Quảng Ngãi: XKLĐ dành riêng cho người dân tộc thiểu số

Thứ Bảy, 01/03/2008, 11:36
Trong những ngày đầu xuân mới, niềm vui của đồng bào thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi như được nhân lên gấp bội khi chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) dành riêng cho con em của mình chính thức "khởi động".

Hơn 30 thanh niên, nam nữ đầu tiên đã rời các buôn làng, chia tay với những ruộng lúa, nương khoai về TP chuẩn bị một cuộc hành trình mới cho tương lai của mình.

Còn nhớ cách đây khoảng 2 tháng, khi nghe thông tin về chương trình XKLĐ dành riêng cho lao động người đồng bào thiểu số các huyện miền núi của tỉnh đã có rất nhiều người hoài nghi, thậm chí không ít còn "huỵch toẹt": Đi làm việc ở nước ngoài chứ có phải ra chợ mua mớ rau, con cá đâu.

Ngay cả người dân miền xuôi cũng đã thấy khó, nói chi là miền núi. Những nghi ngại đó âu cũng là điều không có gì là khó hiểu, bởi lẽ thời gian qua chuyện đi lao động nước ngoài đã trở nên dễ dàng hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên yêu cầu của các nhà tuyển dụng nước ngoài đối với lao động nói chung về: Tác phong làm việc, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ... vẫn khắt khe.

Bên cạnh đó với điều kiện kinh tế phần lớn các gia đình người đồng bào miền núi hiện nay ở trong tỉnh còn khá khó khăn, thì chi phí ban đầu hàng triệu không phải là khoản tiền nhỏ. Vì vậy khi biết chương trình này đã trở thành việc thật sau gần 4 tháng thai nghén, với 30 lao động nam nữ người Kor ở huyện Sơn Tây và Sơn Hà đầu tiên đã và đang được học ngoại ngữ, hướng dẫn nghề gây bất ngờ cho nhiều người.

Chúng tôi đến thăm lớp học sau khi khai giảng được một tuần. Điều ghi nhận đầu tiên đối với những lao động này chính là sự chăm chỉ và nỗ lực của bản thân mỗi người. Em Đinh Thị Chút, một trong số 3 lao động nữ trong đợt này và là người duy nhất ở huyện Sơn Hà tâm sự: “Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên sau khi học dang dở phổ thông mình nghỉ ở nhà làm rẫy phụ giúp gia đình. Khi nghe chương trình này triển khai, mình liền đăng ký và được chọn. Mình sẽ cố gắng hết sức học tiếng Anh, học nghề tốt để được tuyển dụng”.

Cô Lê Thị Hoàng Hoanh, giáo viên dạy ngoại ngữ tâm sự: Tuy là người thiểu số, trình độ chỉ mới cấp 2, một số ít là cấp 3... thế nhưng ý thức học tập của các em rất cao, tiếp thu khá tốt.

Và một điều đáng ghi nhận khác khi biết: Khởi xướng và xây dựng chương trình đầy ý nghĩa này, đồng thời cũng là "nhà tài trợ" toàn bộ phần kinh phí ban đầu cho số lao động trên, với số tiền 1,5 triệu đồng/lao động, gồm các khoản: Tiền xe đi lại, ăn, ở, học... chính là Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) - Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi.

Ông Lê Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bày tỏ: Qua những lần tổ chức sàn giao dịch việc làm ở các huyện miền núi, những gì tai nghe, mắt thấy về cuộc sống đầy khó khăn của đồng bào địa phương nên đơn vị muốn làm một điều gì đó để giúp họ cải thiện cuộc sống.

Cùng với tạo điều kiện tìm việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu trung tâm đã xây dựng chương trình, với sự đồng tỉnh, ủng hộ từ phía cơ quan chủ quản, chính quyền sở tại.  Trong đợt xuất khẩu lao động đầu tiên sẽ có 50 lao động được tuyển dụng, với công việc là tham gia sản xuất mâm (niềng) xe.

Doanh nghiệp tuyển dụng là Công ty YHI INTERNATIONAL CO.,ITD - Tập đoàn YHI Group của Malaysia. Mức thu nhập mỗi lao động sau khi trừ chi phí khoảng 5 triệu đồng/tháng, thời hạn hợp đồng lao động là 3 năm và có thể gia hạn đến 5 năm. Dự kiến đến ngày 10-3, đại diện doanh nghiệp của Malaysia sẽ đến Trung tâm để trực tiếp phỏng vấn và tuyển dụng số lao động trên.

Nếu mọi việc suôn sẻ thì sau đợt này có khoảng 200 lao động người thiểu số thuộc 6 huyện miền núi Quảng Ngãi tiếp tục được TTGTVL hỗ trợ đào tạo miễn phí để đi xuất khẩu lao động. Và chương trình này sẽ đạt nhiều kết quả hơn nếu nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về mọi mặt của chính quyền tỉnh

C.Nguyễn
.
.
.