Quảng Ninh: Lò than thổ phỉ phá rừng phòng hộ đầu nguồn Yên Lập

Thứ Sáu, 17/08/2007, 19:29

"Mỗi lò than thường thuê từ 15-20 lao động, khai thác 2 ca suốt ngày đêm, trung bình mỗi ngày được từ 25-30 tấn than", một người dân ở thôn Cái Mắm, xã Đại Yên (huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh), kể.

Chạng vạng tối, đến xã Đại Yên (huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh), nhóm PV chúng tôi không khỏi ngán ngẩm trước cảnh cứ ít phút lại có một xe ôtô tải cơi thành, chở đầy than từ phía Cầu Trắng chạy về QL18A.

Người dân ở đây phân trần: dạo này, các chủ lò than thổ phỉ tiếp tục khai thác tại đầu nguồn rừng phòng hộ khu vực xã Đại Yên (Hoành Bồ) và Việt Hưng (TP Hạ Long). Nguy cơ rừng bị triệt phá là cái chắc.

Chỗ nào cũng có lò than thổ phỉ

Theo mách bảo của người dân, trong vai những người mua than, không mấy khó khăn chúng tôi được tiếp cận với một số lao động làm thuê tại các lò than thổ phỉ của thôn Cái Mắm (xã Việt Hưng). Các lao động này quê ở Bắc Giang, từng làm thuê được 2 năm, mỗi năm phải ăn ở tại chỗ đến 5-6 tháng ròng.

Họ không giấu gì chúng tôi: "Mỗi lò than thường thuê từ 15-20 lao động, khai thác 2 ca suốt ngày đêm, trung bình mỗi ngày được từ 25-30 tấn than. Cứ chập choạng tối đến sáng, chủ lò tổ chức vận chuyển hết. Thôn Cái Mắm này có đến hàng chục lò than khai thác như vậy...".

Vượt qua thôn Cái Mắm tới Khe Choòng (đồi Bánh Dầy, xã Đại Yên), nạn khai thác than ở đây diễn ra công khai. Đứng một chỗ quan sát đã phát hiện 3 lò than thổ phỉ đang cật lực khai thác, đường đi lối lại đen nhẻm than rơi, vãi; cây rừng ngả nghiêng phủ kín những đống than.

Một bảo vệ của Đại Yên nói với chúng tôi: Chính quyền xã Đại Yên hầu như "hết cách" rồi. Trong khi chống khai thác than trái phép tại vùng đầu nguồn hồ Yên Lập đang hết sức khó khăn thì chính quyền Đại Yên vẫn ngấm ngầm đồng tình với cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác than tận thu.

Mất công lắm chúng tôi mới tiếp xúc được với gia đình bà N, nhưng khi hỏi về hợp đồng mua bán than và giấy phép "tận thu", bà N giấu nhẹm ngay những giấy tờ như thứ "bùa" để gia đình bà khai thác than công khai.

Những người trong gia đình bà N còn cho biết, điểm gom than gần 1 ngàn vỉ trong rừng của gia đình ông C, được xây dựng khá kiên cố và kín đáo có cần gì giấy phép kinh doanh than. Chính ông C là người nhà một cán bộ xã được cấp trang trại trên đồi để trồng rừng, nhưng vẫn cứ khai thác than dưới dạng "bã xít" cung cấp cho các lò vôi. Lấy cớ gia đình ông C khai thác được thì các gia đình khác cũng khai thác được.

Khó ngăn chặn?

Để tìm hiểu ngọn nguồn nạn phá rừng phòng hộ khai thác than, chúng tôi tìm gặp Chủ tịch xã Việt Hưng, Nguyễn Bình Thiên. Ông Thiên thừa nhận Việt Hưng có diện tích 26km2, gần 10 ngàn dân, từ nhiều năm nay nạn khai khai thác than trái phép khá phổ biến.

Năm 2006 cả xã có đến 40 lò than thổ phỉ, nay bị cấm nên đã giảm nhiều. Có điều các lò than còn lại khai thác quy mô lớn hơn và tỏ ra liều lĩnh. Lò nào bị chính quyền kiểm tra là y như rằng tổ chức thành nhóm đối tượng "đầu gấu, đầu mặt" ngăn cản, đe dọa chính quyền.

Nhiều cán bộ xã bị đe doạ qua điện thoại, ném đá vào nhà hoặc đập phá các trạm kiểm soát của xã. Trong khi đó, UBND xã chỉ được phép phạt vi phạm hành chính đến 500 ngàn đồng, tạm giữ tang vật trị giá 700 ngàn đồng và phải chờ trong vòng 24 giờ báo cáo cấp trên về xử lý. Bởi vậy, chính quyền nhiều lúc bó tay.

Trao đổi với Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Lập (thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ) được biết, chưa lúc nào tệ khai thác than lậu khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn diễn ra quyết liệt như hiện nay. Ban Quản lý rừng phòng hộ đã kết hợp với chính quyền địa phương nhiều lần "kêu cứu" huyện, tỉnh hỗ trợ xoá nạn khai thác trái phép, nhưng trách nhiệm của các cấp rất hời hợt.

Thiết nghĩ, tỉnh Quảng Ninh sớm ra quyết định bằng giải pháp mạnh ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác than trái phép khu vực đầu nguồn Đại Yên và Việt Hưng khi vấn nạn đang trong thời kỳ tàn phá rừng ghê gớm (!?)

Nhóm PVMDH
.
.
.