Quốc hội thảo luận ở tổ dự án Luật thuế tài nguyên

Thứ Năm, 22/10/2009, 10:40
Không phải đến phiên thảo luận ở tổ ngày 21/10, vấn đề Thuế tài nguyên gió, tài nguyên kho số mới được nêu ra mà tại một số cuộc hội thảo trước đây khi lấy ý kiến dự án Luật Thuế tài nguyên, không ít nhà khoa học đã đề cập...

Thuế tài nguyên gió, tài nguyên kho số: Chưa dễ thực hiện

Năng lượng gió được đánh giá là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng. Việt Nam với bờ biển dài hơn 3.000 km nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có địa hình tự nhiên đa dạng là một lợi thế tiềm năng cho khai thác nguồn năng lượng sức gió. Theo khảo sát của các nhà khoa học, năng lượng gió của Việt Nam có tổng công suất đạt 513.360 MW, gấp 200 lần công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La và gấp 10 lần tổng công suất dự báo của toàn ngành điện vào năm 2020. Việc phát triển, khai thác nguồn tài nguyên gió có tiềm năng vô tận này ngày càng đóng vai trò quan trọng cho an ninh năng lượng đất nước.

Để tận dụng triệt để nguồn năng lượng gió thường xuyên tái tạo, cần sớm triển khai chương trình phát triển điện gió, các tổ chức kinh tế hoàn toàn có thể tham gia.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ.

Với cách nhìn nhận đó, việc thu thuế tài nguyên gió được cho là cần thiết, gắn với quản lý, sử dụng. Việc thu thuế tài nguyên gió cũng tiến hành như khi mở rộng đối tượng chịu thuế là kho số (như việc khai thác kho số điện thoại di động), tần số, danh lam thắng cảnh thiên nhiên...

Tuy nhiên, có lẽ vì vấn đề này còn mới mẻ nên còn nhiều khác nhau trong lập luận, đánh giá. Một số ý kiến của đoàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đưa gió vào đối tượng chịu thuế là không khả thi. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển lập luận: Đối với một số tài nguyên như gió, năng lượng mặt trời là năng lượng sạch, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang khuyến khích sử dụng. Ngoài ra, kho số, tần số... là những lĩnh vực mới, bước đầu được khai thác, Nhà nước đang áp dụng thu phí sử dụng. Do vậy, có bổ sung các tài nguyên trên vào đối tượng chịu thuế hay không phải cân nhắc kỹ.

Tăng thuế tài nguyên dầu thô

Theo quy định của dự thảo luật thì mức thuế suất thuế tài nguyên đối với nhóm dầu thô là 6-40% (nâng thuế suất trần từ 30% lên 40% so với mức hiện hành). Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, đây là loại tài nguyên có giá trị kinh tế lớn, trữ lượng dầu còn lại của nước ta theo kết quả thăm dò là rất hạn chế.

Hiện nay dầu thô của Việt Nam chủ yếu do các liên doanh và nhà thầu nước ngoài khai thác, sản phẩm được xuất khẩu với giá tương đối cao, có lợi cho nhà khai thác, trong khi đó nước ta lại phải nhập khẩu các loại xăng dầu giá cao. Vì vậy, đề nghị tăng cả mức thuế suất sàn và mức thuế suất trần cao hơn mức quy định trong dự thảo luật. Đối với những khu vực có điều kiện khai thác khó khăn hiện đã có chính sách ưu đãi khác và với khung thuế suất khá rộng thì vẫn thuận tiện trong việc áp dụng thuế suất đối với khu vực nhạy cảm, điều kiện khai thác khó khăn thấp hơn các khu vực khác.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh lý giải cách tính thuế: tài nguyên không có khả năng tái tạo thì thuế suất cao; tài nguyên có khả năng tái tạo thì thuế suất thấp; không có thuế suất 0% vì đây là tài nguyên quốc gia, bất kỳ ai sử dụng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp. Riêng đối với dầu, khí, do tài nguyên này có tính chất đặc thù liên quan đến các dự án lớn, nhà đầu tư lớn, các quy định tại hợp đồng dầu khí có tiêu chuẩn, chuẩn mực theo thông lệ quốc tế nên cần có quy định riêng về thuế suất. Cụ thể, thuế suất thuế tài nguyên đối với dầu, khí được xác định lũy tiến từng phần theo sản lượng dầu, khí khai thác bình quân mỗi ngày.

Tài nguyên gỗ: thuế cao hay miễn thuế?

Sự khác nhau trong lập luận về thuế tài nguyên gỗ khiến đây là vấn đề còn phải bàn luận nhiều. Dự thảo luật quy định 4 nhóm khung thuế suất đối với gỗ (nhóm I: 20-35%, nhóm II: 15-30%, nhóm III và IV: 10-20%, nhóm còn lại: 10-15%), giảm mức trần so với mức thuế suất hiện hành từ 40% xuống 35%, 30%, 20% và 15%. Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, gỗ là tài nguyên quý và lâu tái tạo. Trong điều kiện hiện nay, việc hạ mức thuế suất trần là chưa hợp lý, làm giảm hiệu quả trong việc góp phần hạn chế khai thác rừng tự nhiên. Do đó, đề nghị giữ mức trần như hiện hành và nâng thuế suất sàn đối với từng nhóm gỗ cao hơn so với quy định trong dự thảo luật.

Tuy nhiên, một số đại biểu phía doanh nghiệp lại có lập luận khác: Hiện nay rừng đã được giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý chăm sóc nên sản phẩm rừng tự nhiên ít nhiều có sự đóng góp của người dân. Trong thực tế, mức thuế cao vẫn không hạn chế được việc khai thác rừng tự nhiên, thậm chí còn gia tăng việc khai thác trái phép. Hơn nữa, người sản xuất nông nghiệp được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nên cần xem xét lại mức thuế suất đối với tài nguyên rừng, có thể không thu thuế

Đ.Trường - Đ.Tuấn
.
.
.