Quốc hội tuần này: Bốn vấn đề "nóng": thể thao, lao động, hiến ghép mô, hộ khẩu

Thứ Hai, 05/06/2006, 07:52

Toàn bộ thời gian làm việc của tuần này, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận đồng thời tại 2 hội trường về các dự án luật: Luật Thể dục, thể thao; Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Luật Dạy nghề; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Luật Công chứng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Cư trú; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật về hội; Luật Đê điều.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ trình dự án luật điều chỉnh các vấn đề về thể dục, thể thao (TDTT) để Quốc hội thảo luận. Ngoài những quy định về trình tự, thủ tục trong thi đấu TDTT, quản lý Nhà nước về TDTT, dư luận đặc biệt quan tâm đến cơ sở pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn các tiêu cực trong TDTT ra sao?

Hơn một năm qua, hàng loạt "cơn bão" trong TDTT với các hành vi tiêu cực, đưa, nhận hối lộ, mua bán tỷ số… thực sự làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh nền TDTT nước nhà. Trong đó, 3 vụ án nghiêm trọng trong TDTT đang được CQĐT khẩn trương, làm rõ: vụ tiêu cực của một số trọng tài; vụ tiêu cực tại CLB P.Sông Lam Nghệ An; vụ một số tuyển thủ U23 bán độ. Những tiêu cực nói trên đều vi phạm pháp luật hình sự, trở thành án điểm trong lĩnh vực này.

Do đó, việc ban hành Luật TDTT là cần thiết nhưng điều quan trọng là hành lang pháp lý phải cụ thể và đủ mạnh, đặc biệt đảm bảo sự giám sát lẫn nhau giữa các CLB, các vận động viên, những chế tài cụ thể và có thể xử lý ngay sau khi có đủ căn cứ kết luận chứ không thể "ngâm" vụ việc, dây dưa kéo dài…

Một dự án luật khác cũng lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội: dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, nhu cầu hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người là rất lớn, ngày càng gia tăng, hiện cả nước có khoảng 5.000 - 6.000 người suy thận mãn cần được ghép thận. Hiện nước ta có 10 bệnh viện có đủ khả năng, điều kiện thực hiện ghép thận, gan, tính đến nay đã ghép thành công 161 ca.

Vấn đề đặt ra là tất cả những ca ghép gan, thận đều lấy gan, thận của người sống là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bệnh nhân, có chỉ số sinh học tương đương. Còn việc tự nguyện hiến và việc lấy mô, bộ phận cơ thể người để ghép trong các trường hợp cần thiết với hành lang pháp lý cụ thể lại chưa được cụ thể hóa. Đáng chú ý, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có quy định quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết và quyền nhận bộ phận cơ thể người.

Đối với xã hội ta, đây là những vấn đề nhạy cảm, mới, do đó việc điều chỉnh như thế nào trong luật, Quốc hội chắc chắn phải thảo luận, nghiên cứu kỹ lưỡng, Ban soạn thảo cân nhắc kỹ ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và dư luận để đảm bảo những chế định luật khi thông qua có tính khả thi, được dư luận đồng tình.

Hai dự án luật liên quan trực tiếp đến vấn đề lao động: dự án Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động cũng là điểm "nhấn" đáng chú ý trong chương trình nghị sự của Quốc hội tuần này. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề nóng bỏng hiện nay: hàng loạt cuộc đình công của người lao động ở một số doanh nghiệp phía Nam liên quan những yêu cầu thiết thân như lương, giờ làm, nhà trọ, chính sách đời sống khác.

Đáng chú ý, vai trò của công đoàn trong các doanh nghiệp này đang bị lu mờ. Khi nào được phép đình công, đình công như thế nào là hợp pháp, giải quyết các vấn đề đặt ra với người lao động ra sao cùng hàng loạt vấn đề khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động; vấn đề đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ràng buộc trách nhiệm doanh nghiệp xuất khẩu lao động ra sao… sẽ được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội tuần này.

Về dự án Luật Cư trú, ngày 1/6, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh đã trình bày tờ trình trước Quốc hội. Tuần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến cụ thể về các vấn đề đặt ra trong dự án luật, về quyền cư trú của công dân, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về cư trú. Đặc biệt, vấn đề hộ khẩu sẽ được làm rõ: Quản lý bằng sổ hộ khẩu phải điều chỉnh như thế nào để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân về quyền tự do cư trú nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là trong phòng, chống tội phạm.

Cùng những dự án luật khác, đây sẽ là tuần làm việc nặng nề của Quốc hội, liên quan đến nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Với phương pháp làm việc đồng thời tại 2 hội trường (mỗi hội trường thảo luận dự án luật khác nhau, căn cứ sự quan tâm của mình, đại biểu Quốc hội đăng ký dự thảo luận tại một trong hai hội trường), Quốc hội thực hiện yêu cầu nâng cao tần suất làm việc, tiếp thu được nhiều ý kiến đại biểu hơn, đồng thời tiết kiệm được thời gian thảo luận

Phan Trường
.
.
.