho gia đình/người được tiêm chủng: Tác dụng, lợi ích và những rủi ro gặp phải khi tiêm chủng phòng bệnh; khám để loại trừ những trường hợp có chống chỉ định trước khi tiêm chủng: kiểm tra nhiệt độ, hỏi tiền sử; kiểm tra vaccin, sinh phẩm y tế trước khi tiêm.

Trong khi tiêm chủng: Làm theo đúng chỉ định, chống chỉ định đối với từng loại vaccin, sinh phẩm y tế; thực hiện tiêm chủng theo quy định.

Sau khi tiêm chủng: Theo dõi tình trạng sức khỏe người được tiêm chủng tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng; hướng dẫn chăm sóc tại nhà; lưu vỏ lọ vaccin, sinh phẩm y tế, nước hồi chỉnh (nếu có), bơm kim tiêm đã sử dụng tối thiểu 14 ngày sau khi tiêm; cuối buổi tiêm chủng hủy tất cả các lọ vaccin, sinh phẩm y tế đã mở theo quy định, những lọ vaccin, sinh phẩm y tế chưa mở được tiếp tục bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn

PVKTXH
.
.
.