Quảng Ninh: Nhiều bất cập nảy sinh sau 3 tháng thực hiện miễn thu thủy lợi phí

Thứ Năm, 11/10/2007, 15:30
Nhằm cải thiện thu nhập đối với người dân nông thôn, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương từng bước tính toán miễn, giảm các khoản thu thuế, phí trước đây. Trong đó có chủ trương miễn thu thủy lợi phí. Đến nay, qua 3 tháng thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập cho cả 2 phía: Đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi cũng như chính người dân.

Miễn thu chứ không phải xoá nợ

Từ nhiều năm qua, mức thu thủy lợi phí (TLP) trên địa bàn Quảng Ninh vẫn được thu với tỷ lệ từ 5-10% chi phí sản xuất. Tuy khoản thu này không lớn, nhưng có thể nói rằng, chưa bao giờ được thu đủ, thu gọn theo từng mùa, vụ.

Một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh này tâm sự: "Phi nợ bất thành TLP. Các đơn vị chức năng đành phải lấy số thu được từ những mùa trước phục vụ cho mùa sau, cứ thế mà làm. Còn việc hạch toán chi phí thì buộc phải có cách làm riêng, miễn sao có đủ kinh phí để duy tu, bảo trì bảo đảm vận hành hệ thống cung cấp nước tưới, tiêu".

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi, điều kiện cần thiết và tối thiểu như trên để duy trì cũng có thể sẽ không còn. Nguyên nhân là kể từ ngày 1/7, thời điểm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực, các đơn vị quản lý khai thác thủy nông đã không thu được đồng nợ TLP nào do nông dân chi trả.

Thậm chí, các HTX sản xuất nông nghiệp đứng ra làm trung gian vẫn không giải quyết được chuyện thu nợ TLP. Đã không ít địa phương, tập thể (HTX) từ 2-3 tháng nay ra sức họp hành, tuyên truyền đến từng xã viên, hộ nông dân rằng, Nhà nước miễn TLP từ ngày 1/7 nhưng các khoản nợ TLP trước đó bà con nông dân vẫn phải trả, ai không trả là vi phạm.

Tuy nhiên giải thích, nhắc nhở thế nào thì nông dân vẫn nhất quyết không chịu trả các khoản nợ TLP nợ đọng trước đó. Rất có khả năng bị mất trắng khoản nợ tích lũy này với số tiền khá lớn. Chỉ riêng mô hình HTX thì mỗi tập thể ước tính có dư nợ từ 100-300 triệu đồng.

Cả tỉnh có đến hàng trăm HTX nông nghiệp, hàng vạn hộ nông dân, mỗi hộ nông dân ít nhất phải chi trả 100.000đ TLP/năm, dự kiến thất thoát thu hồi nợ TLP không còn là chuyện nhỏ. Nông dân nợ HTX, nợ chính quyền địa phương, cấp trung gian này lại nợ lại các đơn vị khai thác thủy nông và thủy nông lại phải khất nợ với các công ty cung cấp nước. Trong vòng tròn luẩn quẩn ấy, cuối cùng là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Phát sinh nhiều bất cập

Cũng từ ngày 1/7 trở đi, do không phải trả tiền nước nên một bộ phận lớn nông dân, xã viên có biểu hiện sử dụng nguồn nước rất lãng phí. Nếu như trước đây, nước gắn liền với tiền, mỗi lần lấy nước vào ruộng là cả một quá trình tính toán, tiết kiệm đến mức có thể, sao cho vừa đủ theo yêu cầu canh tác, sinh trưởng cây trồng.

Thì nay, tiện thì lấy và cũng không cần phải ứng trực để ngăn đắp khi nước đầy ruộng. Chính vì vậy đã xảy ra tình trạng nước lúc thì thừa thãi, chảy lênh láng, lúc lại hiếm hoi.

Cũng từ thời điểm này trở đi, các đơn vị thủy nông đều có báo cáo thống nhất là tỷ lệ thất thoát nước tăng lên gấp 2 lần so với trước. Cụ thể, cũng với diện tích và nhu cầu nước như vậy nhưng tổng khối lượng bơm tưới đã tăng thêm từ 10-20%.

Cá biệt có nơi tăng tới 30% và sẽ còn tiếp tục tăng cao vào thời gian tới. Điều đó có nghĩa là các đơn vị lại phải móc tiền túi trả thêm cho nơi cấp nước khối lượng phát sinh bất thường. Nợ cũ không đòi được, nợ mới lại gia tăng, tất cả các đơn vị cung ứng dịch vụ đang đứng trước nguy cơ... vỡ nợ.

Không chỉ có vậy, do không thu được nguồn TLP phục vụ cho việc duy tu, đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi gồm rất nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau, từ ao, hồ, đập đến kênh, mương trục, nhánh, nội đồng, trạm bơm... dự báo là hết sức khó khăn. Tất cả giờ đây chỉ còn trông chờ vào nguồn duy nhất: Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, cho đến giờ phút này, chưa có một đơn vị nào được biết sẽ được Nhà nước chu cấp bao nhiêu tiền, cơ chế ra sao để bảo đảm hoạt động ổn định phục vụ nước sản xuất nông nghiệp khi nguồn thu TLP không còn.

Một khi "rỗng túi" thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng các đơn vị thủy nông sẽ tiết giảm nguồn cung cấp nước nhằm giảm nợ với các đơn vị cung cấp nước đầu nguồn. Và như vậy sẽ dẫn đến tình trạng nước tưới sẽ khan hiếm, sản lượng hoa màu, lương thực sẽ không đạt kết quả cao.

Ngay từ bây giờ, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, bổ sung các khoản chi ngân sách bảo đảm thực hiện tốt công tác đầu tư, khai thác và sử dụng các công trình thủy lợi đúng mục đích hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần phổ biến, tuyên truyền đến từng hộ nông dân, xã viên dù không phải trả TLP nhưng vẫn phải nêu cao ý thức và thực hành tiết kiệm trong quá trình sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp.

Có như vậy thì chủ trương miễn TLP cho nông dân mới đạt đến đích cuối cùng chứ không phải tạo ra bất cập cho cả hai phía

Lê Minh Triết
.
.
.