Quỹ BHXH, BHYT: Mất cân đối vì nhiều lỗ hổng

Thứ Ba, 26/05/2009, 14:59
Việc kê khống để hợp thức hóa thủ tục thanh toán tiền BHYT là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bội chi quỹ BHYT. Tình trạng lạm dụng quỹ tràn lan dưới nhiều hình thức: Không có nhu cầu (không ốm) cũng đi khám. Lập hồ sơ giả, khai khống hoặc mượn dịch vụ xét nghiệm, chiếu chụp… để hợp thức hóa thủ tục thanh toán.

Chỉ cần có bảo hiểm y tế đăng ký tại bệnh viện và có "người nhà" làm việc tại đây, gửi giấy tờ nhờ "kê bệnh", kê thuốc là có thể ung dung đưa thuốc ra bán lại cho các tiệm thuốc để lấy tiền. Một nhân viên đang làm việc trong một bệnh viện cho biết: Thực tế, đây chỉ là một trong số những chiêu thức kê khống để "rút ruột" BHYT trong thời gian qua.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, việc kê khống để hợp thức hóa thủ tục thanh toán tiền BHYT như thế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bội chi quỹ BHYT. Tình trạng lạm dụng quỹ tràn lan dưới nhiều hình thức: Không có nhu cầu (không ốm) cũng đi khám. Lập hồ sơ giả, khai khống hoặc mượn dịch vụ xét nghiệm, chiếu chụp… để hợp thức hóa thủ tục thanh toán. 

Thống kê chung của BHYT năm 2008 cũng cho thấy số lượt người khám chữa bệnh trong toàn quốc là 86 triệu người, bình quân cứ 1 người tham gia thì có 2 lần đi khám chữa bệnh. Trong số bội chi quỹ 1.455 tỷ đồng thì quỹ BHYT tự nguyện chiếm tới 1.000 tỷ.

Trong khi đó, với lĩnh vực BHXH cũng đang tiến dần đến tình trạng âm quỹ. Thống kê của BHXH VN cho thấy, năm 2008 có 8,7 triệu người tham gia, tăng gần gấp 4 lần so với năm 1995. Nhưng cũng trong khoảng thời gian này, lương hưu tối thiểu lại liên tục được điều chỉnh, tăng lên gấp nhiều lần dẫn đến mất cân đối quỹ.

Một nguyên nhân khác cũng bắt nguồn từ bất cập của chính sách là thực hiện quy định về tuổi nghỉ hưu. Nếu tính bình quân tuổi hưu cả nam lẫn nữ là 57 tuổi sẽ đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu nhưng thực tế, do nhiều chính sách khác như thực hiện chế độ hưu còn giảm nhiều tuổi cho người lao động thuộc diện sắp xếp lại sản xuất, tinh giản biên chế… nên độ tuổi nghỉ hưu trung bình chỉ còn 51,2 tuổi.

Tuy nhiên, tính bình quân, nếu 1 người nghỉ hưu sớm 1 năm quỹ đã mất cân đối khoảng 15 triệu đồng. Việc để lại 2% cho chủ sử dụng lao động kịp thời chi trả cho người lao động bị ốm đau, thai sản gần như chưa được thực hiện. Có đến 90% đơn vị đều nộp hết cho cơ quan BHXH vì nếu giữ lại 2% này, các đơn vị có đông lao động, nhất là lao động nữ thì sẽ không đủ chi… Đó là chưa kể hàng loạt các kiểu lách luật, trốn tránh, nợ đọng BHXH khác.

Lý giải tình trạng trên, ông Đỗ Văn Sinh cho biết, một phần nguyên nhân là do sự phối hợp tổ chức thực hiện của chúng ta đang có vấn đề. Việc quản lý lao động, tiền lương thuộc cơ quan lao động thương binh - xã hội. Việc cấp phép đầu tư thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý về mặt đầu tư nhưng thực tế các đơn vị thuộc hai lĩnh vực này ít có sự phối hợp để kiểm soát về mặt quy mô, nhân lực được sử dụng.

Sức ép về lao động do cung vượt quá cầu, người lao động chỉ cần miễn sao có việc làm, có thu nhập và trả đủ tiền công theo thỏa thuận mà không hiểu đến nơi đến chốn về quyền lợi lẽ ra họ phải được hưởng mà doanh nghiệp ký HĐLĐ buộc phải thực hiện…

Để chấn chỉnh tình trạng trên, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực. Hội đồng BHXH VN đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành BHXH đến năm 2010: Thực hiện chế độ bảo hiểm cho mọi người lao động, tiến tới BHYT toàn dân… Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2009.

Tuy nhiên, cũng theo ông Sinh, đây là công cụ kiểm soát nhưng cũng sẽ phát sinh thêm, gây áp lực nhất định về mặt thủ tục cho người tham gia, cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan quản lý…

Ngọc Nguyễn
.
.
.