Quy mô giáo dục ĐH tăng nhanh, vượt quá năng lực

Thứ Tư, 07/04/2010, 10:41
Theo đánh giá của Đoàn giám sát của Quốc hội, hiện chất lượng đào tạo đang phải đứng trước một số thách thức: quy mô đào tạo vượt xa năng lực đào tạo, chất lượng tuyển sinh thấp, chương trình lạc hậu và chất lượng sinh viên tốt nghiệp còn quá yếu...

Theo báo cáo của Bộ GD & ĐT, từ năm 1987 đến năm 2009, số sinh viên (SV) cả nước tăng 13 lần, nhưng số giáo viên (GV) chỉ tăng 3 lần, do đó, tỉ lệ SV/GV quá cao so với quy định (năm học 2008 - 2009 là 28 SV/GV), nhiều trường còn ở mức 40SV/GV.

Tại các trường ngoài công lập, số GV cơ hữu thường rất thấp, chủ yếu là GV thỉnh giảng. Cá biệt có trường chỉ có 53 GV cơ hữu, nhưng GV thỉnh giảng là 375 (ĐH DL Đông Đô). Nhiều GV dạy tới 1.000 tiết/năm, trong khi quy định là 260 tiết/năm. Có những trường ngoài công lập trả lương cho GV cơ hữu theo giờ giảng và quan niệm GV dạy càng nhiều giờ càng tốt. Hiện nay, chỉ có 6.217 GV có trình độ tiến sĩ, chiếm 10,16%/tổng số GV, trong khi mục tiêu Bộ GD & ĐT đặt ra là phải có ít nhất 35% GV có trình độ tiến sĩ vào năm 2020.

Diện tích phòng học, giảng đường theo quy định là 6m2/SV, nhưng nhiều trường tỉ lệ này cực thấp. Chưa có trường nào đủ diện tích để bố trí chỗ làm việc cho GS, PGS và GV chính theo quy định.

Về chất lượng tuyển sinh, theo đánh giá của Đoàn giám sát, điều đáng buồn là phần lớn các trường ngoài công lập, trường "quốc tế" tuyển sinh với điểm chuẩn sát với điểm sàn, thậm chí có trường chỉ tuyển HS tốt nghiệp THPT có nguyện vọng vào trường. Hơn nữa, tốc độ tăng chỉ tiêu của một số trường ngoài công lập rất cao. Riêng năm 2009 đã có 32 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, điển hình là CĐ Cần Thơ vượt 88,64%, ĐH Phan Thiết vượt 91,73%; thậm chí có những trường tự tuyển thêm hàng trăm SV vào những ngành mà Bộ chưa cho phép mở, nhưng chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Một số trường ĐH mở nhiều cấp học, từ trung cấp đến Sau ĐH, trong khi Luật GD chỉ cho phép các trường ĐH đào tạo các cấp học từ CĐ trở lên. Đến nay, Bộ GD & ĐT chưa xử lý trường hợp nào.

Cũng theo Đoàn giám sát, việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình ở hầu hết các trường không mang tính chuyên nghiệp và ít được đầu tư. Trong 10 năm qua, đã có 347 lượt trường/355 lượt trường đăng ký được phép mở ngành đào tạo, nhưng việc mở ngành và cho phép tuyển sinh không bắt buộc phải kiểm tra thực tế, dẫn đến tình trạng các ngành mở ra không có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng. ĐHDL Đông Đô chỉ có 50 GV cơ hữu nhưng mở tới 15 ngành đào tạo. Có trường mở ngành võ thuật, nấu ăn, thời trang không phù hợp với trình độ đào tạo ĐH...

PV CAND đã ghi lại ý kiến của một số GS, nhà khoa học đóng góp ý kiến để khắc phục tình trạng trên.

GS Đỗ Trần Cát: Cần phải giảm quy mô đào tạo vì đã vượt quá khả năng thực tế của Việt Nam. Không thể căn cứ vào chỉ tiêu số SV/số dân của các nước phát triển hơn Việt Nam để đặt ra quy mô đào tạo. Chỉ tiêu này chỉ để tham khảo, nhằm đặt mức phấn đấu đạt được trong tương lai. Thêm nữa, theo tôi phải thực hiện nghiêm túc việc thi, kiểm tra các môn học của sinh viên và hằng năm, tiến hành thanh lọc sinh viên không đạt yêu cầu. Quốc hội cần chỉ đạo thực hiện khảo sát việc đáp ứng yêu cầu xã hội của sinh viên tốt nghiệp trong thời gian qua.

GS Nguyễn Ngọc Trân: Đột phá để giải quyết yếu kém của giáo dục đại học có ba việc cấp bách không thể lần lữa: thứ nhất là đổi mới nền nếp quản lý hành chính quan liêu, phân công phân cấp mạnh hơn cho các trường, Bộ chỉ quản lí ở tầm vĩ mô, coi trọng hiệu quả cuối cùng thay vì kiểm soát từng bước mọi hoạt động của các trường. Thứ hai là phải thể hiện sự đổi mới vào hệ thống văn bản pháp quy và kiểm soát thanh tra việc thực thi công khai và minh bạch. Thứ ba, ngành Giáo dục phải xây dựng bộ máy nhân sự trong sạch, có tâm và ngang tầm với sự nghiệp

Thu Phương
.
.
.