Quy định cấp độ cảnh báo bão -không thể chậm hơn

Chủ Nhật, 06/10/2013, 10:00
Bão Wutip (số 10) gây nhiều thiệt hại tới các tỉnh Bắc Trung bộ. Trung bình, mỗi năm Việt Nam chịu ảnh hưởng trên dưới 10 cơn bão, tuy nhiên điều ngạc nhiên là tới nay cơ quan khí tượng vẫn không quy định cụ thể cấp độ cảnh báo bão tương ứng 4 màu (ít nguy hiểm, nguy hiểm, rất nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm) như nhiều nước đang làm. Điều này khiến người dân không lường được sự nguy hiểm mỗi cơn bão ở từng khu vực, thời điểm khác nhau, dễ sinh tâm lý chủ quan, gánh chịu hậu quả nặng nề.

Chẳng hạn, tại Trung Quốc hiện áp dụng thang cảnh báo bão với 4 cấp, tương ứng 4 màu từ thấp tới cao là màu xanh (ít nguy hiểm), cam (nguy hiểm), vàng (rất nguy hiểm) và đỏ (đặc biệt nguy hiểm). Với sức gió lên đến 205km/giờ (cấp 17), bão Usagi vừa qua được xem là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng tới Trung Quốc từ đầu năm 2013 tới nay, do đó cơ quan cảnh báo bão nước này đã liên tục nâng mức cảnh báo từ xanh, da cam, tới mức cao nhất là đỏ (ngày 21/8, khi cơn bão đạt cường độ cấp 17 và trực hướng tới đất liền Trung Quốc).

Tại Philippines, đất nước được coi “bình phong” chắn bão với liều lượng 20 cơn bão mỗi năm cũng sử dụng các thang cảnh báo bão với từng mức nguy hiểm từ thấp đến cao, trong đó năm nào quốc gia này cũng hứng chịu những cơn bão cực mạnh (siêu bão cấp 16, 17) từ đại dương. Tại Mỹ và nhiều nước Tây bán cầu, thang cảnh báo bão cũng đã sử dụng từ lâu (cao nhất màu tím).

Cần thiết đưa ra thang cảnh báo bão thay cho thông báo chung chung như hiện nay.

Việc đưa ra các thang cảnh báo bão với từng sắc màu cụ thể như nêu trên giúp người dân định hình được sự nguy hiểm từng cơn bão để có ý thức đối phó. Trong khi đó, ở ta, cơn bão dù mạnh hay yếu cũng đều thực hiện các thao tác giống nhau: cấp có thẩm quyền ra công điện, các địa phương kiểm tra việc phòng, chống, di dân.

Phía cơ quan khí tượng thì bão mạnh hay yếu cũng đều nhận định là “diễn biến phức tạp, khó lường” khiến người dân không biết đâu mà lần. Đáng nói, nhiều cơn bão chỉ mạnh cấp 8, cấp 9, sức gió không lớn nhưng nhiều địa phương nghe tin “bão diễn biến phức tạp” cũng rốt ráo thực hiện việc sơ tán dân. Thực tế cho thấy, những cơn bão nhẹ, lượng mưa không lớn thì không nên sơ tán dân vì gây tốn kém, đồng thời khiến người dân “nhờn” việc cảnh báo khi cho rằng, chính quyền cứ thấy bão là sơ tán, dù bão nhẹ không gây nguy hiểm.

Tâm lý “nhờn” cảnh báo đó sẽ gây hậu quả lớn khi có bão mạnh đổ bộ, lúc đó tâm lý chủ quan phải trả giá. Thực tiễn bão số 10 vừa qua là bằng chứng, nhiều hộ dân khi bão qua mới ngán ngẩm “cứ tưởng bão như các năm trước, chỉ quét như gió Lào và chính quyền hò hét sơ tán để… lấy thành tích”.

Rõ ràng, việc cứ có bão, bất luận mạnh hay nhẹ mà áp dụng nguyên tắc như nhau: cảnh báo diễn biến phức tạp, ra công điện yêu cầu sơ tán dân, chủ động đối phó bão… đã quá lạc hậu, không còn phù hợp trong điều kiện quốc gia chịu nhiều hậu quả bão lũ như Việt Nam

Chúng ta cần nghiên cứu mô hình cảnh báo bão của các nước trong khu vực để áp dụng vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Theo đó, những cơn bão có khả năng đổ bộ vào đất liền, gây nguy hiểm mới đưa ra cảnh báo trên đất liền. Mức độ cảnh báo tùy sức mạnh cơn bão, chẳng hạn nếu đưa thang 4 cấp thì màu xanh ứng với bão cấp 8,9 (ít nguy hiểm), màu cam ứng với bão cấp 10, 11 (nguy hiểm), màu vàng ứng với bão cấp 12 (rất nguy hiểm), màu đỏ ứng với bão cấp 13 trở lên (đặc biệt nguy hiểm)… Khi có bão, việc đưa ra các thang cảnh báo bão, ứng mức độ báo động màu gì là người dân định hình để chủ động đối phó

Đăng Minh
.
.
.