Quảng Nam: Người dân bức xúc do doanh nghiệp khai thác cát làm thất lạc mộ ở nghĩa địa Động Chai

Thứ Tư, 29/10/2014, 09:53
“Mấy đêm liền mưa to quá, thấp thỏm không ngủ được. Thêm vài trận như vậy thì triền cát sẽ sạt lở mạnh, nhiều mồ mả sẽ bị trôi theo”- bà Tôn Thị Đạt, trú thôn Nam Cát, xã Tam Anh Nam (Núi Thành, Quảng Nam) lo lắng. Tuy nhiên, cũng như bà Đạt, nhiều hộ dân ở địa phương này chưa chịu di dời mồ mả của tộc họ ở nghĩa địa Động Chai và tiếp tục khiếu nại vì cảm thấy sự việc chưa được giải quyết thỏa đáng…

Theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền, khu vực nghĩa địa Động Chai, xã Tam Anh Nam nằm trong quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai. Tháng 12/2012, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định thu hồi 6,8ha đất tại khu vực này và giao cho Công ty CP Kính nổi Chu Lai thuê và khai thác cát trắng để sản xuất, đồng thời giải phóng mặt bằng cho dự án Khu công nghiệp cơ khí đa dụng và ôtô Chu Lai. Trước đó, UBND huyện Núi Thành đã ra các quyết định bồi thường, hỗ trợ di dời mồ mả ở nghĩa địa Động Chai và triển khai công tác đền bù.

Ngay sau khi có quyết định được thuê đất, Công ty CP Kính nổi Chu Lai đã hợp đồng với Công ty TNHH Phú Long cho xe múc, xe tải vào nghĩa địa Động Chai để khai thác cát trắng đưa về nhà máy sản xuất. Lúc này, khu nghĩa trang nhân dân xã Tam Anh chưa được xây dựng, không có chỗ để quy tập mồ mả ở nghĩa địa Động Chai. Do đó, nhiều hộ dân có đất đai, mồ mả trong khu vực nghĩa địa chưa nhận tiền đền bù. Nhưng điều khiến người dân bức xúc nhất là hoạt động khai thác cát vội vã của Công ty Kính nổi Chu Lai đã đe dọa xâm hại hàng trăm ngôi mộ. Lo ngại vấn đề này, người dân đã phản ánh sự việc đến chính quyền địa phương và nhiều lần phản đối, ngăn cản, yêu cầu Công ty Phú Long dừng khai thác cát. Về phía Công ty Phú Long, họ cho rằng chỉ múc cát ở những khu vực không có mộ, hoặc cách mộ 7m trở lên. Nhưng ghi nhận thực tế tại nghĩa địa Động Chai cho thấy, nhiều ngôi mộ nằm chênh vênh sát ta-luy cát do hoạt động khai thác tạo ra…

Một ngôi mộ và trụ tín hiệu đường sắt có nguy cơ sạt lở do khai thác cát ở Động Chai.

Đưa chúng tôi đến ụ cát có chắn hai đầu bằng 2 mảnh bia đá cũ nát, người dân cho biết, hài cốt trong ngôi mộ trước đó đã bị sạt đổ xuống rãnh cát mà Công ty Phú Long múc đi. Anh N. một người dân thôn Nam Cát, kể lại: “Hôm đó, tôi đi ngang qua thì thấy một hũ sành lăn lóc giữa triền cát, cạnh đó là mấy đoạn xương ống rơi ra. Có lẽ đây là bộ hài cốt đã cải táng. Tôi nhờ người lái xe múc cát gọi điện báo cho lãnh đạo Công ty Phú Long. Sau đó, Công ty Phú Long có cho người mang đến mấy trăm ngàn đồng nhờ mua trái cây để cúng và bộ hài cốt được anh em tôi chôn lại ở chỗ này”. “Ngôi mộ này bị sạt lở, nhưng may vẫn còn xương. Dòng họ Lưu của tôi, có 5 ngôi mộ chôn ở đây bị thất tán, giờ không biết đâu mà tìm”, anh Lưu Đình Chì quệt nước mắt nói...

Liên quan đến vụ việc này, bà Tôn Thị Đạt (trú thôn Nam Cát) cho biết: “Đầu năm 2013, có một số công nhân Công ty Phú Long thuê nhà tôi ở để khai thác cát, trong đó có lái xe múc tên Tuấn và phụ xe tên Huy. Một buổi trưa, Huy về sớm, không ăn cơm, sau đó kể việc Tuấn múc cát, múc đụng xương cốt mà vẫn đổ lên xe tải. Huy và Tuấn đã cãi vã với nhau khi Huy trách Tuấn làm việc thất đức, sau đó nghỉ làm”. Theo bà Đạt, hôm sau đi cắt rau muống ngang qua đó, bà có ghé xem và thấy mất một số ngôi mộ, đúng vị trí anh Chì cho là mộ của tộc họ mình.  

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghĩa địa Động Chai có từ hàng trăm năm qua. Nhiều ngôi mộ được xây dựng sơ sài, bị bỏ phế lâu năm. Có nhiều ngôi mộ cũ không xác định được của gia đình, tộc họ nào. Hàng chục ngôi mộ khác cũng “vô thừa nhận” do không còn thân thích, hoặc người thân đi kinh tế mới không trở về. Do điều kiện kinh tế khó khăn trước đây, nhiều người chết, nhất là trẻ em, gia đình không xây được mộ, mà chỉ chôn và vun cát lên cao, đồng thời đặt một tảng đá nhỏ để làm dấu. Theo thời gian, những ngôi mộ này bị lẫn trong cát nên việc bị múc nhầm cũng có thể xảy ra.

Cô Võ Thị Khương, chị Nguyễn Thị Thu Hà cùng nhiều người dân địa phương cho biết thêm: Ven triền cát dọc con đường mà họ vẫn cuốc bộ đi chợ Kỳ Chánh những năm trước có hàng chục ngôi mộ chỉ có nấm như vậy. Đến khi Công ty Phú Long khai thác cát, chẳng biết những ngôi mộ này đã thất lạc, hay di dời đi đâu. Tại thời điểm này, nhiều ngôi mộ hiện hữu đang trong nguy cơ “hỏng chân” do khai thác cát… Để đối phó với nguy cơ sạt lở mồ mả nằm hai bên rãnh cát sâu 5-7m, chiều rộng hàng chục mét đã múc đi, doanh nghiệp đã dùng đất đồi núi tạm “be” triền cát. Tuy nhiên, những “vách cát” khá mong manh này đã bị vỡ hoặc xói trôi nhiều đoạn do mưa lớn trong những ngày qua. 

Không những mồ mả, một số diện tích đất trồng lúa, ươm keo lá tràm của người dân dưới chân đồi cát cũng bị xâm lấn do cát trôi. Doanh nghiệp còn múc cát ngay sát trụ tín hiệu đường sắt nằm bên rìa nghĩa địa khiến một số trụ xiêu vẹo. Hoạt động khai thác cát trắng tại nghĩa địa Động Chai là có đầy đủ căn cứ pháp lý. Nhưng qua thực tế cho thấy, do doanh nghiệp thực hiện vội vã, chạy theo lợi ích, xem nhẹ tình cảm, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân nên đã gây nhiều bức xúc. Trước phản ứng quyết liệt của người dân, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc và đình chỉ hoạt động khai thác cát của Công ty CP Kính nổi Chu Lai tại nghĩa địa Động Chai.

Tại các cuộc tiếp xúc với chính quyền địa phương, người dân đều bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng chấp hành di dời mồ mả để giao đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, phải hoàn thiện hạ tầng khu nghĩa trang nhân dân xã Tam Anh Nam trước, để nhân dân di dời mồ mả vào đây; chỉ tiếp tục tục khai thác các sau khi việc di dời mồ mả hoàn thành. Phải có mức đền bù, hỗ trợ thỏa đáng. Miền Trung đang vào mùa mưa bão, người dân yêu cầu Công ty CP Kính nổi Chu Lai, Công ty Phú Long phải có phương án bảo vệ hàng chục ngôi mộ có nguy cơ sạt lở do khai thác cát; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi xâm hại mồ mả, hài cốt tại nghĩa địa Động Chai

Thân Lai
.
.
.