Quy chế văn hóa công sở gây khó cho dân

Thứ Ba, 25/11/2008, 11:21
Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa nơi công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Theo quy chế này, các cơ quan hành chính Nhà nước không thu phí gửi phương tiện giao thông của người dân. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện, việc áp dụng một vài điều trong quy chế đang làm khó cho dân.

Không thu tiền thì không trông xe

Cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội nằm trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội hằng ngày có rất nhiều khách tới giao dịch, làm việc. Chị Nguyễn T.H. làm ở một doanh nghiệp Hà Nội thường xuyên phải qua đây làm thủ tục giấy tờ.

Khách đến giao dịch được để xe máy vào trong sân trụ sở, nhưng cơ quan này lại không có người ghi vé xe. Khách cứ tự để xe, khóa lại mà không cảm thấy yên tâm. Nếu chẳng may mất xe thì bắt đền ai?

Do lo giữ tài sản của mình, nên chị H. và nhiều người nữa chọn giải pháp gửi xe bên ngoài, chấp nhận trả tiền vé 3.000 đồng, cao hơn quy định của thành phố. Ngay cạnh cơ quan này có một con ngõ nhỏ là điểm trông xe của tư nhân. Tuy vậy, chị H. cũng chưa hoàn toàn yên tâm vì vé trông xe ở đây là vé tự tạo chứ không phải vé theo mẫu của ngành Thuế.

Chị H. cho rằng: "Thà cơ quan này cho người ghi vé, trông xe và thu tiền thì người đến giao dịch còn cảm thấy yên tâm, mà giá vé sẽ chỉ là 2.000 đồng theo đúng quy định. Chứ gửi xe như bây giờ thì chúng tôi cứ thấp thỏm lo mất xe, vì có biết người trông xe ở ngoài là ai...".

Cũng từ ngày có quy chế mới, người trông xe ở cổng UBND quận Hoàn Kiếm không ghi vé xe, không thu tiền. Khách đến làm việc lớ ngớ hỏi nơi để xe thì được hướng dẫn để trên vỉa hè phố Hàng Trống. Khách phải tự khóa xe cẩn thận nếu không muốn bị mất xe.

Phòng tiếp dân của ủy ban ở bên trong, khách cũng không thể vừa làm việc vừa ngó được nên đành phó mặc. Trước đây, xe máy để bên ngoài cổng UBND quận có thu tiền, nhưng bù lại thì được ghi vé hẳn hoi. Bởi vậy mà người dân hoàn toàn yên tâm khi vào bên trong làm việc.

Tại trụ sở UBND quận Hai Bà Trưng cũng vậy. Người dân đến làm thủ tục hành chính phải để xe máy trên vỉa hè phố Tô Hiến Thành. Cũng may, phòng tiếp dân giải quyết các thủ tục hành chính ở ngay mặt phố nên người dân có thể vừa làm việc, vừa trông xe.

Khi đoạn phố để trước cửa phòng này đã chật, khách đành phải để lan sang bên cạnh (vẫn thuộc đoạn vỉa hè của UBND quận), tuy nhiên lại rất khó nhìn xe. Bởi vậy mà nhiều người khi đi giao dịch, làm việc phải đưa theo một người nữa làm nhiệm vụ trông xe.

Cũng trong tình trạng trên, tại trụ sở của Thanh tra Sở Giao thông vận tải trên phố Tô Hiến Thành cũng không có người trông xe cho khách đến làm việc.

Còn tại Phòng Công chứng số 1 trên phố Bà Triệu thì có một khoảng sân trước cửa nhưng khách không được để xe tại đó. Mọi phương tiện của người đến công chứng cũng phải gửi phía bên ngoài, nơi tư nhân trông xe trên vỉa hè v.v...

Thực hiện quy chế thì phải có trách nhiệm với dân

"Ai có xe, người đấy giữ" là tình trạng chung của nhiều cơ quan hành chính đóng trên địa bàn Hà Nội. Trước đây, khi mới thực hiện Quy chế văn hóa nơi công sở, nhiều cơ quan có bố trí nơi để xe và trưng biển "không thu tiền trông xe". Sự thay đổi này thể hiện thái độ tôn trọng dân, tạo được không khí thoải mái cho người dân đến giao dịch, làm việc.

Nhưng cùng với thời gian, việc làm này không còn được thực hiện như ban đầu. Có UBND cấp quận, bảo vệ không ghi vé nhưng vẫn hỏi tiền. Dân dễ tính thì trả 2.000 đồng, còn nếu do biết quy định mà cãi lại thì họ không đòi tiền nữa nhưng tỏ thái độ rất khó chịu.

Chúng tôi đã nhận được nhiều phàn nàn của người dân về việc áp dụng Quy chế văn hoá nơi công sở như trên. Điều đó chứng tỏ sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước đối với nhân dân.

Quy chế văn hóa nơi công sở ban hành rất hợp lòng dân vì mục đích: "Đảm bảo tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ...". Nhưng khi áp dụng thực tế, các cơ quan hành chính đã thực hiện không hết trách nhiệm của mình.

Quy chế có hẳn Điều 16 quy định: "Cơ quan có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ, công chức, viên chức và của người đến giao dịch làm việc. Không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc".

Nếu có bố trí chỗ để xe mà không bố trí người trông xe và ghi vé thì cơ quan đó chưa làm tròn trách nhiệm theo quy chế này. Đề nghị các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện triệt để theo đúng tinh thần và mục đích của Quy chế văn hóa nơi công sở

Việt Hà
.
.
.