Quảng Nam: Khai thác khoáng sản, làm hại môi trường

Chủ Nhật, 28/10/2007, 10:48
Huyện Núi Thành hiện có 9 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác đá với diện tích 133,5 ha, không kể ngày đêm mưa nắng. Hàng trăm hộ dân sống gần khu vực các mỏ đá đang thấp thỏm nỗi lo nhà sập, núi lở và cảnh ô nhiễm môi trường từng ngày.

Câu chuyện hàng trăm ngôi nhà ở thôn Hòa Vân, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam bị nứt xảy ra trưa 11/8 do Công ty Quốc tế đá Thái Bình sử dụng thuốc nổ quá lớn để đánh đá đến giờ vẫn còn nóng bỏng.

Theo lãnh đạo UBND huyện Núi Thành, Quảng Nam cho biết, có tới hơn 100 hộ dân thôn Hòa Vân, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành phản ánh tình trạng nổ mìn, phá đá của Công ty Quốc tế đá Thái Bình làm hư hỏng 121 ngôi nhà.

Hiện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra, thống kê thiệt hại để buộc doanh nghiệp bồi thường cho người dân nhưng hiện tại vẫn chưa có số liệu thiệt hại cụ thể.

Núi Thành hiện có 9 doanh nghiệp đang hoạt động khai thác đá với diện tích 133,5 ha, không kể ngày đêm mưa nắng. Hàng trăm hộ dân sống gần khu vực các mỏ đá đang thấp thỏm nỗi lo nhà sập, núi lở và cảnh ô nhiễm môi trường từng ngày. Ngoài ra, ở địa bàn Núi Thành còn có 10 doanh nghiệp khai thác titan trên 194 ha và hai công ty khai thác cát trắng trên 230 ha...

Khai thác đá.

Theo người dân địa phương phản ánh, tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi và quá mức ở đây đã làm cho nước giếng bị cạn và xuất hiện có mùi phèn.

Tỉnh Quảng Nam cấp phép cho hai công ty liên doanh khai thác cát trắng ở Núi Thành nhưng thực trạng cát ở đây không còn nhiều nữa. Len lỏi vào từng khu dân cư xung quanh biển, nạn khai thác trộm cát cũng diễn ra không ít. Vì miếng cơm manh áo, người dân cũng lặn lội đêm ngày lấy cát về bán lại cho công ty. Cách đây nửa tháng, xã và huyện huy động lực lượng để bắt xe chở cát trộm, nhưng rất khó khăn: kiểm tra, kiểm soát sao hết được.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Núi Thành, ông Hoàng Văn Hóa cho biết, nạn khai thác đá, titan, cát trắng ở Núi Thành có tác động đến môi trường và cuộc sống người dân xung quanh nhưng đến nay vẫn chưa có kiểm tra xác định cụ thể từ phía cơ quan chức năng.

Một vấn đề khác đặt ra ở đây nữa là việc nộp thuế của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được tự kê khai theo tinh thần tự nguyện nên khó xác định được sản lượng khoáng sản ở đây bị mất bao nhiêu. Qua tìm hiểu, đến tháng 8/2007, doanh nghiệp được nộp thuế nhiều nhất ở đây là 182 triệu, các đơn vị còn lại chỉ vài chục triệu.

Một vụ việc cũng gây dư luận bức xúc là UBND xã Tam Nghĩa đã cho Công ty cổ phần Đất Quảng khai thác titan trên 2,8 ha để thu tiền làm quỹ cho xã mà không xin phép theo quy định. Đến khi việc khai thác đã xong thì mới bị phát hiện. Vì titan quý nên cuộc tranh dành diện tích được cấp phép đất khai thác ở đây cũng phức tạp không kém. Trung tuần tháng 10/2007, DNTN Phước Toàn đã gửi đơn ra tòa kiện UBND huyện Núi Thành không giữ đúng cam kết với doanh nghiệp...

Trao đổi với PV Báo CAND, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Đức Hải cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra làm rõ việc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Quảng Nam gây ô nhiễm môi trường, nộp thuế không đầy đủ để có biện pháp xử lý theo quy định. Chủ tịch Nguyễn Đức Hải khẳng định, vấn đề đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản phải do doanh nghiệp chịu trách nhiệm, nếu vi phạm sẽ đình chỉ việc khai thác

Ngọc Như
.
.
.