Quay đầu là bờ

Chủ Nhật, 23/11/2008, 14:29
Công nói: "Dường như ma túy đã lấy đi tất cả của mình. Nhiều lần tôi nghĩ đến cái chết. Song cũng trong tiềm thức, tôi vẫn luôn nghĩ rằng sẽ phải làm lại cuộc sống dù rất khó khăn". Ý nghĩ phải làm lại cuộc sống đã giúp Công dần cân bằng lại tinh thần và ngày hắn thấy cuộc sống của mình như được hồi sinh chính là lúc mà trong một lần dự đám cưới của người bạn, hắn gặp được cô thiếu nữ người làng bên tên Bùi Thị Tiệp.

Con người hắn đã trải qua tất cả những gì đắng cay tủi nhục, những trượt dài trong tội lỗi với sự buông thả của một gã trai trẻ tuổi. Song cũng ở chính gã trai tuổi trẻ đã trượt dài trong những buông thả, phá phách này, tôi thầm thán phục: Sao nghị lực của hắn phi thường đến vậy? Một mình, hắn đã tự dứt bỏ những cơn thèm thuốc phiện để tìm đường trở về với cuộc sống đời thường. Và cũng chỉ một mình với hai bàn tay trắng, hắn đã tự nắn cả một đoạn dài sông Bưởi để tránh lụt cho cả một vùng dân cư. Gã trai mà tôi muốn nói tới chính là Bùi Văn Công.

Tôi tìm vào nhà Công khi mặt trời của buổi trưa đã tròn trên đầu người. Lúc này chỉ có vợ và con của Công ở nhà. Đã chính trưa, nhưng Công vẫn chưa về. "Ngày nào anh Công chẳng về muộn như thế, về ăn đôi lưng bát cơm rồi lại vác cuốc, xẻng ra sông ngay" - vừa bế đứa con gái nhỏ, chị Tiệp vừa nói về người chồng của mình.

Tuổi trẻ lầm lạc và những trượt dài

Mảnh đất nơi Công cùng vợ và con đang sống chính là quê hương nơi Công sinh ra, xóm Mường Vôi, xã Liên Vũ, Lạc Sơn, Hòa Bình. Một vùng quê đã trải qua nhiều mất mát bởi sự tàn phá của dòng sông Bưởi hung tợn mỗi khi vào mùa lũ. Đồng ruộng ít chỉ có sự cằn cỗi vốn dĩ của núi đồi.

Là người Mường, Công cũng như nhiều thanh niên khác trong làng khi đã bước vào tuổi 15, 16 đều phải tự lo cuộc sống cho mình. "Quê nghèo, bố mẹ không thể nuôi mãi được, phải tự mình đi kiếm sống thôi" - Công nói với hai hàm răng sít chặt như thể ký ức lầm lỗi một thời của tuổi trẻ đang dần hiện về trong tâm trí hắn.

Oái oăm thay, khi chính vào độ tuổi hắn được bươn trải tự do với hoài bão của mình thì cũng chính là thời điểm mà cuộc đời của hắn bước sang một ngã rẽ đầy định mệnh và cũng đủ để hắn phải rùng mình ớn lạnh mỗi khi nghĩ về cái quá khứ đáng quên này.

Năm 1991, gã trai Bùi Văn Công (34 tuổi) đã bước sang tuổi 17, vừa thoát khỏi vòng tay của bố mẹ, trong gã thanh niên mới lớn chỉ có sự hung hăng mà vẫn còn quá nhiều điều trong cuộc sống lẽ ra phải khiến hắn dừng lại để suy tư thì hắn đã ùng ục ôm ba lô quần áo lao vội vào bãi vàng Thung Bu, huyện Lạc Sơn với mộng đổi đời cho mình.

Cuộc sống của một đứa trẻ chỉ chăn trâu cắt cỏ, học hành lại dang dở làm sao lường hết được những cám dỗ, những cạm bẫy nơi bãi vàng quyết liệt. Ước mơ về mộng làm giàu của hắn chỉ được xây dựng trong những suy nghĩ, những mộng tưởng về hình ảnh giàu có vụt lên trong đầu hễ có ai nhắc đến hai từ: Bãi vàng!

Quả thật bãi vàng Thung Bu vào thập niên 90 của thế kỷ trước không chỉ có sức quyến rũ với riêng gã trai này. Thung Bu đã trở thành điểm đến của hàng ngàn người từ khắp mọi vùng quê, trong đó không ít tên tuổi là những tay anh chị khét tiếng. Chính trong cái mớ hỗn độn của bao kẻ mang giấc mộng tìm vàng ở Thung Bu đã tạo nên một bức tranh xám xịt với đầy rẫy tệ nạn như hút chích, mại dâm, thanh toán lẫn nhau, rồi cả những cuộc sát phạt đỏ đen thâu đêm trên chiếu bạc… đã làm cho gã trai quê Bùi Văn Công bị cuốn đi cả về thể xác lẫn tinh thần lúc nào chẳng hay.

Đúng như Công tâm sự: "Với bãi vàng, nếu không bị những tệ nạn cuốn đi thì cuộc đời cũng lại bị vùi dập dưới sự bóc lột của các bậc đàn anh, đàn chị".

Cơn lốc tệ nạn từ chính bãi vàng mà hắn vội vàng tự nguyện vác thân vào đã cuốn hắn đi một cách nhanh chóng. Mỗi ngày, từ sáng sớm tinh mơ, hắn cùng nhiều thanh niên khác bị thúc dậy chui vào những hố sâu đến cả hơn chục mét tối om cứ vậy mà tìm vàng, tìm cho tới tận tối khuya. Vàng đâu chẳng thấy, ngày nào may mắn cũng chỉ kiếm được năm, ba vẩy vàng như vẩy quả nhót xanh. Song cũng lại phải nộp cho chủ bưởng, nào có được là của chính mình.

Sinh hoạt thì có lẽ không đâu kham khổ hơn là bãi vàng nơi hắn ở, bữa ăn chỉ là những xúc cơm nhỏ với vài mẩu cá khô gói vội trong tàu lá chuối ăn ngay tại những hố vàng. Cuộc sống cứ thế trôi qua từng ngày, sự vô vọng về một giấc mơ vàng ngày càng hiện thực hơn nhưng hắn không thể tìm đường về trước sự quản thúc tuyệt đối của các chủ bưởng.

Khi sự chán nản đã lên đến đỉnh điểm thì cũng chính là lúc hắn buông trôi tất cả mặc kệ cho những cám dỗ cuốn đi. Hắn lao vào ma túy, vào những làn khói trắng, lao vào những cuộc truy hoan với gái. Những bơm tiêm ma túy được chích chung cho cả nhóm đã dần hút hết sinh lực của một gã trai người Mường trẻ tuổi. Thay vào đó là những căn bệnh trầm kha.

Ba năm sau ngày hắn gắn bó với Thung Bu thì vàng cũng đã cạn kiệt, các chủ bưởng rút lui. Hắn cùng chúng bạn lần đường về quê, nhưng chuyến về quê này thật khác xa so với lần hắn khăn gói ra đi trước đây. "Về tới quê mà trên người chỉ độc một bộ quần áo rách như xơ mướp. Một thân thể tàn tạ hom hem vì ma túy" - Công nói. Song, đấy còn chưa phải là sự thê thảm tận cùng mà hắn phải chịu đựng. Bởi năm 2004, khi cầm tờ kết quả xét nghiệm máu từ Bệnh viện tỉnh Hòa Bình, hắn đã gần như gục ngã hoàn toàn khi biết mình dương tính với HIV.

Tình yêu cảm hóa và hành trình khuất phục sông Bưởi

Công nói: "Dường như ma túy đã lấy đi tất cả của mình. Nhiều lần tôi nghĩ đến cái chết. Song cũng trong tiềm thức, tôi vẫn luôn nghĩ rằng sẽ phải làm lại cuộc sống dù rất khó khăn". Ý nghĩ phải làm lại cuộc sống đã giúp Công dần cân bằng lại tinh thần và ngày hắn thấy cuộc sống của mình như được hồi sinh chính là lúc mà trong một lần dự đám cưới của người bạn, hắn gặp được cô thiếu nữ người làng bên tên Bùi Thị Tiệp.

Tình yêu nhanh chóng nảy nở. Yêu Công rất nhiều, song Tiệp cũng không thể không đưa ra điều kiện: "Để đến được với nhau anh phải từ bỏ những cám dỗ của xã hội. Hãy làm lại từ đầu vì bố mẹ đã già, chỉ có anh là trụ cột…". Gã trai trẻ Bùi Văn Công như được thức tỉnh hoàn toàn trước tình yêu của cô thiếu nữ làng bên. Cô đã vượt qua tất cả những dị nghị trong ánh mắt của dân làng về một người chồng tương lai nghiện ma túy, có HIV để đến với Công. Và chính tình yêu chớm nở này đã chắp cánh cho hành trình làm lại cuộc đời của hắn.

Sau mỗi lần vật vã với những cơn thèm thuốc phiện, Công tự mình trói chân, buộc tay, tự vùi đầu vào những xô nước lạnh. Đồng thời Công cắn chặt hai hàm răng để quên đi sự mê hoặc của làn khói thuốc thay vào đó là hình ảnh người con gái mình yêu. Một lần, hai lần rồi đến năm, bảy và cả chục lần như vậy, dần dà những cơn thèm thuốc cũng thưa dần.

Trong những ngày đầu cai thuốc, Công như người mất hồn. Hắn chỉ thẩn thơ bên dòng sông Bưởi và cũng từ những buổi chiều ấy mà ý nghĩ về chuyện nắn thẳng dòng sông sao cho dân làng không khỏi lụt lội đã vụt lên trong tâm khảm hắn. Nói là làm, quãng ngày nắn thẳng dòng sông Bưởi của gã trai đã từng lầm đường lạc lối bắt đầu.

Cầm cuốn nhật ký ghi lại tỉ mỉ những ngày có ý tưởng đắp sông cũng như những ngày hắn mài công thực hiện trong tay, Công lần dở từng trang cho tôi xem. Quả thật khó ai là không thể cảm phục với những gì hắn đã làm: "Sao mình không thử nắn sông để chống lũ, mình cũng có thể lấy đất để trồng hoa màu và đắp kè giữ cho nhà cửa không bị xói lở. Háo hức với ý tưởng, tôi thường xuyên ra quan sát dòng chảy, theo suy đoán thì nếu khơi dòng theo đường thẳng lũ sẽ đúng hướng, mà mình lại có đất để trồng hoa màu và xóm Mường Vôi sẽ không bị lũ xoáy vào.

Tôi rất buồn khi bày tỏ ý định với mọi người nhưng lại chỉ nhận được những câu nói: Có lẽ thằng này nó điên! Nhưng không! Mọi người nói sao thì tôi vẫn cứ làm. Những lúc lên cơn thuốc, thay vì tự trói chân tay, dù là giữa trưa hay nửa đêm, tôi cũng vác cuốc chạy ra sông hì hục cuốc đất như điên dại. Tôi đã cuốc đến bật cả da tay, chảy máu mà không hề biết.

Tôi cứ mải mê đào đá rồi lại vét bùn đổ lên bờ theo những gì đã tính toán từ trước. Hai bên bờ sông, tôi vét bùn đắp lên để trồng hoa. Những luống rau, ngô, đậu của tôi đều được bón bằng phù sa cứ lớn phổng và tươi tốt… Thấm thoát đã ba năm trôi qua, con sông tôi nắn cũng đã đến ngày thành hình với hơn 400m chiều dài. Những cơn thèm thuốc cũng đã không còn tìm đến. Tôi lại tiếp tục nắn những mét sông tiếp theo, vừa nắn sông tôi vừa vét cát và sàng sỏi để bán cho chủ thầu xây dựng lấy tiền trang trải cuộc sống và thực hiện những dự định cho mình…".

Vậy là hơn 400m sông Bưởi chạy qua hai xóm Mường Vôi và Ân Nghĩa (huyện Lạc Sơn) đã được Công nắn thẳng. Nghị lực phi thường của gã trai làng một thời lầm lỗi này đã khiến cho dòng sông Bưởi năm nào thường tàn phá cuộc sống dân làng khi lũ về lại trở nên hiền hòa là vậy.

Tôi đến gặp Công khi cơn bão số 6 đầu tháng 11/2008 với những trận mưa kéo dài đã khiến cho cả Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong đó có cả Hòa Bình, phải chịu ngập lụt. Song, thật kỳ lạ con sông Bưởi mà Công đã dày công nắn đắp vốn luôn tác oai tác quái với người dân dường như giờ đây đã bị khuất phục.

Cũng với dòng nước cuồn cuộn chảy, bọt tung trắng xóa như năm nào, nay đã chảy theo một hướng mới đúng với những gì Công đã tính toán. Thường thì với những năm có lũ lớn như thế bà con dân xóm Mường Vôi và Ân Nghĩa sẽ phải sơ tán. Năm nay thì không, họ mừng vui và gọi tên Công, nhìn dòng lũ sông Bưởi cuộn đỏ chạy thẳng, Công lặng người đi vì hạnh phúc. Anh lại tiếp tục bám theo dòng nước mà định tính cho những quãng sông tiếp theo để mình nắn sao cho đúng hướng.

Công mang trong mình căn bệnh HIV, nhưng như có phép mầu kỳ lạ đền đáp cho những gì anh đã cố gắng chuộc lỗi. Ngày 13/7/2005, tại Bệnh viện Hòa Bình, vợ anh đã sinh hạ cô con gái kháu khỉnh tên Duyên trong tình trạng cả hai mẹ con khỏe mạnh, không có HIV như Công đã từng nghĩ. Bùi Văn Công đã gạt bỏ được những lầm lạc của mình. Dẫn tôi ra dòng sông Bưởi nơi anh đã nắn, chỉ tay về phía xa xa, Công nói hồ hởi: "Sẽ lại tiếp tục bắt những đoạn sông kia phải chảy thẳng"

Quốc Hưng
.
.
.