Quảng Trị: Bất cập trong việc cho nông dân vay vốn

Thứ Hai, 21/12/2009, 09:13
Sau gần 8 tháng chạy đôn chạy đáo với việc vay vốn lãi suất ưu đãi, người nông dân Quảng Trị bỗng nghiệm ra rằng, cái khó của việc vay vốn ở chỗ họ là nông dân...

Nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã (LMHTX) Quảng Trị cho biết, ngay sau Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17-4-2009 về việc hỗ trợ lãi suất cho người nông dân vay vốn phát triển sản xuất, LMHTX tỉnh đã phối hợp với các ngân hàng thương mại, các phòng, ban chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến toàn bộ HTX trên địa bàn.

Tuy vậy, việc các HTX vay vốn, được vay vốn đã không như mong đợi. Có nhiều nguyên nhân. Ban đầu quyết định (QĐ) của Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép HTX vay vốn để mua sắm công cụ sản xuất nông nghiệp mà không được kinh doanh, nên phần lớn HTX đã không mấy mặn mà với nguồn vốn vay này. Về sau, QĐ trên bổ sung cho phép HTX kinh doanh các mặt hàng phục vụ nông nghiệp, thì HTX gặp khó khăn khác. Đó là việc QĐ quy định HTX chỉ được phép mua hàng nội.

Trong khi đó, tâm lý của người tiêu dùng chú trọng những sản phẩm đảm bảo chất lượng. "Đồng tiền mà người nông dân bỏ ra, nhất là đối với đồng tiền do bà con đi vay thì phải đổi lại một công cụ, sản phẩm phục vụ nông nghiệp nào đó tương xứng với giá tiền ấy" - ông Thịnh nói. Theo thống kê của LMHTX Quảng Trị, đến nay toàn tỉnh chỉ có khoảng 30/354 HTX được vay vốn với số tiền vay rất thấp.

Ông Thịnh cho biết thêm, ngoài nguyên nhân trên, có thể còn những nguyên nhân khác mà ít HTX đi vay vốn và được vay vốn. Đó là do ruộng đồng ở địa phương quá manh mún; không ít nơi, chỗ thì quá cao, chỗ thì quá thấp trong cùng một thửa; máy móc vì thế khó khăn để hoạt động. Rồi do vốn liếng của HTX quá ít, trong khi sản phẩm nông nghiệp làm ra có giá trị thấp, nên vòng quay của sản xuất nông nghiệp không quay cùng vòng của lãi suất ngân hàng. 

Ngân hàng đã cạn vốn?

Ông Lê Phúc Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Trị cho biết, đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tổ chức cho vay hỗ trợ lãi suất với tổng mức dư nợ 1.645 tỷ đồng. Trong đó, cho vay theo QĐ 131/QĐ-TTg với dư nợ 1.324 tỷ đồng, QĐ 443/QĐ-TTg 309 tỷ đồng, QĐ 497/QĐ-TTg 12 tỷ đồng. Ở các QĐ 131 và 443, rất ít người nông dân được vay vốn; riêng QĐ 497 thì hầu hết là nông dân, tuy nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 15% so với nhu cầu thực tế.

Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho người dân, song các ngân hàng này đều cho biết hiện tại đã cạn nguồn vốn? Thậm chí, ở xã Hải Thiện (Hải Lăng) có hộ nông dân muốn vay vốn mua chiếc máy gặt đập lúa, giá khoảng 250 triệu đồng để về phục vụ cho cả xã nhưng cũng không có ngân hàng nào cho vay được.

Trước khó khăn đó, Hội đã phải hoãn các chương trình mua phân bón trả chậm hỗ trợ cho người nông dân và mua máy móc phục vụ nông nghiệp cho bà con theo hợp đồng với Tổng Công ty Máy động lực Việt Nam...

Phan Thanh Bình
.
.
.