Quảng Nam: Nông dân trắng tay vì lợn chết hàng loạt

Thứ Tư, 11/07/2007, 12:35

"Chúng tôi tạm tính, cơn dịch này chỉ mới xảy ra 1 tuần nhưng thiệt hại của nó về kinh tế phải gấp đôi cơn bão số 6 vừa rồi - khoảng 6 tỷ đồng"- ông Nguyễn Công Cán, Phó Chủ tịch xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam nói.

>> Quảng Nam: Hơn 1.000 con lợn chết chưa rõ nguyên nhân

Bắt đầu từ 2 huyện Quế Sơn, Thăng Bình, đến ngày 10/7, tức sau 1 tuần xuất hiện, bệnh dịch trên lợn đã bùng phát ra một loạt huyện, thị của tỉnh Quảng Nam: Duy Xuyên, Tam Kỳ, Núi Thành, Đại Lộc... Chưa bao giờ người chăn nuôi ở Quảng Nam lại phải đối diện với một bệnh dịch gia súc lạ lùng và nguy hiểm đến thế.

Những bảng cấm cắm dày trên các ngả đường dẫn vào 7 xã vùng Đông 2 huyện Thăng Bình, Quế Sơn càng làm cho bà con nông dân trong và ngoài vùng dịch thêm hoang mang, nhốn nháo: "Đây là vùng dịch nguy hiểm đối với gia súc. Nghiêm cấm việc trao đổi, giết mổ gia súc ở vùng có dịch đến vùng không có dịch và ngược lại".

Nhưng mặc kệ bảng cấm, dân buôn heo vẫn phóng xe chở đằng sau những con lợn bị móc ruột (để vứt bộ lòng) chạy bạt mạng từ các xã có dịch đến chợ hoặc những điểm giết mổ nào đó chỉ có họ biết.

Chiều 10/7, ông Võ Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, trước tình hình bệnh lan rộng ra nhiều huyện, thị, sở đề xuất để UBND tỉnh ra thông báo dịch gia súc trên toàn tỉnh và có những biện pháp cương quyết để khống chế dịch. Theo ông Cường, số lợn bị bệnh dịch cả tỉnh đã trên 10.000 con.

Quế Phú, 1 trong 7 xã có dịch đầu tiên của tỉnh (gồm Quế Phú, Quế Xuân 1- huyện Quế Sơn và Bình Đào, Bình Giang, Bình Nguyên, Bình Phục, Bình Triều - huyện Thăng Bình). Nơi đây đã có 21.000 con lợn bị dịch bệnh chết hoặc bị bán tống bán tháo - coi như 70% tổng đàn heo của xã bị xoá sổ.

Ông Nguyễn Công Cán, Phó Chủ tịch xã Quế Phú sững sờ: Bệnh phát tán nhanh quá. Trưa lợn còn ăn, đến chiều đã phát bệnh, tối chết.

Ngày đầu tiên chỉ có thôn 8A, 8B phát bệnh, qua 2 hôm sau 19 thôn toàn xã bị hết. Đến ngày thứ 5, cả xã có 6 thôn không một nhà nào còn lợn, chuồng nhà nào cũng trống hoác.

"Chúng tôi tạm tính, cơn dịch này chỉ mới xảy ra 1 tuần nhưng thiệt hại của nó về kinh tế phải gấp đôi cơn bão số 6 vừa rồi - khoảng 6 tỷ đồng"- ông Cán nói.

Nhân dân Quế Phú hoang mang vì xưa nay chưa từng gặp bệnh này. Lợn tự dưng sốt cao (41 độ), bỏ ăn, toàn thân đỏ bầm, mắt có ghèn, táo bón… Điều trị kiểu gì cũng không khỏi. Các quầy thú y "cháy thuốc". Nông dân vét cạn tiền mua thuốc. Cả 3 nhóm kháng sinh: tụ huyết trùng - phó thương hàn - dịch tả; xoắn khuẩn; liên cầu trùng, thứ gì bà con cũng tiêm, tiền hết nhưng heo vẫn chết. Nông dân sợ quá, không gọi là bệnh mà là giặc - giặc heo - giặc đến là xơ xác cửa nhà…

Vùng Đông Thăng Bình, Quế Sơn đất nông nghiệp ít, bà con được Nhà nước khuyến khích hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng để chăn nuôi. Sau khi bò cả tỉnh rớt giá, gia cầm bị H5N1, thì con heo là niềm hy vọng của nhân dân vùng Đông. Không ngờ đến cái phao cuối cùng này cũng tuột khỏi tay bà con.

Ông Nguyễn Văn Hương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thăng Bình, dự đoán: Chừng 3-4 tháng nữa, khả năng cả ngàn hộ dân vùng dịch thiếu đói. Theo ông Hương, lợn chết sẽ dẫn đến lúa, bắp, rau, đậu… của nông dân cũng kém năng suất theo. Bà con nuôi lợn để có thu nhập và lấy tiền đầu tư cho cây trồng (phân bón, thuốc trừ sâu…). Mất lợn thì lúa có bị sâu bệnh cũng đành bó tay chịu.

Ông Hương nói, chưa biết đến bao giờ bà con mới phục hồi được chăn nuôi. Chưa nói đến tiền đầu tư, mà ngay cả môi trường vệ sinh phải cả năm nữa mới có thể trở lại bình thường. "Nếu đây đúng là do bệnh dịch tả khô thì phải 3 năm sau mới nuôi lợn trở lại được. Còn không hễ nuôi là chết".

Những ngày qua, đi thực tế, nghe tiếng khóc của người nông dân làng này qua làng khác vì "giặc heo", ông Hương xót xa: Chắc chắn sẽ có khá nhiều học sinh nông thôn từ sau mùa hè này phải bỏ học

Lê Vũ
.
.
.