Quảng Ninh: Hồ Yên Lập, chưa yên

Thứ Bảy, 15/09/2007, 11:25
Những năm gần đây, diện tích rừng phòng hộ của hồ Yên lập đã luôn bị tàn phá và xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau. Các hoạt động khai thác lâm sản trái phép, đốt rẫy làm nương gây cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, hầu như ở tiểu khu nào cũng có.

Với dung tích thiết kế trên 125 triệu m3, hồ Yên Lập là nguồn cung cấp nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân thuộc các huyện Yên Hưng, Hoành Bồ và TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tương lai đây cũng là nguồn cung cấp nước sạch để bán cho các tàu du lịch và một phần dân cư của TP Hải Phòng.

Tuy nhiên, gần đây do những tác động tiêu cực của các hộ dân sống quanh khu vực này đã làm cho lòng hồ bị bồi lắng và nguồn nước đang ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Rừng phòng hộ bị tàn phá từ nhiều phía

Rừng phòng hộ hồ Yên Lập có tổng diện tích được quy hoạch là 16.227ha, gồm 14 tiểu khu, nằm trên địa giới hành chính của 7 xã thuộc các huyện Yên Hưng, Hoành Bồ và TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Những năm gần đây, diện tích rừng phòng hộ của hồ đã luôn bị tàn phá và xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau. Các hoạt động khai thác lâm sản trái phép, đốt rẫy làm nương gây cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, hầu như ở tiểu khu nào cũng có.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ riêng diện tích rừng bị chặt phá để trồng keo, trồng dứa trái phép cũng đã lên tới trên 500ha. Tại khu vực rừng đầu nguồn thuộc 4 xã Tân Dân, Dân Chủ, Bằng Cả, Quảng La, huyện Hoành Bồ; UBND huyện đã phải ra quyết định thu hồi trên 136ha của các hộ lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng keo trái phép.

Ngày 1/6, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng kiểm lâm của Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã bắt quả tang vợ chồng Hoàng Anh Tuấn trú tại thôn 1, xã Bằng Cả, đang phát 11.550m2 rừng tự nhiên nhóm 2a, thuộc khu vực rất xung yếu của rừng phòng hộ Yên Lập.

Và mới đây vào ngày 20/8; tại tiểu khu rừng 87B, qua điều tra xác minh của Chi cục Kiểm lâm và chính quyền địa phương, đã có trên 20ha rừng, của 8 hộ dân lấn chiếm trái phép để trồng keo và trồng dứa tại các lô 1, 3, 5 và lô 63, thuộc khoảnh 4 của rừng phòng hộ.

Thống kê bằng phương pháp khoa học cho thấy đã có trên 25.000 cây gỗ đường kính từ 13 đến 82cm nằm trong diện tích của trên 20ha rừng này bị chặt phá. ở phía hạ lưu, trong khu vực thuộc địa bàn các xã Minh Thành, Đại Yên, Việt Hưng, mỗi ngày trung bình có trên 100 người dùng thuyền, mủng vượt qua lòng hồ hoặc đi bộ bằng nhiều hướng khác nhau tới đây để trồng keo, trồng dứa.

Từ đầu năm 2006 đến nay lực lượng Kiểm lâm của tỉnh đã tiến hành phá hủy hàng trăm chiếc thuyền nan hoạt động trái phép, trục xuất trên 40 chiếc thuyền nan khác ra khỏi lòng hồ, tiêu hủy gần 40 lán trại của những người đi trồng dứa. Tuy nhiên việc trồng keo, trồng dứa trái phép trong khu vực vẫn chưa được giải quyết về cơ bản.

Ông Phạm Văn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh cho biết, việc trồng dứa trong rừng phòng hộ những năm gần đây cho lợi nhuận cao, 1ha dứa, 1 năm  thu hoạch từ 40 đến 50 triệu đồng.

Nếu như trước kia 1 năm chỉ có 1 vụ dứa thì hiện tại do dùng thuốc kích thích sinh trưởng nên người dân có thể làm 1 năm 3 vụ. Thuốc kích thích được sử dụng bằng nhiều cách: có thể phun, tưới, bón hoặc tiêm trực tiếp vào cây; điều này không chỉ gây nguy hại cho người sử dụng mà lâu dài sẽ làm cho nguồn nước trong lòng hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Cùng với việc chặt phá rừng để trồng keo, trồng dứa; tình trạng khai thác than trái phép cũng diễn ra phổ biến và luôn là mối quan tâm  thường trực của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Báo cáo công tác tháng 8 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Lập cho biết, đến thời điểm hiện nay trên đất rừng phòng hộ thuộc các xã Dân Chủ, Quảng La, Bằng Cả, Đại Yên, Việt Hưng vẫn còn khoảng trên 20 lò than khai thác trái phép đang hoạt động, mặc dù chính quyền địa phương, các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp kiên quyết, tăng cường kiểm tra xử lý nhưng do không thực hiện được thường xuyên liên tục nên tình trạng này vẫn còn tái diễn.

Đây cũng là mối đe dọa trực tiếp tới sự an toàn của rừng phòng hộ và nguy cơ tiềm tàng của ô nhiễm nguồn nước.

Cần có một động lực chung

Xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ trong việc bảo vệ an toàn cho rừng phòng hộ và lòng hồ Yên Lập, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh đã tập trung lực lượng, phương tiện và kinh phí, tổ chức nhiều đợt ra quân với quy mô lớn, vừa tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tháo dỡ lán trại, rời khỏi các khu vực rừng phòng hộ, cam kết không tham gia vào các hoạt động làm ăn trái phép trong khu vực rừng và trong lòng hồ; đồng thời xử lý kiên quyết đối với các đối tượng cố tình chống đối.

Chi cục cũng đã xây dựng phương án, kế hoạch xoá bỏ toàn bộ diện tích trồng dứa trái phép để trồng lại rừng có chức năng phòng hộ.

Đến hết tháng 8/2007, Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Lập đã ký hợp đồng cùng với Trường Trung cấp Lâm nghiệp 1, phát trắng được trên 100ha dứa trồng trái phép và tổ chức trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích  rừng khu vực hạ lưu xung yếu và rất xung yếu quanh lòng hồ.

Tuy nhiên, để quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hàng chục ngàn hécta rừng phòng hộ của hồ Yên Lập trong điều kiện địa hình phức tạp, nhận thức của người dân chưa được nâng cao, cuộc sống còn nhiều khó khăn là một công việc hết sức phức tạp và đòi hỏi trách nhiệm không chỉ riêng một ngành mà rất cần sự nỗ lực chung với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền cơ sở, các ngành chức năng.

Trong đó có sự phối hợp chặt chẽ và sự tham gia tích cực, chủ động trong việc đấu tranh, ngăn chặn, xoá bỏ những tụ điểm hoạt động trái phép như khai thác than, khai thác lâm sản, lấn chiếm diện tích rừng… nhưng đồng thời cần tạo cho các hộ dân có điều kiện ổn định cuộc sống khi họ bị thu hồi rừng.

Bên cạnh đó cũng cần có quy chế quản lý chặt chẽ với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng và xử lý nghiêm khắc đối với những người cố tình vi phạm

Vũ Ninh
.
.
.