Quảng Ninh: Có một dòng sông sắp... biến mất

Thứ Tư, 11/07/2007, 19:12
Theo phản ánh của người dân địa phương, họ đã thực tế chứng kiến đơn vị xây dựng kho cảng đổ rất nhiều khối bê tông đúc sẵn xuống sông Đá Vách hệt như công trình ngăn sông làm thuỷ điện. Sau đó một thời gian ngắn đã thấy mặt bằng để xây dựng các kho này chính là mặt... sông.

Sông Đá Vách, nằm trên địa bàn huyện Đông Triều. Có thể tên sông nghe rất lạ, nhưng người dân Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương thì ai cũng biết được tầm quan trọng của dòng sông này, gắn với địa danh cũng một thời vang bóng: Bến Đụn.

Xưa kia, sông Đá Vách rất rộng lớn, có chức năng điều hòa, cung cấp phù sa cho đồng ruộng, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho cả một vùng dân cư nhiều tỉnh, thành. Sông còn là tuyến giao thông thủy nội địa rất quan trọng trong việc vận tải hàng hoá, giao thương từ Quảng Ninh nối với các tỉnh, thành phía Bắc theo đường ngắn nhất, rẻ và thuận lợi nhất.

Nhưng giờ đây, con sông sầm uất một thời sắp sửa bị... biến mất. Nguyên nhân không phải do đã quá già nua, không phải do tự nhiên làm cạn kiệt dòng chảy mà là do con người khai thác quá mức lợi thế của nó, không hề có ý thức giữ gìn, bảo vệ dòng sông.

Đó là thời kỳ mở mang kinh tế, cả Nhà nước và nhân dân cùng khai thác những lợi thế ven sông như khoanh nuôi thủy sản, xây dựng công trình nhà cửa, công xưởng, kho, bến bãi tập kết hàng hoá là những thứ cần khối lượng lớn như than, gạch, cát, đá, sỏi...

Chỉ tính riêng đoạn trên dưới bến Đụn có độ dài chừng 7km đã có hàng trăm bến bãi tập kết vật liệu xây dựng. Trong đó, đại đa số là tự khoanh vùng lập bến, lấy mặt sông làm hướng "tiến công".

Chỉ xét ở góc độ vật liệu rơi vãi trong quá trình tập kết, bốc xúc làm rơi vãi, qua nhiều năm tích tụ đã đủ bờ hóa mặt sông. Mức độ lấp sông cũng rất đáng sợ, có điểm bến bãi đã tiến ra sông đến gần một nửa (tính cả hai bên).

Đặc biệt, từ khi mở mang Khu công nghiệp Kim Sen, liền đó là cụm kho cảng mọc lên nhanh chóng và đều bám vào bờ sông Đá Vách nhằm khai thác tối đa lợi thế tuyến giao thông đường thuỷ này.

Tuy nhiên, xem xét cách xây dựng các kho cảng này, bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy đó không phải xuất phát từ cái nhìn quy hoạch bài bản mà là sự xâm lấn không thương tiếc thuỷ diện dòng sông.

Theo phản ánh của người dân địa phương, họ đã thực tế chứng kiến đơn vị xây dựng kho cảng đổ rất nhiều khối bê tông đúc sẵn xuống sông hệt như công trình ngăn sông làm thuỷ điện. Sau đó một thời gian ngắn đã thấy mặt bằng để xây dựng các kho này chính là mặt... sông. Ngoài ra là những lán trại tạm bợ có, vững chắc cũng có liên tiếp mọc nhanh ven hai bờ sông.

Đương nhiên cách xây dựng cũng không khác gì những người đi trước, cứ mặt sông mà tiến. Thậm chí có lán trại còn bất chấp vị trí xây dựng là cống tiêu thoát nước từ các đầm nuôi thuỷ sản, từ các đồng ruộng đổ ra sông. Hậu quả là mỗi khi có mưa lớn, có nước nguồn đột xuất đổ về là lập tức xảy ra hiện tượng úng ngập gây thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản.

Cứ như thế, năm này qua năm khác, các trường hợp lấn chiếm mặt sông từ ít thành nhiều, từ cá biệt trở thành... phổ biến. Một khi dòng chảy bị thu hẹp, thậm chí dòng chảy đã biến đổi, tàu bè qua lại đã phải mất nhiều thời gian đi lòng vòng, dò dẫm tránh lối đi quen để không phải... mắc cạn.

Tất cả những dấu hiệu này cho thấy, sông Đá Vách sắp phải... “qua đời”. Và để cứu chữa kịp thời khi còn có thể, đề nghị tỉnh Quảng Ninh, huyện Đông Triều, Sở GTVT cùng các đơn vị chức năng như Thanh tra giao thông, Đoạn quản lý đường sông Quảng Ninh cần thực hiện tốt hơn việc quản lý hành lang an toàn tuyến giao thông thủy nội địa theo Nghị định 40/CP.

Cần giải tỏa ngay những điểm xây dựng trái phép đang từng ngày đe dọa "tính mạng" dòng sông quan trọng này

Lê Minh Triết
.
.
.